Cần áp dụng các biện pháp xử lý chuyển hướng phù hợp
Đó là một trong những ý kiến góp ý về dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên của đại biểu Nguyễn Thị Thu Thủy (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định) tại phiên thảo luận tại hội trường kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV vào sáng 21.6.
Qua nghiên cứu tờ trình của cơ quan chủ trì, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp (Quốc hội), đại biểu (ĐB) Nguyễn Thị Thu Thủy bày tỏ sự tâm đắc đối với dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên và cho rằng đây là một luật hết sức nhân văn, mang tính giáo dục, phù hợp đặc điểm tâm lý, lứa tuổi, hoàn cảnh, phân tích các nguyên nhân phạm tội, áp dụng các biện pháp chuyển hướng phù hợp mà vẫn đảm bảo các nguyên tắc công bằng và tính nghiêm minh của pháp luật.
ĐB Nguyễn Thị Thu Thủy tham gia thảo luận về dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên. Ảnh: Đoàn ĐBQH tỉnh
“Dự án Luật đã thể chế hóa việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, mang tính chất nhân văn đối với người chưa thành niên bởi nếu không, chúng ta lại phải viện dẫn các khoản, điều luật khác mà vẫn không đảm bảo đầy đủ cơ chế thực hiện. Đồng thời, dự thảo Luật còn đảm bảo cam kết trong các công ước, điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên mà chưa được nội luật hóa đầy đủ”, ĐB Thủy nói.
Để góp phần hoàn thiện dự án Luật, ĐB Thủy đề nghị bổ sung, hoàn thiện các thuật ngữ theo hướng cụ thể, rõ ràng hơn. Trong đó, tại khoản 11 điều 4 về giải thích từ ngữ ("người làm công tác xã hội trong hoạt động tư pháp người chưa thành niên bao gồm nhân viên công tác xã hội, người làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã, công chức văn hóa - xã hội cấp xã được cơ quan có thẩm quyền đề nghị tham gia hoạt động tư pháp người chưa thành niên”), ĐB Thủy đề nghị ban soạn thảo bổ sung các tổ chức chính trị - xã hội như Hội LHPN, Đoàn Thanh niên vào khoản 11 Điều 4, Điều 31 (Người làm công tác xã hội) và Điều 54 (Đề nghị người làm công tác xã hội tham gia tố tụng) để thống nhất với Điều 171 dự thảo Luật về Trách nhiệm của MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên; phù hợp với vai trò trách nhiệm của Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội được quy định tại khoản 2 Điều 33 Bộ Luật Tố tụng hình sự; khoản 5, Điều 91 Luật Trẻ em năm 2015.
“Việc này xuất phát từ thực tiễn cũng như các cơ sở pháp lý khi các tổ chức chính trị - xã hội đã ký kết thực hiện các chương trình phối hợp có hiệu quả với Bộ CA như Nghị quyết liên tịch 01 giữa Bộ CA và Hội LHPN Việt Nam “Quản lý giáo dục con em trong gia đình không phạm tội và tệ nạn xã hội”; chương trình phối hợp giữa Hội LHPN với Bộ Tư pháp về công tác phổ biến giáo dục, trợ giúp pháp lý, tư vấn pháp luật, hòa giải ở cơ sở; xây dựng ngôi nhà bình yên, địa chỉ tin cậy tại cộng đồng...”, ĐB Thủy phân tích.
Bên cạnh đó, tại khoản 2 Điều 7 (Đối xử bình đẳng), ĐB Thủy đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung đối tượng “trẻ em mồ côi, trẻ bị hại trong các vụ xâm hại, trẻ có hoàn cảnh gia đình đặc biệt như bố mẹ ly hôn, trẻ sống cùng ông bà, bố mẹ đi làm ăn xa” vào nhóm đối tượng dễ bị tổn thương.
Đáng chú ý, đối với 12 biện pháp xử lý chuyển hướng được quy định tại Điều 36, ĐB Thủy cho rằng với mục đích giáo dục là chính, các biện pháp nên cân nhắc áp dụng trước khi xét xử sơ thẩm. Trong đó, tại thời điểm này do chưa có bản án kết tội của Tòa án có hiệu lực pháp luật nên đề nghị không dùng thuật ngữ “người chưa thành niên phạm tội”.
Đồng thời, việc sử dụng thuật ngữ này cũng cần nhất quán, trong khi khái niệm xử lý chuyển hướng trước đó lại là “người chưa thành niên bị buộc tội”. Việc điều chỉnh sẽ phù hợp với Điều 11 “Ưu tiên áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng” đối với người chưa thành niên trong tất cả các giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử và cũng phù hợp điểm i, khoản 2 Điều 40 Công ước về Quyền trẻ em năm 1989 trong xử lý vi phạm “được coi là vô tội cho tới khi chứng minh rằng đã phạm tội theo pháp luật”.
Ngoài ra, ĐB Thủy cũng cho rằng khái niệm “biện pháp xử lý chuyển hướng” còn liệt kê tên gọi của từng biện pháp là không cần thiết, vì đã cụ thể hóa 12 biện pháp tại Điều 36 của dự thảo Luật.
Bên cạnh đó, ĐB Thủy cũng cho rằng trong 12 biện pháp xử lý chuyển hướng, các biện pháp đa phần là sự quyết định của cơ quan có thẩm quyền trên cơ sở sự đồng ý của người chưa thành niên, chỉ có 2 biện pháp là có ý kiến người bị hại.
Từ đó, ĐB Thủy đề nghị cân đối các đối tượng liên quan khác và quyết định có sự đồng ý của “người giám hộ hợp pháp” thay cho sự “đồng ý của người chưa thành niên” như dự thảo.
Đặc biệt, đối với biện pháp chuyển hướng thứ 12 (giáo dục tại trường giáo dưỡng), ĐB Thủy đề nghị ban soạn thảo cân nhắc hình thức giáo dưỡng, vì đây cũng là một phần tước đi quyền tự do. Trên cơ sở đó, cần rà soát, có sự thống nhất các điều khoản áp dụng đã được quy định tại Điều 38 (Trường hợp không được áp dụng biện pháp chuyển hướng) và khoản 3, 5 Điều 12 (Xử lý chuyên biệt).
Bởi theo ĐB Thủy, người chưa thành niên là người chưa phát triển đầy đủ về thể chất, tình cảm, nhận thức; thiếu kiến thức xã hội, pháp luật; hoàn cảnh gia đình có khiếm khuyết, hành động cảm tính, bốc đồng; khó kiểm soát cảm xúc; hạn chế trong việc phòng, tránh rủi ro và các hành vi nguy hiểm.
Đây là nhóm dễ bị tổn thương trong xã hội nên cần được bảo vệ và chăm sóc đặc biệt, nhất là trong hoạt động tư pháp hình sự. Sau khi bị đưa vào các trung tâm giáo dưỡng, người vi phạm dễ tái phạm lúc trở về.
Từ việc các mô hình hỗ trợ người chưa thành niên do các tổ chức chính trị - xã hội đang hoạt động hiệu quả hiện nay, ĐB Thủy đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu quy định bổ sung nhiệm vụ cho Quỹ Bảo trợ trẻ em theo quy định của Luật Trẻ em.
“Các tổ chức chính trị - xã hội đang thực hiện tốt nội dung này, đơn cử là chương trình xây dựng “Nhà tạm lánh”, “Ngôi nhà bình yên” của Hội LHPN Việt Nam. Đặc biệt, để hỗ trợ kịp thời hoạt động tư pháp người chưa thành niên, từ năm 2007 đến nay, Hội LHPN các cấp đã tiếp nhận và hỗ trợ tham vấn tâm lý xã hội, hỗ trợ pháp lý, kỹ năng sống, hỗ trợ học văn hóa, học nghề và có việc làm phù hợp với năng lực và hoàn cảnh của bản thân cho 1.704 phụ nữ và trẻ em đến từ 56 tỉnh/thành phố và 17 vùng dân tộc thiểu số...”, ĐB Thủy dẫn chứng.
M.LÂM - H.PHÚC