Quảng bá kỹ thuật hóa trang, tạo tác mặt nạ hát bội Bình Định trong nhà trường: Một định hướng bảo tồn di sản
Trong những năm gần đây, nghệ thuật hát bội đã được đưa vào giới thiệu trong các chương trình sinh hoạt ngoại khóa chuyên đề cho học sinh, sinh viên trong tỉnh. Nếu tổ chức khoa học, bài bản hơn nữa, cách làm này sẽ tạo sự lan tỏa giá trị và hiệu quả, thu hút các bạn trẻ, phục vụ công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản.
Giới thiệu giá trị và nghệ thuật tạo tác mặt nạ hát bội Bình Định cần được quan tâm và đưa nó trở thành hoạt động giáo dục thực hành văn hóa trong nhà trường. Điều này sẽ giúp học sinh, sinh viên tiếp nhận những giá trị tinh thần được kết tinh trong từng mặt nạ của hát bội Bình Định. Từ đó, các bạn trẻ sẽ trân trọng và nâng cao ý thức, trách nhiệm giữ gìn, bảo tồn di sản quý báu này.
Biểu hiện sống động của hát bội Bình Định
Hóa trang là quá trình trao gửi thông điệp về cách điệu nghệ thuật, nó có tính đại diện. Nhờ những gương mặt được hóa trang, khán giả biết ngay tâm lý, tính cách, giai cấp xã hội của nhân vật, khi mới vừa thấy diễn viên bước ra sân khấu. Ví dụ như: Màu đỏ son hay đỏ ngân là tượng trưng cho khí phách của anh hùng, sự trung trinh tiết liệt, chẳng hạn như những nhân vật: Quan Vân Trường, Cao Hoài Đức, Địch Thanh… Nếu gương mặt được đánh nền là màu trắng mốc là kẻ gian thần, xu nịnh, chẳng hạn như: Bàng Hồng, Đổng Trác, Tào Tháo… Màu đen tượng trưng cho những người chất phác, bộc trực, nóng nảy, nhưng ngay thẳng như: Trương Phi, Trịnh Ân, Uất Trì Cung...
NSND Xuân Hợi giới thiệu về mặt nạ tuồng tại Trường ĐH Quy Nhơn. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Mỗi nghệ sĩ phải tự hóa trang cho mình bằng những cảm nhận về tính cách nhân vật, thân phận của nhân vật và tuân thủ quy định, chuẩn mực về mặt nạ cho mỗi loại nhân vật, cộng với sự hướng dẫn của tiền bối đi trước.
Chẳng hạn, kép văn thường có mặt màu hồng, thể hiện tính tình điềm đạm hiền hòa, đối lập với sự nóng nảy bộc trực của kép võ với khuôn mặt đỏ rực. Cũng có những kép văn như Đổng Kim Lân trong vở San hậu có khuôn mặt đỏ, vì nhân vật này là người rất trung thành mà màu đỏ chính là màu tượng trưng cho sự trung thành. Khác với kép võ có đôi mắt xếch ngược, vòm miệng cương nghị, khuôn mặt đỏ au, đường nét lông mày, mắt, khóe miệng của kép văn có chiều ngang hơn. Các đường nét trên mặt nạ kép văn thường mềm mại, uốn theo khuôn mặt của diễn viên chứ không quá cách điệu như mặt nạ của kép võ. Kép văn, đào văn có đặc điểm nhận dạng giống nhau về màu sắc và đường nét, chỉ khác nhau về giới.
Nghệ thuật hát bội Bình Định mang nhiều nét riêng so với các vùng khác. Ngoài những động tác dứt khoát, mạnh mẽ của các tư thế võ thuật trong biểu diễn, hát bội Bình Định còn thể hiện khí chất nhà võ trong làn hơi, điệu hát. Ngoài tiêu chí “nhất thanh” (hát hay) của một diễn viên thì hát bội Bình Định còn chú trọng đến kỹ thuật vẽ mặt nạ. Đó cũng là thế mạnh của hát bội vùng đất này.
Hầu hết các nghệ sĩ hát bội đều quan tâm đến tính công phu, đường nét sắc sảo và mang vẻ đẹp độc đáo. Tiêu biểu là nét vẽ chủ đạo trong hóa trang nhân vật hát bội Bình Định là kiểu mặt chim, bởi chỗ mũi của nhân vật giống như hai con chim đang châu đầu lại, thể hiện sự tinh tế của nghệ nhân bát bội Bình Định. Điểm này khác với hát bội Nam Bộ có cách hóa trang giống kiểu mặt thú do chịu ảnh hưởng của Kinh kịch Trung Quốc.
Bảo tồn di sản hát bội Bình Định
Để tổ chức bảo tồn di sản hát bội từ không gian trường học, nên gắn với sinh hoạt ngoại khóa trong nhà trường. Do vậy, cần ủng hộ những hoạt động biểu diễn của các đoàn hát bội tại địa phương, phối hợp đồng bộ khi giới thiệu nghệ thuật hóa trang mặt nạ với các hoạt động văn hóa khác. Tích cực truyền thông, giới thiệu các chương trình biểu diễn, giới thiệu về hát bội Bình Định qua các nền tảng truyền thông nhằm tạo sự thu hút của học sinh, sinh viên, nhất là giới thiệu những hình ảnh liên quan đến mặt nạ tuồng hát bội Bình Định trên các nền tảng truyền thông của nhà trường.
Chúng tôi cho rằng, trong chính sách hỗ trợ bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa hát bội nói chung và giá trị của mặt nạ hát bội Bình Định nói riêng, cần quan tâm đến đội ngũ cộng tác viên, các cá nhân, nhóm nghệ nhân có quan tâm, thực hành vẽ mặt nạ trên địa bàn tỉnh. Đây là một lực lượng tuy tự phát nhưng lại có khả năng lan tỏa lớn đến cộng đồng. Do vậy, các cơ quan chức năng cần có sự phối kết hợp, nhân rộng mô hình giới thiệu của các cá nhân, nhóm nghệ nhân, truyền thông hát bội đến với cộng đồng các bạn trẻ, nhất là trong các trường học.
Thứ đến là vấn đề biên soạn các tài liệu về hát bội, mặt nạ hát bội và thể chế hóa các hoạt động giới thiệu về di sản trong nhà trường. Sở GD&ĐT, Sở Du lịch, Sở VH&TT cần có cơ chế phối hợp để tạo điều kiện cho các đoàn hát bội chuyên nghiệp, nghiệp dư được phép trình diễn, giới thiệu và hướng dẫn thực hành về kỹ thuật vẽ mặt nạ trong các trường phổ thông, đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh.
Cuối cùng, cần có những cuộc thi sáng tạo, ứng dụng mặt nạ hát bội Bình Định trong đời sống, du lịch và quảng bá văn hóa. Việc đưa hình ảnh mặt nạ hát bội Bình Định vào các ấn phẩm du lịch, tặng phẩm cho học sinh giỏi, đồ lưu niệm, trang trí... cũng là phương cách làm cho mặt nạ tuồng được gắn kết với đời sống thường nhật và có khả năng lan tỏa nhanh trong cộng đồng.
VÕ MINH HẢI (Nhóm nghiên cứu Hát bội Bình Định, Trường ĐH Quy Nhơn)