CHÀO MỪNG ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU CÁC DÂN TỘC THIỂU SỐ HUYỆN VÂN CANH LẦN THỨ IV, NHIỆM KỲ 2024 - 2029
Ưu tiên xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu cho vùng khó
Những năm qua, nhờ thực hiệu quả nguồn vốn từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025, UBND huyện Vân Canh đã tập trung đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng thiết yếu, từng bước làm thay đổi diện mạo vùng nông thôn, miền núi, tạo “đòn bẩy” giảm nghèo nhanh, bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số.
Xây dựng hạ tầng đồng bộ
Canh Giao là một trong những làng đặc biệt khó khăn của xã Canh Hiệp, nơi sinh sống của 72 hộ/207 nhân khẩu, hầu hết là người dân tộc Chăm. Thời gian qua, phần lớn cơ sở hạ tầng ở xã đã xuống cấp hoặc không đáp ứng được nhu cầu. Bên cạnh đó, một số tuyến đường dẫn vào khu sản xuất, đường liên làng Canh Giao - thôn 4, xã Đa Lộc (huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên) vẫn chưa được xây dựng đồng bộ, gây bất lợi cho sự phát triển sản xuất, đi lại của người dân.
Thấu hiểu những khó khăn của bà con, năm 2023, từ nguồn vốn của Dự án 4 về Đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi (Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025), làng Canh Giao được UBND huyện Vân Canh hỗ trợ gần 3,9 tỷ đồng xây dựng tuyến đường bê tông đoạn từ Canh Giao - thôn 4 (xã Đa Lộc), với chiều dài 636 m, bề rộng mặt đường 5 m. Riêng tuyến đường vào khu sản xuất của làng, huyện hỗ trợ hơn 1,5 tỷ đồng để xây dựng cầu tràn, làm đường mới. Các tuyến đường đã hoàn thành và đưa vào sử dụng từ đầu tháng 4.2024.
Theo Trưởng Ban Quản lý làng Canh Giao Đoàn Văn Thanh, trước đây, đoạn đường từ làng đến trung tâm huyện Vân Canh (dài gần 34 km) có những đoạn đường đất mà trời nắng còn đi được xe máy, những ngày mưa chỉ có cách đi bộ. Các mặt hàng nông sản của bà con đưa đi tiêu thụ gặp nhiều khó khăn. “Nay được huyện quan tâm đầu tư xây dựng đồng bộ tuyến đường, giúp việc đi lại của người dân dễ dàng, con em thuận lợi hơn khi về trung tâm huyện học tập. Có đường rộng, người dân tích cực phát triển sản xuất, hàng hóa nông sản bán sẽ được giá hơn”, ông Thanh nói.
Ông Đoàn Văn Pin (ở làng Canh Giao) vui mừng chia sẻ: “Gia đình tôi trồng gần 10 sào củ mì, 3 ha keo. Trước đây đường đi chưa thuận lợi, gia đình phải thuê xe từ xã Đa Lộc để chở nông sản từ làng ra trung tâm xã bán, chi phí cao. Bây giờ có đường bê tông mới rồi, chúng tôi có thêm động lực để mở rộng diện tích cây trồng, vay vốn mua thêm máy móc để phục vụ sản xuất, phát triển kinh tế”.
Còn tại làng Hà Lũy (xã Canh Thuận), thời gian qua, nhiều hộ dân sinh sống bên suối Canh Sơn luôn trong cảnh lo âu, thấp thỏm mỗi khi lũ tràn về gây xói lở, thu hẹp dần đất sản xuất, đất ở. Cuối tháng 5.2024, UBND huyện đã hỗ trợ địa phương hơn 4 tỷ đồng để xây dựng kè chống lũ, với chiều dài 483 m, mang lại niềm vui không nhỏ cho người dân nơi đây. Dự kiến, công trình sẽ hoàn thành vào cuối tháng 11.2024.
Bà Đoàn Thị Hường (ở làng Hà Lũy) cho hay: “Ước mơ có được bờ kè kiên cố của bà con nơi đây sắp thành hiện thực. Nếu không có bờ kè, chắc chắn người dân phải dời đi nơi khác, vì mỗi mùa mưa lũ, nước cuốn trôi, gây sạt lở đất nhiều lắm. Giờ được huyện xây dựng kè, dân chúng tôi yên tâm sinh sống, làm ăn ổn định rồi”.
Nhờ nguồn lực từ Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025, UBND huyện Vân Canh đã đầu tư xây dựng đồng bộ cơ sở hạ tầng trên địa bàn. Ảnh: DŨNG NHÂN
Nỗ lực khắc phục khó khăn
Theo UBND huyện Vân Canh, thực hiện Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025, tổng nguồn vốn huyện được Trung ương, tỉnh phân bổ gần 104 tỷ đồng. Từ đó, huyện đã tập trung đầu tư nâng cấp, xây dựng 65 công trình, gồm 57 công trình giao thông, 6 công trình thủy lợi, nhà văn hóa, 2 công trình Trường PTDT bán trú xã Canh Liên và Trường THCS bán trú xã Canh Thuận.
Nhờ vậy, 7/7 xã, thị trấn có đường nhựa, đường bê tông đến trung tâm xã; đường giao thông từ trung tâm xã đến các thôn, làng được liên thông và bê tông hóa; 100% xã, thị trấn có trường học, trạm y tế, nhà văn hóa được xây dựng khang trang, có đầy đủ các thiết chế; hệ thống thủy lợi xây dựng đồng bộ... góp phần phát triển KT-XH, nâng cao đời sống cho người dân.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Vân Canh Nguyễn Xuân Việt khẳng định, được sự quan tâm, chỉ đạo của tỉnh, cùng sự nỗ lực của các cấp, ngành chức năng từ huyện đến xã, đến nay, cơ sở hạ tầng thiết yếu ở địa bàn vùng đồng bào DTTS và miền núi của huyện đã có sự đổi thay tích cực. Các công trình hoàn thành và đưa vào sử dụng đều phát huy hiệu quả. Hiện nay, huyện, các xã, thị trấn còn đang tiếp tục đầu tư hàng chục công trình, dự án mới, góp phần làm thay đổi diện mạo, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần người dân vùng khó.
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi trong triển khai đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, huyện vẫn còn gặp khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng. Các xã có địa hình đồi núi hiểm trở, khi triển khai xây dựng hạ tầng đòi hỏi phải có nguồn kinh phí lớn, dẫn đến việc các công trình thường bị đội giá cao. Công tác quản lý hệ thống cơ sở hạ tầng ở khu vực miền núi cũng gặp nhiều khó khăn do địa hình rộng, việc kiểm tra, phát hiện các điểm hư hỏng chưa kịp thời.
Ông Việt nhấn mạnh: Với mục tiêu thay đổi diện mạo nông thôn, cải thiện cuộc sống cho đồng bào DTTS, thời gian tới, UBND huyện tiếp tục tăng cường đầu tư nguồn lực để xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng KT-XH đồng bộ. Chỉ đạo cho chính quyền các địa phương phát huy vai trò của người có uy tín, già làng tăng cường tuyên truyền, vận động để bà con hiểu các chính sách, đồng thuận tự nguyện hiến đất, cây trồng để các công trình được thi công đảm bảo tiến độ đề ra.
Đồng thời, huyện còn đề nghị Ủy ban MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp trong huyện và người dân tập trung giám sát tiến độ, chất lượng các công trình. Khi các công trình này hoàn thành sẽ là “đòn bẩy” giúp người dân phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, từng bước thu hẹp khoảng cách giàu nghèo giữa các địa phương.
DUY ĐĂNG