Nhà sàn và lễ hội dân gian của các dân tộc thiểu số: Nét văn hóa đặc sắc, phong phú
Với ý nghĩa bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa đồng bào các dân tộc thiểu số tỉnh Bình Định, kiến trúc nhà sàn truyền thống và lễ hội dân gian của đồng bào Chăm H’roi, Bana, H’re ở Bình Định được bà con gìn giữ, tái hiện, trình diễn quảng bá tại các Ngày hội VH-TT các dân tộc thiểu số tỉnh Bình Định.
Đa dạng kiến trúc nhà sàn
Nhà sàn đồng bào H’re huyện An Lão được nâng đỡ bởi hai hàng cột song song; các bộ phận kiến trúc của ngôi nhà sàn được liên kết với nhau bằng cách thức buộc dây mây. Nhà chia làm sàn giữa và hai sàn đầu hồi. Hai đầu nóc nhà có sừng trâu làm bằng tranh- biểu tượng của thuyết “vạn vật hữu linh”. Toàn bộ nhà sàn được dựng bằng vật liệu tranh, tre, nứa, gỗ... Mặt sàn dùng những thân tre chẻ mỏng ghép liền nhau, liên kết ở lưng chừng các hàng cột. Tuy được dựng từ những vật liệu đơn sơ, nhưng nhà sàn rất vững chãi nhờ sự hợp lý ở việc tạo tỷ lệ trong kết cấu khung gỗ.
Đồng bào dân tộc Bana có kiến trúc nhà rông - một kiểu nhà sàn đặc trưng, đây là ngôi nhà cộng đồng, nơi tụ họp của dân làng. Kiến trúc này chỉ dùng các loại dây rừng, dây mây, tre cột kết nối khung nhà lại với nhau. Mái được đan chéo bằng rất nhiều cây gỗ tròn thẳng, giúp ngôi nhà kiên cố vững chãi. Nhà rông có 3 cửa (1 cửa chính, 2 cửa hông), cửa chính hướng về phía mặt trời mọc, hai cửa hông quay về hướng nước suối chảy xuống và hướng gió thổi lên. Theo quan niệm của người Bana, các cửa nhà rông tận dụng luồng không khí mát mẻ từ thiên nhiên để dân làng luôn khỏe mạnh, tươi vui. Bên trong nhà rông còn được trang trí bằng các loại nhạc cụ truyền thống, đồ đan lát, cung tên và giáo mác, sừng trâu… phản ánh phong tục, tập quán của người Bana.
Đồng bào Chăm H’roi huyện Vân Canh tổ chức lễ hội cúng thần làng bên các ngôi nhà sàn truyền thống. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Nhà sàn của người Chăm H’roi thường có kích thước nhỏ, hình dáng vuông, hai mái có độ dốc lớn. Nhà được trổ cửa sổ ở hai phía đầu hồi, bước lên cầu thang là một khoảng hiên hẹp lộ thiên trông như một cái hành lang, dùng để ngồi nghỉ mát và còn có tác dụng làm cho ngôi nhà thêm xinh xắn. Người Chăm H’roi quan niệm nóc nhà là biểu tượng của ngôi nhà, nên khi xây dựng, họ chú trọng đến bộ mái và nóc; hai mái được liên kết với nhau thông qua đòn nóc đẽo gọt công phu. Ngoài nhà sàn, một số làng người Chăm H’roi ở huyện Vân Canh cũng xây dựng nhà rông.
Nhà nghiên cứu, Nghệ nhân Ưu tú Yang Danh, cho biết: “Trong số 3 dân tộc anh em Bana, Chăm H’roi, H’re ở tỉnh Bình Định, chỉ có đồng bào Bana và Chăm H’roi có nhà rông. Trong đó, nhà rông của người Chăm H’roi là kết quả giao thoa văn hóa giữa văn hóa Bana và Chăm H’roi trong quá trình hai dân tộc cộng cư”.
Độc đáo lễ hội dân gian
Lễ trùng tên (lễ kết nghĩa) của đồng bào Bana K’riêm huyện Vĩnh Thạnh, thường diễn ra trong quy mô gia đình, dòng họ, tổ chức để kết nghĩa anh em giữa hai người không quen biết, không phân biệt tuổi tác nhưng cùng tên. Lễ vật chuẩn bị cho lễ kết nghĩa gồm có con gà, ghè rượu hay con heo (tùy theo kinh tế hai bên gia đình của người kết nghĩa).
Lễ cúng có sự tham dự của già làng, thầy cúng. Khi cúng sẽ có 3 bài cúng: Tổ tiên (ơ tâu); yang rong (người nuôi dưỡng, trông coi, sức khỏe và sinh tồn); các vị thần linh (thần sông, thần núi, thần thác…) để mời chứng kiến. Sau lễ cúng là nghi lễ trao vòng cườm giữa 2 người trùng tên kết nghĩa anh em, họ thề nguyện từ đây là anh em ruột thịt gắn bó, yêu thương nhau, mãi mãi là anh em trong một gia đình.
Già làng Đinh Diên, ở xã Vĩnh Kim (huyện Vĩnh Thạnh), cho biết: “Lễ kết nghĩa là nét đẹp nhân văn của đồng bào Bana K’riêm, góp phần gia tăng khối đoàn kết cộng đồng cùng yêu thương, gắn bó với nhau trong xây dựng cuộc sống”.
Lễ hội cúng thần làng (Quai yang chamq) của đồng bào Chăm H’roi huyện Vân Canh thường tổ chức vào dịp Tết kết hợp với các lễ cúng cuối năm của làng. Tùy theo quy định của mỗi làng, lễ cúng thần làng diễn ra hằng năm, hoặc 2 - 3 năm một lần. Trong lễ cúng, thầy cúng (Oi quai) sẽ tiến hành các nghi lễ cúng Yang, cầu các vị thần linh ở bốn phương tám hướng ban cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, dân làng ấm no, hạnh phúc, ban cho mọi điều tốt đẹp nhất đến với bà con. Sau phần lễ là phần hội với những tiết mục diễn tấu cồng chiêng, trống kơ toang, múa xoang, dân làng cùng nhau liên hoan, hòa trong niềm vui lễ hội.
Nghệ nhân Nguyễn Chế Linh, ở xã Canh Hòa (huyện Vân Canh), chia sẻ: “Phong tục, tập quán của đồng bào Chăm H’roi huyện Vân Canh có nhiều lễ hội dân gian truyền thống mang những sắc màu khác nhau; trong đó, có lễ cúng thần làng thu hút đông đảo sự tham gia của toàn thể dân làng. Trong lễ cúng có nghi lễ xin keo (gieo quẻ âm dương) mang nét đặc trưng”.
Cũng có lễ hội cúng thần làng để tạ ơn yàng, tổ tiên, các đấng thần linh phù hộ bảo vệ dân làng, nhưng đồng bào H’re huyện An Lão tổ chức lễ cúng thần làng (Yàng plây) vào thời điểm cuối tháng 12 âm lịch, mang nhiều nét riêng, được thực hiện tại giữa làng. Để chuẩn bị cho lễ cúng, già làng, trưởng thôn thông báo họp bàn với dân làng, phân công dân làng dọn dẹp vệ sinh làng xóm, nhà cửa, đường làng; tất cả mọi người góp công, góp của cùng tổ chức. Lễ cúng thần làng có 2 bước: Cúng xói lễ vật và cúng rượu cần, gắn với những nghi lễ, bài cúng riêng và xin keo (gieo quẻ) bằng 2 thanh cây loang krooc. Sau lễ cúng, cồng chiêng nổi lên, mọi người cùng nhau múa xoang, vui hát, quây quần ăn uống vui vẻ, thắt chặt thêm tình đoàn kết xóm làng.
Theo nhà nghiên cứu, Nghệ nhân Ưu tú Yang Danh, trong các lễ hội do cộng đồng Chăm H’roi, Bana, H’re tổ chức mang nét đặc trưng riêng của mỗi dân tộc, nhưng tựu chung đều có dựng cây nêu - mang ý nghĩa là “cầu nối” tâm linh giữa trời và đất, gửi gắm tâm tư, nguyện vọng, những ước mơ tốt đẹp của con người với đất trời, thiên nhiên, các đấng thần linh… Lễ hội dân gian tổ chức cũng là phương thức bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống trên địa bàn tỉnh.
ĐOÀN NGỌC NHUẬN