Cần tuân thủ chặt chẽ các quy định về quy hoạch
Trong khuôn khổ kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, chiều 20.6, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định tham gia thảo luận ở tổ về dự án Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn, dự án Luật Địa chất và khoáng sản.
Quy hoạch nông thôn phải mang đậm bản sắc dân tộc
Tham gia góp ý về dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn, đại biểu (ĐB) Lê Kim Toàn, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định, đề nghị cần xác định rõ từ tên gọi, phạm vi điều chỉnh tới giải thích từ ngữ.
“Cần làm rõ quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn; hay là quy hoạch đô thị và nông thôn, tức là trong quy hoạch đô thị có nông thôn và ngược lại? Do vậy, tôi đề nghị ban soạn thảo xác định thật rõ nội hàm thuật ngữ, tạo thuận lợi khi thực hiện”, ĐB Toàn nêu vấn đề.
ĐB Lê Kim Toàn đặt ra vấn đề cần xác định các nguyên tắc cơ bản trong thực hiện quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn. Ảnh: Đoàn ĐBQH tỉnh
Bên cạnh đó, ĐB Toàn đặt vấn đề cần xác định các nguyên tắc cơ bản trong thực hiện quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn. Quy hoạch đô thị phải hướng tới văn minh, hiện đại và phù hợp với điều kiện của Việt Nam. Còn quy hoạch nông thôn phải giữ được bản sắc, hồn cốt của làng quê Việt Nam.
ĐB Toàn nêu thực tế khi đến một số quốc gia phát triển, khi về vùng nông thôn, nhìn không gian, cảnh quan, kiến trúc đều toát lên đặc sắc văn hóa của quốc gia, dân tộc đó.
“Bây giờ về vùng nông thôn nước ta, hình ảnh cây đa cũ, bến đò xưa rất hiếm. Hình ảnh “cây đa, bến nước, sân đình” chính là hồn cốt của làng quê Việt Nam mà trong quy hoạch nông thôn nên hướng đến!”, ĐB Toàn nêu vấn đề.
Mặt khác, theo ĐB Toàn, cần tuân thủ chặt chẽ các quy định về quy hoạch, đặc biệt là việc quản lý và thực hiện quy hoạch. “Chúng ta thường rơi vào tình trạng quy hoạch thì kỳ vọng, đặt ra mục tiêu rất cao, vẽ ra một bức tranh rất đẹp. Thế nhưng, khi tổ chức thực hiện, so với kỳ vọng thì khoảng cách rất xa, đặc biệt khi điều chỉnh quy hoạch lại khác hoàn toàn so với kỳ vọng ban đầu”, ĐB Toàn phân tích.
Chống độc quyền trong khai thác khoáng sản
Tham gia góp ý với Dự thảo Luật Địa chất và khoáng sản, ĐB Toàn cho rằng dự thảo luật đã được ban soạn thảo chuẩn bị chặt chẽ, đảm bảo yêu cầu. Tuy nhiên, vấn đề cần đặt ra là xác định khoáng sản là tài nguyên của quốc gia, đây không phải tài nguyên vô hạn.
“Khi thảo luận về KT-XH, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT đưa ra khuyến cáo nước ta không phải giàu về tài nguyên nước. Thực tế là trong nhiều thời điểm nhất định, tình trạng khô hạn và thiếu nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt xảy ra khốc liệt”, ĐB Toàn nói.
Từ thực tế nêu trên, ĐB Toàn đề nghị cần quản lý và sử dụng tài nguyên quốc gia hiệu quả, chắt chiu, tránh lãng phí.
Một vấn đề khác ĐB Toàn quan tâm nhưng trong dự thảo luật chưa đề cập là phải có các biện pháp chống độc quyền về khai thác khoáng sản.
“Ở các địa phương có mỏ cát, mỏ đất phục vụ xây dựng thông thường, một số tổ chức, cá nhân sẵn sàng tham gia đấu giá với giá rất cao để độc quyền khai thác; đưa ra giá bán vật liệu cao, hình thành một mặt bằng giá vật liệu xây dựng cao. Dự thảo luật cần có những quy định, biện pháp chặt chẽ để chống độc quyền về khai thác khoáng sản, nhất là các vật liệu phổ biến để phục vụ sản xuất và đời sống. Từ đó, chống được tình trạng độc quyền, nâng cao giá vật liệu xây dựng và đẩy khó khăn cho người dân có nhu cầu”, ĐB Toàn nêu vấn đề.
M.LÂM - N.HÂN