CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 99 NĂM NGÀY BÁO CHÍ CÁCH MẠNG VIỆT NAM (21.6.1925 - 21.6.2024)
Xây dựng nền báo chí chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn, “người làm báo cách mạng phải có tâm sáng, lòng trong, bút sắc. Lời dặn ấy càng có ý nghĩa hơn trong bối cảnh cạnh tranh thông tin gay gắt, cùng sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội.
Ðóng góp quan trọng trong sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước
Trải qua chặng đường 99 năm xây dựng và trưởng thành, các thế hệ người làm báo cách mạng luôn thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ, không quản ngại khó khăn, gian khổ; kịp thời phản ánh sinh động công cuộc kháng chiến, kiến quốc, đổi mới và phát triển đất nước. Báo chí cách mạng kiên quyết đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu chống phá của các thế lực thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phòng chống tiêu cực, tham nhũng, tệ nạn xã hội; đồng thời là diễn đàn tin cậy, thể hiện ý chí, tình cảm, nguyện vọng, bảo vệ quyền lợi chính đáng của nhân dân.
Phóng viên Đài PT-TH Bình Định phỏng vấn Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng trong một chuyến công tác kiểm tra tình hình nuôi tôm của Công ty TNHH Việt - Úc Phù Mỹ (huyện Phù Mỹ). Ảnh: N.H
Đánh giá về vai trò đồng hành của báo chí đối với sự phát triển của tỉnh nhà thời gian qua, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Đỗ Nguyên Hùng cho rằng, cùng với sự phát triển chung của báo chí cả nước, báo chí cách mạng Bình Định không ngừng trưởng thành về mọi mặt. Hiện nay, sau khi thực hiện sắp xếp các cơ quan báo chí theo quy hoạch báo chí toàn quốc, tỉnh Bình Định có 3 cơ quan báo chí với đủ các loại hình báo hình, báo viết, báo nói. Trên địa bàn tỉnh còn có gần 50 cơ quan báo chí hoạt động; trong đó có 7 văn phòng đại diện, 16 phóng viên thường trú, hơn 30 phóng viên, cộng tác viên theo dõi địa bàn.
“Thời gian qua, các cơ quan báo chí trong tỉnh có nhiều đổi mới, tiếp cận công nghệ làm báo hiện đại, từng bước chuyển đổi số trong hoạt động báo chí, đưa thông tin báo chí lên các nền tảng truyền thông khác nhau nhằm thông tin nhanh nhất tới độc giả. Qua đó, phát hiện và cổ vũ những nhân tố mới, điển hình tiên tiến trong xã hội và những thành tựu trong công cuộc đổi mới của đất nước nói chung và của tỉnh nói riêng”, nhà báo Đỗ Nguyên Hùng nhấn mạnh.
Trách nhiệm xã hội của nhà báo
Theo nhà báo Đỗ Nguyên Hùng, điều sâu sắc nhất, thiêng liêng nhất là làm báo là làm cách mạng, làm báo là để phục vụ đất nước và nhân dân, đúng như lời Bác Hồ căn dặn: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ”. Làm báo là thực hiện trách nhiệm xã hội, sứ mệnh cao cả. Muốn hoàn thành sứ mệnh đó, người làm báo phải vững vàng về bản lĩnh chính trị, không ngừng học tập để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ và đặc biệt là nêu cao đạo đức nghề nghiệp.
Bên cạnh những đóng góp to lớn của báo chí cách mạng Việt Nam, có thể nói, chưa bao giờ vấn đề đạo đức người làm báo được đặt ra cấp thiết như hiện nay. Đạo đức nghề nghiệp là sự sống còn đối với báo chí.
Đa số nhà báo, hội viên trong sáng về đạo đức, tinh thông về nghiệp vụ, lao động cần cù, sẵn sàng hy sinh, cống hiến vì lợi ích của nhân dân, đất nước. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn không ít cơ quan báo chí không thực hiện đúng tôn chỉ mục đích, thông tin sai sự thật, thổi phồng, bóp méo sự thật. Không ít sản phẩm báo chí sa vào nội dung giật gân, câu khách, kích thích những thị hiếu tầm thường, nhằm mục đích câu view, câu like…
Nhà báo Phạm Tiến Sỹ (Báo Bình Định) tác nghiệp ở Trường Sa vào cuối tháng 5.2024. Ảnh: M.H
Bàn về tính trung thực của báo chí, nhà báo Huỳnh Thúc Giáp, Trưởng đại diện Báo Thanh Niên tại khu vực Trung Trung bộ - Bắc Tây Nguyên (Văn phòng đặt tại Bình Định) cho rằng, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, báo chí cũng phải thể hiện tính trung thực, chính xác về mặt thông tin. Để bảo đảm thông tin báo chí luôn trung thực, chính xác trong sự “nhiễu loạn” của mạng xã hội hiện nay, người làm báo cần phải không ngừng nâng cao ý thức trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp, luôn đặt tính trung thực, chính xác lên hàng đầu, không vì lợi ích cá nhân mà bóp méo thông tin. Phải phân biệt rõ ràng giữa tin tức và ý kiến cá nhân; cẩn trọng với thông tin từ mạng xã hội, cần kiểm chứng kỹ lưỡng trước khi đăng tải.
Sự phát triển của mạng xã hội là xu thế tất yếu hiện nay. Đối với báo chí hiện đại, nhất là báo điện tử thì mạng xã hội trở thành “đối thủ” cạnh tranh trực tiếp về thông tin. Nhà báo sẽ lỗi thời nếu không biết sử dụng mạng xã hội. Thực tế cho thấy, đa số cơ quan báo chí có xu hướng tận dụng mạng xã hội để tiếp cận công chúng, bởi sự lan tỏa, tương tác là rất lớn. Nhà báo Lê Doãn Công, phóng viên thường trú Báo Dân trí tại Bình Định chia sẻ, bên cạnh mặt tích cực, mạng xã hội cũng có những yếu tố tiêu cực, ảnh hưởng trực tiếp đến cá nhân, tổ chức. Thông tin trên mạng xã hội chưa được kiểm chứng, không chính thống nên các thế lực thù địch, phản động dễ lợi dụng để xuyên tạc, chống phá Đảng, Nhà nước ta. Báo chí được xem như “vũ khí” sắc bén trên mặt trận tư tưởng, vì vậy mỗi nhà báo cần phải tỉnh táo, chọn lọc, kiểm chứng khi khai thác nguồn tin từ mạng xã hội.
Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nguyễn Thị Bích Ly cho rằng: Mục tiêu tối thượng của báo chí cách mạng là phục vụ Tổ quốc, phụng sự nhân dân và hướng con người tới những giá trị nhân văn trong cuộc sống. Bên cạnh việc tuân thủ pháp luật trong tác nghiệp, người làm báo và cơ quan báo chí phải luôn xuất phát từ góc nhìn nhân văn để tiếp cận và phản ánh các vấn đề, sự việc, tạo ra những tác phẩm báo chí có giá trị, hướng tới xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn.
“Đội ngũ những người làm báo cần không ngừng rèn luyện đạo đức, lối sống, nâng cao trách nhiệm xã hội, trách nhiệm nghề nghiệp. Mỗi cơ quan báo chí phải là một cơ quan văn hóa, mỗi người làm báo phải luôn đề cao các giá trị đạo đức, văn hóa, tinh thần nhân văn trong từng tác phẩm báo chí, trong cuộc sống cũng như hoạt động tác nghiệp của bản thân”, đồng chí Nguyễn Thị Bích Ly nhấn mạnh.
NGUYỄN HÂN