Chặt đứt vòi bạch tuộc “tín dụng đen” - Kỳ 1
LTS: Dù có không ít đối tượng cho vay lãi nặng bị truy bắt, khởi tố và xét xử nhưng hoạt động này vẫn nở rộ như nấm sau mưa với nhiều biến tướng tinh vi. Báo Bình Ðịnh giới thiệu đến bạn đọc chuyên đề “Chặt đứt vòi bạch tuộc “tín dụng đen””, phản ánh thực trạng, hệ lụy khốn cùng của không ít gia đình khi dính vào bẫy “tín dụng đen” và công tác đấu tranh, ngăn chặn của lực lượng chức năng.
Kỳ 1: Bẫy “vay không thế chấp, nhận tiền ngay”
Rất dễ dàng bắt gặp những lời quảng cáo mật ngọt, hấp dẫn như cho vay không cần gặp mặt, không cần thế chấp, không làm hồ sơ vay và nhận tiền ngay… Những điều kiện “lý tưởng” đó thật ra là cái bẫy khiến nhiều người sa chân và không lối thoát, vì không lường được hậu quả lãi suất cao, nợ chồng nợ và thậm chí bị lừa đảo.
“Ngân hàng cột điện”
Để tiếp cận “con mồi”, ngoài việc tận dụng công nghệ thông tin để đăng tải các thông tin “vay tiền nhanh”, “vay tiền mặt online” trên các web, app, “tín dụng đen” còn tiếp cận khách hàng thông qua các tờ rơi cho vay tiền, số điện thoại dán tại các tuyến đường, con hẻm, cột điện… Ai có nhu cầu chỉ cần bấm điện thoại là lập tức sẽ được hướng dẫn các thủ tục vay tiền.
Nhiều quảng cáo cho vay tiền với thủ tục đơn giản đã đánh trúng vào tâm lý người cần vay tiền. Ảnh: K.A
Theo số điện thoại của tờ rơi dán tại đường Nguyễn Duy Trinh (TP Quy Nhơn), phóng viên trong vai người có nhu cầu vay vốn, sau khi bấm máy gọi, giọng nam của đầu dây bên kia hỏi ngay: “Em làm nghề gì? Cần vay bao nhiêu? Bên anh cho vay theo hình thức trả góp. Ví dụ em vay 10 triệu thì nhận về 8,3 triệu và mỗi ngày em đóng cho anh 100 nghìn đồng”.
Nghe chúng tôi có ý trả treo vì tiền lãi cao, người này cho biết, nếu tới thời gian trả mà chưa có đủ sẽ được hỗ trợ vay gói mới để cấn trừ số tiền góp ngày chưa đóng và tiền vay trước đó. Đồng thời, người này hối thúc chúng tôi gửi thông tin để hoàn tất việc vay tiền, nhận tiền ngay trong ngày, chỉ cần bằng lái xe là đủ.
Trong khi đó, hình thức cho vay tiền qua các app, thực chất là “tín dụng đen” cũng nở rộ với nhan nhản những lời quảng cáo mật ngọt, hấp dẫn. Cách thức, thủ tục cho vay nhanh gọn, chỉ thông qua các trang web, các sàn giao dịch trực tuyến hoặc các ứng dụng được cài đặt trên điện thoại thông minh, người đi vay cũng không cần có tài sản bảo đảm…
Chị N.T.B.D. (ở phường Đống Đa, làm công tại một cơ sở sản xuất thực phẩm ở phường Thị Nại, TP Quy Nhơn) chia sẻ, mỗi tháng hai vợ chồng chị thu nhập khoảng hơn 12 triệu đồng. Số tiền này vừa đủ để gia đình 5 người chi tiêu hằng tháng. Khi có việc đột xuất, vợ chồng chị thường chọn giải pháp “vay tiền nhanh không thế chấp” trên app. “Dù biết lãi suất cao và mình chịu thiệt, nhưng vì họ không yêu cầu thế chấp gì ngoài CCCD hoặc cho họ biết nơi làm việc, nơi ở của mình là được vay ngay, nên tôi đành chấp nhận”, chị D. nói.
Khai nhận với cơ quan chức năng về thủ đoạn hoạt động cho vay lãi nặng, đối tượng Nguyễn Thế Toàn (SN 1981, ở TP Hải Phòng, thuê trọ tại 1 căn chung cư ở phường Nhơn Bình, TP Quy Nhơn) cho biết: “Người có nhu cầu vay chỉ cần viết giấy vay tiền, cung cấp CCCD hoặc sổ hộ khẩu. Khoản vay tiếp theo (nếu có) để tất toán khoản vay trước (đáo hạn) thì không cần viết giấy vay tiền nữa”.
Vòng xoáy không lối thoát
Dù quảng cáo rất hấp dẫn với thông tin “lãi suất thấp”, “dễ vay” nhưng thực chất nhiều người phải chịu lãi suất “cắt cổ” cùng nhiều loại phí chồng chéo khiến họ rơi vào vòng xoáy không lối thoát.
Như trường hợp của vợ chồng chị Đ.T.Đ. (ở xã Vĩnh Hiệp, huyện Vĩnh Thạnh). Lần đầu chị Đ. chỉ vay 10 triệu đồng, sau đó vay thêm 15 triệu đồng nữa. Tuy nhiên, chỉ trong vòng 3 tháng (tháng 6 - 8.2023) lãi mẹ đẻ lãi con, gia đình mất khả năng chi trả.
Giấy vay tiền được cơ quan CA thu giữ từ các đối tượng cho vay. Ảnh: Cơ quan CA cung cấp
“Họ khủng bố tinh thần và ép tôi ký giấy nợ. Số tiền vay 10 triệu ban đầu sau 3 tháng thành nợ 101 triệu đồng, 15 triệu đồng vay lần sau thành nợ 400 triệu đồng. Không chỉ lấy điện thoại và xe máy, họ còn ép gia đình phải bán rẫy để trừ khoản nợ 101 triệu đồng và yêu cầu phải đi vay tiền người khác để trả nợ. Quá khiếp sợ nên gia đình tôi phải cầu cứu cơ quan chức năng”, chị Đ. cho biết.
Vì thiếu tiền nên chị N.T.C.T. (ở thị trấn Diêu Trì, huyện Tuy Phước) vay 20 triệu đồng qua app. Tuy vậy, số tiền chị thực nhận được chỉ là 15 triệu đồng, còn 5 triệu đồng bị app giữ lại để trừ lãi. Đến hạn trả nợ sau 24 ngày, chưa có đủ tiền trả nợ, cộng với lời mời “ngon ngọt” của các đối tượng, chị T. tiếp tục vay thêm 30 triệu đồng. Lần này, chị cũng chỉ nhận được 15 triệu đồng, số tiền còn lại bị trừ cho khoản vay trước, phí và khoản tiền lãi. Cứ thế, từ tháng 12.2023- 4.2024, chị T. đã vay qua 10 app với số tiền vay lên đến hơn 300 triệu đồng.
“Tiền gốc và tiền lãi phát sinh quá lớn khiến tôi mất khả năng chi trả. Mỗi ngày tôi phải nghe cả chục cuộc điện thoại đòi nợ. Tôi quá mệt mỏi, không thể chịu đựng thêm nữa, lúc nào cũng trong trạng thái uất nghẹn khi bị họ uy hiếp nên đành nói sự thật với gia đình để cùng tìm cách tháo gỡ”, chị T. kể.
Nghiêm trọng hơn là vụ việc vừa mới xảy ra tại phường Đống Đa (TP Quy Nhơn) ngày 4.6. Do bị khủng hoảng, suy sụp vì áp lực nợ từ “tín dụng đen”, bà M. (ở khu phố 5) đã treo cổ tự tử tại nhà.
Theo Phó Viện trưởng Viện KSND TP Quy Nhơn Dương Văn Nhất, phần lớn người vay “tín dụng đen” là dân lao động, kẹt tiền đột xuất; có vài trường hợp là công chức, viên chức, thậm chí là đảng viên thế cả thẻ đảng viên để vay.
Đối tượng Hoàng Đức Tiến (SN 1993, ở TP Hà Nội) cầm đầu cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự với mức lãi suất 30 - 37%/ tháng. Ảnh: Cơ quan CA cung cấp
“Các đối tượng hoạt động cho vay lãi nặng đa phần từ các tỉnh phía Bắc đến TP Quy Nhơn và các huyện, thị xã trong tỉnh hoạt động. Người vay thường phải nộp phí cho từng lần vay, nếu người vay không trả tiền hoặc trả chậm thì bọn chúng sẽ gọi điện, nhắn tin khủng bố. Thậm chí cưỡng đoạt, cướp tài sản, cố ý gây thương tích, gây bức xúc, phức tạp về ANTT và gây ra những hệ lụy khôn lường đối với người vay”, ông Nhất nói thêm.
Khoản 1, Điều 468, Bộ luật Dân sự 2015 quy định lãi suất cho vay sẽ do các bên thỏa thuận. Theo đó, trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Nếu cho vay vượt quá mức lãi suất này, bên cho vay có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”.
Cụ thể, người nào cho vay với lãi suất cao hơn mức tối đa từ 5 lần trở lên, thu lợi bất chính từ 30 đến dưới 100 triệu đồng hoặc trước đó đã bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì bị phạt tiền từ 50 - 200 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm. Trường hợp phạm tội mà thu lợi bất chính từ 100 triệu đồng trở lên thì bị phạt tiền từ 200 triệu đến 1 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
KIỀU ANH - HỒNG PHÚC
• Kỳ 2: Đấu tranh hiệu quả với thủ đoạn ma mãnh