Ðừng xem nhẹ bệnh viêm họng
Viêm họng là một trong những bệnh phổ biến nhất. Trẻ em thường mắc viêm họng cấp tính, trong khi viêm họng mạn tính thường gặp ở người trưởng thành.
Bệnh viêm họng thường do vi khuẩn, khói thuốc lá, bụi bẩn, môi trường sống không trong sạch, do bị dị ứng mãn tính, hay do nhiệt độ phòng ngủ không thích hợp… Trên thực tế khi bị viêm họng, đau họng nhiều người chủ quan khiến tình trạng có thể trở nên nghiêm trọng.
Viêm họng cấp tính có thể xảy ra sau một sự thay đổi thời tiết đột ngột hoặc do một số bệnh khác có liên quan như viêm xoang, viêm mũi cấp tính hoặc mạn tính... Triệu chứng điển hình là sốt cao, đau họng, đặc biệt là khi nuốt, sau vài ngày xuất hiện ho khan sau đó có thể có xuất tiết có đờm. Viêm họng mạn tính thường được gọi là viêm họng hạt. Sốt nhẹ hoặc không sốt, họng rát, ngứa, có cảm giác nuốt hơi vướng và luôn cảm thấy có chất nhầy chảy xuống họng.
Khi có biểu hiện đau họng, viêm họng có thể xử trí tại nhà. Cần súc miệng bằng nước muối pha loãng, ấm giảm cơn đau và sát khuẩn. Khi bị đau rát họng ít nhất mỗi giờ hãy súc miệng một lần, ngày nhiều lần. Đối với trẻ dưới 1 tuổi khi bị sốt thì nên cần nhanh chóng được thăm khám, tránh tự ý điều trị, vì trẻ em sốt cao rất dễ đưa đến co giật, lau mát cho trẻ bằng nước ấm, tránh ủ nhiều quần áo, thực hiện đúng theo toa thuốc của bác sĩ.
Để phòng bệnh, cần lưu ý đắp chăn mỏng cho trẻ khi ngủ để giúp giữ ấm. Điều chỉnh chỗ ngủ để luồng không khí lạnh ở máy điều hòa không phả trực tiếp vào người. Không đưa trẻ đột ngột từ phòng điều hòa ra ngoài trời để tránh sốc nhiệt. Nhiệt độ chỉ nên để ở mức khoảng 270 C và mức nhiệt chênh lệch 70 C so với ngoài trời. Đồng thời, cần vệ sinh răng, miệng, họng hằng ngày (đánh răng, súc họng bằng nước muối loãng). Luôn đeo khẩu trang khi ra đường để tránh bụi và khí ô nhiễm. Không hút thuốc lá, tránh xa các môi trường ô nhiễm hoặc có khói thuốc. Uống nhiều nước ấm, không nên uống nước lạnh quá hoặc nước đá. Phát hiện và điều trị kịp thời, dứt điểm các bệnh của họng và bệnh của các cơ quan liên quan đến họng (răng, miệng, mũi, xoang…) để mầm bệnh không có khả năng tồn tại và lan vào vùng họng.
Không tùy tiện dùng thuốc nhất là các loại kháng sinh. Dùng đúng liều, đúng thời gian các loại thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Bên cạnh đó, việc sử dụng một số loại thảo dược cũng giúp cải thiện các triệu chứng do viêm họng gây ra. Tuy nhiên, trước khi sử dụng hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ, đặc biệt với những người có tiền sử mắc các bệnh tim, gan, thận, trẻ em, phụ nữ mang thai và cho con bú.
MINH PHƯỢNG (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh)