Triển khai nhiều giải pháp chăm sóc, bảo vệ thủy sản mùa nắng nóng
Kết thúc vụ thả nuôi thủy sản thứ nhất vào cuối tháng 5, các hộ nuôi đang tích cực xử lý ao hồ để tiếp tục vụ thứ hai vào đầu tháng 7 tới. Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, từ nay đến cuối năm, thời tiết thay đổi theo hướng cực đoan, không theo quy luật, dẫn đến khả năng xảy ra dịch bệnh trên thủy sản rất cao; vì vậy các cơ quan chức năng đang đưa ra nhiều giải pháp hỗ trợ, giúp hộ nuôi chủ động ứng phó.
Phải tuân thủ nghiêm mọi quy định
Theo số liệu Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở NN&PTNT) tổng hợp, từ đầu năm đến nay, bệnh hoại tử gan tụy cấp tính (AHPND) đã xuất hiện trên tôm thẻ chân trắng và cá lăng nha nuôi thương phẩm. Bên cạnh đó còn xuất hiện bệnh nhiễm khuẩn thuộc nhóm Vibrio ssp và hiện tượng tôm bị sốc, suy giảm sức đề kháng do thời tiết thất thường làm thay đổi đột ngột nhiệt độ nước môi trường ao nuôi.
Dù vậy, dịch bệnh đã được phát hiện và khống chế kịp thời, hiệu quả. Sản lượng nuôi trồng thủy sản toàn tỉnh 6 tháng đầu năm ước đạt 6.900 tấn, tăng 8% so với cùng kỳ, đạt 96% kế hoạch 6 tháng đầu năm 2024; trong đó, sản lượng tôm ước đạt 4.700 tấn, tăng 6% so với cùng kỳ.
Chỉ tiêu kế hoạch trong 6 tháng cuối năm, sản lượng nuôi trồng thủy sản toàn tỉnh phấn đấu đạt 7.780 tấn, trong đó sản lượng tôm nuôi khoảng 6.100 tấn. Để chủ động ứng phó và giảm thiểu thiệt hại cho thủy sản nuôi do biến động thời tiết và ổn định, duy trì sản xuất, Sở NN&PTNT đã đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố có hoạt động nuôi thủy sản thực hiện những giải pháp kỹ thuật ứng phó tình hình thời tiết nắng nóng kéo dài, kể cả mưa giông bất thường và áp thấp nhiệt đới, bão, lũ có thể xảy ra trong thời gian tới.
Qua khảo sát, toàn bộ 5 huyện, thị xã, thành phố liên quan đều đã có văn bản chỉ đạo phòng, ban, đơn vị liên quan tích cực hướng dẫn, hỗ trợ hộ nuôi làm tốt công tác chăm sóc, bảo vệ thủy sản trong vụ tới. Huyện Tuy Phước có kế hoạch bắt đầu vụ thả nuôi thứ hai từ ngày 1.7 với cả ba phương thức: Thâm canh, bán thâm canh và quảng canh cải tiến. Đối với phương thức nuôi bán thâm canh và thâm canh, huyện yêu cầu hộ cải tạo ao đúng quy trình như vụ 1 thì mới được thả giống lại.
Riêng hộ nuôi quảng canh cải tiến phải thực hiện thu tỉa và thả bù với lượng giống ít hơn lượng giống thả lần đầu vì chất lượng môi trường ao nuôi, vùng nuôi bị suy giảm bởi hoạt động sản xuất và sinh hoạt đời sống.
Ở huyện Phù Mỹ, cuối tháng 5, UBND huyện đã ban hành văn bản gửi UBND các xã ven biển và hai xã Mỹ Chánh, Mỹ Cát thông báo kết quả quan trắc vùng nuôi tiềm ẩn mầm bệnh và cảnh báo các yếu tố bất lợi của môi trường do thời tiết nắng nóng trong vụ hai làm khả năng bùng phát dịch bệnh là rất cao; yêu cầu chủ tịch UBND các xã chỉ đạo hộ nuôi thủy sản trong ao và nuôi cá lồng bè thực hiện nghiêm túc những giải pháp kỹ thuật.
Trước khi thả giống vụ hai, các hộ nuôi phải xử lý thật tốt ao nuôi. Ảnh: N.T
Cần tiếp tục nâng cao ý thức cộng đồng
Theo ông Huỳnh Ngọc Diệp, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở NN&PTNT), đặc biệt đối với nuôi tôm vụ 2, các hộ nuôi cần lưu ý nhiều vấn đề. Trước hết, phải xử lý ao nuôi ban đầu, tiêu diệt các vật chủ trung gian mang mầm bệnh lây truyền như cua, còng, tôm, tép, cá tạp… bằng các loại hóa chất đã được phép lưu hành. Nước trước khi thả nuôi phải qua hệ thống ao chứa (lắng, lọc); sau đó tiến hành diệt vi rút, vi khuẩn, vi bào tử, diệt nguyên sinh động vật bằng các loại hóa chất như: Formaline, vôi CaO hoặc Chlorine …, rồi lấy nước vào ao nuôi.
Ông Diệp lưu ý, trước khi thả nuôi, người nuôi cần đưa tôm giống xét nghiệm các bệnh: Hoại tử gan, vi rút đốm trắng, vi bào tử trùng và kiểm dịch loại bỏ bệnh do ký sinh trùng, bệnh nấm, bệnh phát sáng, bệnh đỏ thân… Duy trì mực nước trong ao trên 1,5 m, tích cực tạo oxy cho ao nuôi bằng máy quạt nước, máy sục khí vào thời điểm 10 - 18 giờ và ban đêm. Những nơi có điều kiện thay nước có thể thay từ 15 - 20% lượng nước cũ và cấp thêm nước mới vào ao dưới dạng phun mưa (tốt nhất vào sáng sớm).
Hãy dùng lưới lan che phủ 2/3 diện tích mặt ao và cao hơn mặt nước trên 2 m để hạn chế bức xạ của ánh sáng mặt trời, giảm tăng nhiệt độ nước trong ao, tránh gây sốc cho thủy sản nuôi. Cần giảm 50% lượng thức ăn khi trời nắng nóng gay gắt. Bổ sung vitamin C, khoáng chất, chế phẩm sinh học vào thức ăn nhằm tăng cường sức đề kháng, duy trì đàn tôm nuôi. Hằng tuần, nên dùng vôi bột hòa tan tạt đều khắp ao vào buổi chiều mát để khử trùng nguồn nước và ổn định pH trong ao với hàm lượng 2 - 4 kg vôi bột/100 m3 nước. Chủ động thu hoạch thủy sản nuôi khi đạt kích cỡ thương phẩm hoặc san thưa mật độ ngay khi thiếu nước, hạn hán xảy ra.
“Người nuôi cần có ý thức cộng đồng, không nên xả nước ao tôm bị bệnh ra môi trường chung khi chưa qua xử lý triệt để mầm bệnh. Khi có dịch bệnh xảy ra, hộ nuôi cần báo cáo ngay cán bộ theo dõi thủy sản xã; Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện phối hợp Chi cục Chăn nuôi và Thú y kiểm tra, chẩn đoán bệnh và có giải pháp phòng trị, xử lý bệnh kịp thời”, ông Diệp khuyến cáo.
NGỌC TÚ