Báo chí với sự nghiệp “phò chính - trừ tà”
Trong giai đoạn hiện nay, yêu cầu quan trọng đặt ra là báo chí cách mạng phải phát huy mạnh mẽ sự nghiệp “phò chính - trừ tà”, không ngừng đổi mới, sáng tạo để thích ứng với những nhiệm vụ khó khăn, phức tạp đang đặt ra.
Vũ khí sắc bén
Năm 1925, Chủ tịch Hồ Chí Minh thành lập Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội, cho xuất bản tờ báo Thanh Niên để tuyên truyền cho các phong trào cách mạng trong nước. Ở thuở ban đầu ấy, Người đã chú trọng phát huy vai trò của báo chí trong việc tuyên truyền, định hướng đường lối chính trị của Đảng và là lực lượng xung kích trong đấu tranh chính trị, bảo vệ thành quả cách mạng.
Các nhà báo tham quan Khu di tích trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, trong khuôn khổ Hội thảo Báo Ðảng các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung - Tây Nguyên lần thứ 10 (vòng IV) với chủ đề “Báo Ðảng với việc tuyên truyền bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng trong tình hình mới” (Quảng Trị, tháng 4.2023). Ảnh: M.L
Người yêu cầu báo chí phải: “Vạch rõ âm mưu, chính sách và những hành động tàn bạo của địch” để có biện pháp đấu tranh phù hợp, hiệu quả. Với đội ngũ người làm báo, Người yêu cầu phải có phương pháp khoa học trong đấu tranh quan điểm sai trái, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Ngày 22.10.2018, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 35-NQ/TW về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”. Kể từ đó, báo chí trở thành “tuyến đầu”, chủ động, tích cực tham gia bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, kịp thời đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, phản động, cơ hội, có tính bịa đặt, vu khống, gây chia rẽ nội bộ, mất đoàn kết trong Đảng và xã hội.
Nhiều cơ quan báo chí mở chuyên trang, chuyên mục đăng tải các sản phẩm đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Điển hình như chuyên mục “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng” của Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, “Làm thất bại chiến lược “Diễn biến hòa bình”” của Báo Quân đội nhân dân, “Đấu tranh phản bác luận điệu sai trái, thù địch” của Tạp chí Cộng sản…
Từ tháng 7.2019, Đài Truyền hình Việt Nam mở chuyên mục “Đối diện” (phát sóng định kỳ 1 số/tháng), chuyên về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Chương trình này được đánh giá cao, có sức lan tỏa trong xã hội.
Mới nhất, ngày 17.6.2024, Thông tấn xã Việt Nam ra mắt chuyên trang thông tin “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái của các thế lực thù địch”, tại địa chỉ happyvietnam.vnanet.vn.
Từ cuối năm 2019, Báo Bình Định đã ban hành và tổ chức thực hiện Kế hoạch tuyên truyền Nghị quyết số 35-NQ/TW. Bên cạnh các bài viết thường xuyên trên các chuyên trang khác nhau, Báo Bình Định mở chuyên mục “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng” trên trang Xây dựng Đảng - Chính quyền, duy trì thường xuyên 2 kỳ/tháng.
Chuyên mục “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng” đã góp phần đấu tranh, phản bác có hiệu quả các quan điểm sai trái, thù địch, nhất là trong giai đoạn diễn ra Đại hội XIII của Đảng và đại hội đảng các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025, bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026. Các bài viết của chuyên mục góp phần quan trọng tạo sự đồng thuận của cán bộ, đảng viên, quần chúng, nhất là trong quá trình thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng để thực hiện các dự án, công trình trọng điểm phát triển KT-XH của quốc gia, của tỉnh.
Lấy “xây” để “chống”
Dịp kỷ niệm 90 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21.6.2015), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có bài viết với tất cả tình cảm và tâm huyết của mình gửi đội ngũ những người làm báo cả nước: “Phát huy hơn nữa vai trò của báo chí trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ đất nước”. Tổng Bí thư nhấn mạnh: “Báo chí không chỉ thuần túy đưa thông tin mà phải có phân tích, bình luận, có định hướng để giúp người đọc, người xem, người nghe hiểu rõ cái đúng, cái sai, qua đó giúp mọi người biết bảo vệ lẽ phải, bảo vệ cái đúng, làm theo cái tốt, cái đẹp, biết ghét thói hư tật xấu và hướng tới những giá trị nhân văn cao cả, vì cuộc sống bình yên, tốt đẹp của mọi người, mọi nhà và cả xã hội…”.
Tổng Bí thư cũng nêu rõ: “Không mơ hồ trước hết về bản chất, chức năng của báo chí, để từ đó xác định rõ chỗ đứng, góc nhìn và cách nhìn của mình trong việc thu nhận thông tin, phân tích thông tin và công bố thông tin”.
Trong 6 quan điểm chỉ đạo đặt ra từ Nghị quyết số 35-NQ/TW, đáng chú ý là quan điểm thứ 5: Gắn kết chặt chẽ giữa “xây” và “chống”, “xây” là cơ bản, “chống” phải quyết liệt, hiệu quả.
Thực hiện quan điểm chỉ đạo này, cùng với việc đấu tranh trực diện với những thông tin xấu độc, các cơ quan báo chí cần tiếp tục bảo đảm thông tin tích cực là dòng thông tin chủ đạo, góp phần tạo “tâm trạng xã hội” tích cực, tạo lập và củng cố niềm tin trong nhân dân vào các chủ trương và quyết sách của Đảng và Nhà nước.
Trong đó, trọng tâm là giới thiệu những nhân tố tích cực, những mô hình hiệu quả, việc làm tốt đẹp, biểu dương người tốt, việc tốt. Đồng thời, chủ động nêu ý kiến phản biện trước những bất cập, hạn chế, thiếu sót trong quá trình thực thi công vụ của các cơ quan, đơn vị, cán bộ, đảng viên. Từ đó, phân tích rõ nguyên nhân, bài học kinh nghiệm và hướng khắc phục để bạn đọc chủ động nắm bắt thông tin, không bị lợi dụng, lôi kéo theo ý đồ tiêu cực của các thế lực thù địch.
Bên cạnh đó, cần lắng nghe và kịp thời phản ánh tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, góp phần giải quyết những yêu cầu, kiến nghị chính đáng của người dân.
MAI LÂM