Đảm bảo các điều kiện để kỳ thi tốt nghiệp THPT diễn ra an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế
(BĐ) - Sáng 20.6, Bộ GD&ĐT tổ chức Hội nghị trực tuyến về công tác tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 giữa Ban Chỉ đạo thi cấp quốc gia và Ban Chỉ đạo thi cấp tỉnh. Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng, Trưởng Ban chỉ đạo cấp quốc gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 chủ trì hội nghị.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Hải Giang, Trưởng Ban chỉ đạo cấp tỉnh Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 chủ trì hội nghị tại điểm cầu Bình Định.
Quang cảnh Hội nghị trực tuyến về công tác tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024 tại điểm cầu Bình Định. Ảnh: H.T.ĐIỂM.
Thông tin tại hội nghị cho biết, kỳ thi năm nay cả nước có hơn 1 triệu thí sinh đăng ký (tăng hơn 47.000 thí sinh so với năm 2023); có 46.978 thí sinh tự do (chiếm 4,38%); có 1.014.020 thí sinh đăng ký trực tuyến (chiếm 94,66%); 66.927 thí sinh miễn thi Ngoại ngữ (chiếm 6,25%); bố trí 45.149 phòng thi tại 2.323 điểm thi (tăng 51 điểm thi so với năm 2023).
Là kỳ thi tốt nghiệp THPT cuối cùng áp dụng theo chương trình giáo dục phổ thông năm 2006, kỳ thi năm nay vẫn được tổ chức cơ bản ổn định như năm 2023. Ban Chỉ đạo cấp quốc gia tiếp tục tổ chức các đoàn làm việc, kiểm tra địa phương trong công tác chuẩn bị, tổ chức thi, công tác coi thi và chấm thi, đảm bảo kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế. Bộ GD&ĐT thành lập 63 đoàn kiểm tra; huy động gần 8.000 cán bộ, giảng viên cơ hữu các cơ sở giáo dục đại học tham gia công tác coi thi.
Năm nay, tỉnh Bình Định có 19.424 thí sinh đăng ký dự thi. Trong đó, 18.912 thí sinh thi để xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ; 109 thí sinh chỉ thi để xét tốt nghiệp THPT; 403 thí sinh chỉ thi để xét tuyển sinh ĐH, CĐ.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Hải Giang yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương đặc biệt quan tâm đến công tác chuẩn bị và tổ chức kỳ thi; đảm bảo cơ sở vật chất, thiết bị phục vụ kỳ thi; tăng cường đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, ANTT, PCCC… trước và trong kỳ thi; nắm bắt diễn biến thời tiết, chủ động xây dựng các phương án dự phòng; chú ý công tác in sao, bảo quản đề thi và yếu tố con người trong công tác phục vụ kỳ thi. Đặc biệt, tại các huyện miền núi, vùng sâu vùng xa, địa phương cần sâu sát, nắm bắt và hỗ trợ kịp thời các trường hợp gặp khó khăn, tạo điều kiện để các em tham gia kỳ thi thuận lợi.
Kết luận tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng đánh giá cao tinh thần chủ động và nỗ lực của các địa phương trong công tác chuẩn bị kỳ thi. Thứ trưởng nhấn mạnh đây là kỳ thi quan trọng, diễn ra trong toàn quốc, nhận được sự quan tâm rất lớn của xã hội khi kết quả của kỳ thi vừa công nhận tốt nghiệp, vừa xét tuyển ĐH, CĐ. Do vậy, yêu cầu các địa phương chuẩn bị kỹ lưỡng, chu đáo, nghiêm túc. Đặc biệt, chú ý công tác bảo quản, bảo mật đề thi; đảm bảo an ninh, an toàn các phần mềm và hệ thống quản lý dữ liệu liên quan đến kỳ thi; chủ động xây dựng phương án dự phòng; kịp thời trao đổi nếu có vướng mắc, nhằm đảm bảo kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế.
HỒ THỊ ĐIỂM