Trước thềm COP 29: Vẫn bế tắc trong vấn đề tài chính
Chỉ còn 5 tháng nữa là diễn ra Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 29 về biến đổi khí hậu của LHQ (COP 29), các nước vẫn chưa thể tìm được tiếng nói chung về vấn đề tài trợ cho các quốc gia đang phát triển trong ứng phó với biến đổi khí hậu.
Vấn đề tài chính được dự báo là chủ đề chính tại COP 29, diễn ra tại Azerbaijan vào tháng 11.2024. Tại đây, gần 200 quốc gia cần nhất trí mục tiêu mới về tài trợ hằng năm cho các nước nghèo để cắt giảm khí thải và bảo vệ xã hội trước nguy cơ thời tiết ngày càng cực đoan. Mục tiêu mới này sẽ thay thế cho con số 100 tỷ USD mà các nước giàu đã nhất trí vào năm 2022, chậm hơn 2 năm so với cam kết.
Tuy nhiên, trong các cuộc đàm phán sơ bộ tại TP Bonn (Đức) mới đây, các bên đã không đạt được bước đột phá lớn nào. Thay vào đó, giữa các nước lại xuất hiện sự rạn nứt liên quan đến vấn đề nước nào nên chi trả nhiều nhất và phải chi ra bao nhiêu?
Các tấm pin mặt trời tại Công viên năng lượng tái tạo Khavda (Ấn Độ). Ảnh: Reuters
Bao nhiêu tiền là đủ?
Mục tiêu tài chính mới được xem là vấn đề cốt lõi trong các cuộc đàm phán khí hậu toàn cầu, nhằm hỗ trợ cho các dự án giúp giảm phát thải khí nhà kính như năng lượng tái tạo hay vận chuyển carbon thấp. Trong bối cảnh các nước sắp đến hạn công bố mục tiêu quốc gia về khí hậu vào năm tới, các nhà thương thuyết lo ngại rằng sự bế tắc này có thể làm “giảm nỗ lực” của các bên. Nhiều quốc gia đang phát triển từng cảnh báo sẽ không thể cắt giảm khí thải một cách nhanh chóng nếu không có thêm sự hỗ trợ tài chính. Trong khi đó, các nước giàu lại lo ngại việc đặt mục tiêu quá cao có thể đối mặt với nguy cơ không hoàn thành.
Tại hội nghị mới đây ở Bonn, các nhà ngoại giao đã thảo luận về việc bao nhiêu tiền là đủ. Mặc dù các nước nhất trí rằng 100 tỷ USD là quá thấp, nhưng cũng ít có khả năng các bên đồng ý với con số 2.400 tỷ USD/năm mà Thư ký điều hành Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu Simon Stiell ước tính cần để thế giới đạt được các mục tiêu về khí hậu.
Cả Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ đều không nêu số tiền cụ thể, mặc dù cả hai đều thừa nhận rằng phải cần hơn 100 tỷ USD/năm. Ngoài ra, theo các nhà thương thuyết, một trở ngại khác là cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sắp tới với việc ông Donald Trump tái tranh cử. Trước đó, dưới thời Tổng thống Donald Trump, Mỹ đã rút khỏi thỏa thuận khí hậu Paris. Vì vậy, nếu tái đắc cử, ông Donald Trump có thể không duyệt chi khoản tiền này.
Một số quốc gia cũng đưa ra vài đề xuất về vấn đề này. Ấn Độ và nhóm quốc gia Arab, gồm Arab Saudi, UAE và Ai Cập, cho rằng tài chính nên hơn 1.000 tỷ USD/năm mới có thể đáp ứng nhu cầu của các nước nghèo, do biến đổi khí hậu ngày càng tồi tệ hơn.
Những quốc gia nào sẽ chi trả?
Các nước tham gia cũng đang có những ý kiến trái ngược nhau về đóng góp tài chính. Khoảng hơn 20 nước có nền công nghiệp hóa lâu đời hiện có trách nhiệm đóng góp tài chính cho cơ quan phụ trách vấn đề khí hậu của LHQ. Danh sách này dựa trên các vòng đàm phán hồi năm 1992, khi nền kinh tế Trung Quốc vẫn nhỏ hơn Italy.
Hiện, EU muốn Trung Quốc, quốc gia xả thải CO2 nhiều nhất và là nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới cùng các quốc gia Trung Đông giàu có đóng góp cho mục tiêu mới này. Dĩ nhiên, Trung Quốc và các nước Arab kịch liệt phản đối ý kiến này, trong đó Bắc Kinh còn lập luận rằng nước này vẫn là “quốc gia đang phát triển” theo Công ước về khí hậu của Liên hợp quốc.
Một số nhà thương thuyết cho biết, Bộ trưởng các nước có thể đưa vấn đề này ra thảo luận tại các cuộc họp cấp cao hơn, như Hội nghị Bộ trưởng G20 diễn ra tại Brazil ngay trước thềm COP 29.
LÊ QUẢNG (Theo Japan Times)