Hỏi đáp pháp luật
Hỏi: Đầu tháng 6.2024, có 2 thanh niên ghé nhà tôi để mua hàng. Khi cầm tiền khách đưa, tôi phát hiện số tiền khách đưa có 2 tờ tiền giả, nhưng họ khăng khăng số tiền trên là tiền thật. Khi tôi yêu cầu đến CA để phân xử, hai thanh niên vội lao lên xe phóng đi mất. Xin cho tôi biết, tôi phải xử lý 2 tờ tiền giả như thế nào cho đúng quy định? Việc sử dụng tiền giả bị xử phạt như thế nào?
(Chị Nguyễn Thị Phương Linh, phường Nguyễn Văn Cừ, TP Quy Nhơn)
Đáp: Theo luật gia Huỳnh Văn Chưa, Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp lý (Hội Luật gia tỉnh), trước tiên, chị Linh cần đem 2 tờ tiền giả nói trên giao nộp cho Kho bạc Nhà nước, Ngân hàng Nhà nước, cơ quan CA, cơ quan có thẩm quyền của Quân đội hoặc hải quan để chuyển về Ngân hàng Nhà nước. Việc giao nộp tiền giả được lập thành văn bản, trong đó ghi rõ loại tiền, số lượng, mệnh giá, số series tiền giả giao nộp theo đúng quy định tại Nghị định 87/2023/NĐ-CP quy định về phòng, chống tiền giả và bảo vệ tiền Việt Nam.
Theo Điều 207 Bộ luật Hình sự 2017 (sửa đổi, bổ sung), hành vi sử dụng tiền giả mua hàng hóa được coi là hành vi lưu hành tiền giả, có thể bị truy tố trách nhiệm hình sự. Cụ thể:
- Người nào làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả thì bị phạt tù từ 3 - 7 năm.
- Phạm tội trong trường hợp tiền giả có giá trị tương ứng từ 5 đến dưới 50 triệu đồng thì bị phạt tù từ 5 - 12 năm.
- Phạm tội trong trường hợp tiền giả có giá trị tương ứng từ 50 triệu đồng trở lên thì bị phạt tù từ 10 - 20 năm hoặc tù chung thân.
- Người chuẩn bị phạm tội này thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 - 3 năm.
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền từ 10 - 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 - 5 năm, hoặc bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
XUÂN QUỲNH (Thực hiện)