Một không gian vui chia sẻ tình yêu xứ Nẫu
Ngay sau khi Báo Bình Ðịnh phát động Cuộc thi viết “Bình Ðịnh - Ðất và Người” tại Hội nghị cộng tác viên vào dịp 21.6.2023, thông tin chi tiết về Cuộc thi được truyền tải nhiều lần trên Báo Bình Ðịnh để bạn đọc nắm bắt. Nhiều năm rồi Báo Bình Ðịnh mới lại tổ chức một cuộc thi viết và có lẽ vì thế bạn viết hưởng ứng khá nhiệt tình. Có thể nói Báo Bình Ðịnh đã tạo ra một không gian vui chia sẻ tình yêu xứ Nẫu.
Cuộc thi được chính thức phát động vào ngày 21.6.2023 thì đến ngày 2.7.2023 đã có bài dự thi rất tốt xuất hiện trên báo Bình Định, là bài Nhật “bả trạo” của tác giả Thanh Trọn (Phù Mỹ). Chỉ tính riêng những bài đáp ứng đúng thể lệ thì Cuộc thi nhận được khoảng 100 bài, có 42 bài được chọn đăng báo. Có một chi tiết vui, bài đầu tiên và bài cuối cùng của Cuộc thi đều có giải - Nhật “bả trạo” của Thanh Trọn và Nức danh đội siêu kỵ Vĩnh Lợi của Huỳnh Ngọc Hiền. Cuộc thi mở ra và đóng lại với cách ấy tình cờ đã tạo ra một dấu khuyên vui!
Những tác phẩm đoạt giải cao nhất của Cuộc thi viết chủ đề “Bình Định - Đất và Người”.
Thành công nhờ được bạn viết ủng hộ
Có thể khẳng định, Cuộc thi đã đạt được thành công hơn mong đợi. Cuộc thi kéo dài trong 11 tháng - ngày 21.6.2023 phát động, ngày 2.7.2023 bắt đầu đăng bài, ngày 31.5.2024 dừng nhận bài dự thi, đạt mục tiêu mỗi tuần có 1 bài dự thi đăng trên Báo Bình Định.
Các bài dự thi đề cập đến nhiều vấn đề liên quan đến đất và người Bình Định. Nhìn chung cả 11 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh ít nhiều đều “có mặt” tại Cuộc thi, trong đó nhiều nhất là TP Quy Nhơn.
Trong số này có hết thảy 7 bài đặc tả chân dung nhân vật; 35 bài còn lại viết về vùng đất và con người. Ở góc độ tác giả, Cuộc thi nhận được sự tham gia của 11 tác giả viết với vị thế là người ngoài tỉnh. Thật đáng trân trọng tình cảm của các tác giả này dành cho Bình Định.
Các bài dự thi đã đăng phong phú về nội dung, cách thể hiện sinh động, hấp dẫn, góc nhìn thú vị; nhiều bài viết còn đề xuất, kiến nghị, gợi mở ra cách thức tiếp cận mới giúp việc giới thiệu, chia sẻ cảm nhận về những nét đẹp của quê hương và con người Bình Định, qua đó bồi đắp tình yêu và niềm tự hào, góp phần xây dựng quê hương, con người Bình Định ngày càng giàu mạnh, tươi đẹp, nghĩa tình.
Rất nhiều cuộc thi đã phải gia hạn để có thêm bài xét giải, một số cuộc thi khác chất lượng không được như mục tiêu đặt ra nên ban tổ chức không trao giải nhất, thậm chí giảm số lượng giải trao. Cuộc thi viết chủ đề “Bình Định - Đất và Người” không vướng vào những tình huống đó. Ngược lại, do có quá nhiều bài tốt, các giám khảo phải làm việc rất căng thẳng. Để chấm chọn và đi đến thống nhất đề xuất trao giải, các giám khảo đã phải đối chiếu, so sánh các bài dự thi nhiều lần, cân nhắc từng chi tiết trước khi đi đến kết quả cuối cùng.
Ban tổ chức Cuộc thi khẳng định, cuộc thi đã thành công trước tiên là nhờ các bạn viết đã nhiệt tình ủng hộ, hưởng ứng.
Lan tỏa tình yêu đất và người Bình Ðịnh
Từ những bài dự thi đã đăng, Cuộc thi đã tạo ra nhiều tác động xã hội nhất định; rõ ràng đã có thêm nhiều người biết rõ hơn về đất và người Bình Định, và muốn đến Bình Định hơn.
Đặc biệt một số bài đã tạo hiệu ứng thực tế rất sớm, điển hình là bài Nhật “bả trạo” của tác giả Thanh Trọn. Thực tế cho thấy, sau khi Báo đăng bài, những việc làm có phần âm thầm của nhân vật trong bài là anh Phan Văn Nhật đã được chính quyền, đoàn thể từ cấp huyện, cấp tỉnh đến Trung ương ghi nhận tương xứng. Và cao nhất, anh Nhật đã được Trung ương Đoàn vinh danh, khen thưởng.
Những nhân vật của Cuộc thi đều xem việc được xuất hiện trên Báo Bình Định là nguồn động viên lớn. Chính từ đây, nhiều người thêm hăng say làm việc, góp phần truyền cảm hứng, tác động tích cực đến cộng đồng từ sự tỏa sáng tự thân của mình.
Và điểm phổ biến nhất là dữ liệu, thông tin từ những bài dự thi đã trở thành tài liệu phục vụ đắc lực cho ngành VH-TT ở nhiều địa phương, đặc biệt là các hướng dẫn viên du lịch. Một ví dụ khác, sau khi báo đăng tải bài dự thi Những nốt nhạc vui ở ngoại ô Quy Nhơn của tác giả Nguyễn Nguyệt, TP Quy Nhơn đã tổ chức một số chuyên đề hỗ trợ theo hướng phát triển mô hình du lịch - nhà vườn ở ngoại ô Quy Nhơn, điểm check-in ven hồ Long Mỹ đã có thêm nhiều khách hơn, một số điểm cung cấp dịch vụ gần đó cũng bắt đầu hình thành…
Hẳn là, những người sản xuất, bán rượu sẽ thích thú và giữ lại những câu chuyện trong bài dự thi “đất Võ, trời Văn, xứ Rượu” của tác giả Trần Đăng làm một nguồn tư liệu để giới thiệu sản phẩm của mình. Hoặc đồng bào miền Nam rồi đây sẽ thêm yêu quý người Bình Định hơn khi theo dõi bài viết Có một Bình Định nơi xứ biển Kiên Giang của tác giả Lê Văn Chương; hay thông qua tình cảm của Đinh Ngọc, cô gái xứ Quảng về làm dâu xứ Nẫu ở bài viết Phú Phong- Đất ấm tình người, người ta sẽ hiểu thêm nhiều ngóc ngách đáng yêu trong tâm hồn Bình Định. Có thể không yêu mến được chăng khi tác giả tiết lộ ra rằng, 12 năm làm dâu ở Tây Sơn chưa bao giờ cô thấy mình làm dâu xứ lạ…
Cuộc thi viết chủ đề “Bình Định - Đất và Người” đã khép lại nhưng từ đây lại mở ra thêm nhiều niềm vui, nhiều sẻ chia hạnh phúc khi đến với xứ Nẫu, kết giao với con người ở xứ sở này. Và những tình cảm mới mẻ ấy lại có thể tạo ra những góc nhìn tốt để bạn viết của Báo Bình Định tham gia cuộc thi mới - cuộc thi viết chủ đề “Khát vọng người Bình Định: Đột phá - Vươn tầm”. Và cũng như trước, cuộc thi lần này vẫn dành riêng cho bạn viết, bạn đọc Báo Bình Định và những người có tình cảm yêu mến với quê hương, con người Bình Định.
BÁ PHÙNG