Chuyên gia: Việt Nam có nhiều chuyển biến tích cực trong gỡ “thẻ vàng” IUU
Theo chuyên gia, về lâu dài, Việt Nam cần chú trọng chính sách nuôi trồng và bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản; mở rộng các khu bảo tồn biển; nâng cao đời sống và cải thiện sinh kế cho cộng đồng ngư dân.
Tàu thuyền đánh bắt xa bờ tại cửa biển thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, Cà Mau. (Ảnh: Huỳnh Anh/TTXVN)
Chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU) có ý nghĩa quan trọng đối với việc phát triển bền vững ngành thủy sản của Australia nói riêng và thế giới nói chung, trong đó Việt Nam.
Đây là khẳng định của bà Nguyễn Hoàng Anh Thư, nghiên cứu viên của chương trình Blue Security (Blue Security Fellow) tại Đại học La Trobe (Australia) trong cuộc trả lời phỏng vấn mới đây của phóng viên TTXVN.
Bà Nguyễn Hoàng Anh Thư cũng đánh giá cao quyết tâm của Việt Nam trong việc khắc phục “thẻ vàng” IUU của Ủy ban châu Âu (EC).
Bà Anh Thư cho biết khai thác IUU đã và đang gây ảnh hưởng đến nguồn tài nguyên sinh vật và môi trường biển của Australia, tác động tiêu cực đến sinh kế của ngư dân, an ninh lương thực và lợi ích kinh tế quốc gia.
Australia đã thể hiện cam kết cao độ và có nhiều nỗ lực trong công cuộc phòng, chống khai thác IUU và xây dựng hướng đi bền vững cho ngành thủy sản.
Cụ thể, Bộ Nông nghiệp, thủy sản và lâm nghiệp Australia đã 2 lần ban hành Kế hoạch hành động quốc gia để ngăn chặn, giảm thiểu và loại bỏ khai thác IUU vào năm 2005 và 2014.
Ngoài ra, đạo luật Quản lý nghề cá năm 1991 nghiêm cấm các tàu nước ngoài đánh bắt thủy sản trong vùng đặc quyền kinh tế hoặc lãnh hải của Australia mà không có giấy phép hoạt động thủy sản.
Các trường hợp vi phạm sẽ bị bắt giữ, tịch thu ngư cụ và thủy sản khai thác được, phạt tiền và bị ghi tiền án tiền sự tại Australia vì vi phạm pháp luật.
Bên cạnh đó, Australia cũng tăng cường hợp tác và hỗ trợ các quốc gia trong khu vực để giảm thiểu hoạt động khai thác IUU.
Bộ đội biên phòng Quảng Ngãi tuyên truyền vận động ngư dân cam kết tuân thủ các quy định về hoạt động khai thác thủy sản. (Ảnh: Đinh Hương/TTXVN)
Bà Anh Thư cho biết Việt Nam và Australia đã và đang hợp tác chặt chẽ và hiệu quả trong lĩnh vực nuôi trồng, khai thác và xuất nhập khẩu thủy sản. Đặc biệt, việc hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện vào tháng Ba vừa qua được kỳ vọng có thể mở ra nhiều cơ hội hợp tác mới.
Hiện nay, Australia là thị trường nhập khẩu thủy sản lớn thứ 5 của Việt Nam, trong khi Việt Nam thuộc nhóm các nước cung cấp thủy sản lớn nhất của Australia.
Hai nước còn là thành viên chung của nhiều hiệp định thương mại tự do như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do ASEAN-Australia-New Zealand (AANZFTA), và Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).
Các hiệp định thương mại tự do nói trên đã mang lại nhiều lợi thế và thúc đẩy giao thương thủy sản giữa Việt Nam và Australia.
Australia cũng có nhiều đóng góp cho công tác ngăn chặn khai thác thủy sản bất hợp pháp của Việt Nam. Năm 2017, Việt Nam và Australia đã ký Biên bản ghi nhớ (MOU) nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác lâu dài trong việc chống khai thác IUU.
Australia đã hỗ trợ tổ chức các lớp tập huấn, khoá đào tạo và hội thảo chia sẻ thông tin cộng đồng cho ngư dân và cán bộ Việt Nam.
Đánh giá về nỗ lực của Việt Nam trong chống khai thác IUU và sớm gỡ cảnh báo “thẻ vàng” của EU, theo bà Anh Thư, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã thể hiện tinh thần và quyết tâm cao với nhiều kết quả, chuyển biến tích cực đã được ghi nhận từ năm 2017 đến nay.
Tiếp thu những khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EC), Việt Nam đã nỗ lực hoàn thiện khung pháp lý bằng việc ban hành, sửa đổi và bổ sung Luật Thủy sản năm 2017 và nhiều nghị định, thông tư khác có liên quan.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng tăng chế tài và đẩy mạnh xử phạt các trường hợp tàu cá vi phạm khai thác IUU. Tính đến ngày 21.5.2024, cả nước đã có 98,25% số lượng tàu cá từ 15m trở lên được trang bị hệ thống giám sát hành trình (VMS).
Trong những năm qua, Việt Nam chủ động hợp tác quốc tế và ký biên bản ghi nhớ (MOU) với nhiều quốc gia như Thái Lan, Australia, và Mỹ. Việt Nam cũng thành lập đường dây nóng và thường xuyên trao đổi thông tin với các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á.
Chủ tàu cá NT 91334 TS giới thiệu thiết bị giám sát hành trình lắp đặt trên tàu cá. (Ảnh: Nguyễn Thành/TTXVN)
Việt Nam đã tham gia tích cực và chủ trì xây dựng sáng kiến “Xây dựng lộ trình chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định trong ASEAN giai đoạn 2020-2025”.
Bà Anh Thư nhận định nhìn chung, công tác chống khai thác IUU của Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả tích cực, song vẫn còn một số hạn chế cần được giải quyết để sớm gỡ cảnh báo “thẻ vàng”.
Thứ nhất, Việt Nam nên kiểm tra chặt chẽ và đảm bảo 100% tàu cá từ 15m trở lên được lắp đặt VMS khi tham gia khai thác trên biển.
Các lực lượng chức năng cần rà soát và xử lý triệt để các trường hợp tàu cá vi phạm quy định về VMS.
Thứ hai, tuy Đảng và Nhà nước đã chỉ đạo quyết liệt, việc thực thi ở cấp độ địa phương còn chưa đồng đều. Do đó, lãnh đạo và ngư dân ở các địa phương cần tăng cường phối hợp và thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo nhằm phòng, chống khai thác IUU.
Thứ ba, việc chống khai thác IUU cần sự chung tay và nỗ lực của cộng đồng quốc tế. Việt Nam nên tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các quốc gia, tổ chức quốc tế liên quan và thường xuyên trao đổi những kinh nghiệm thực tiễn trong việc chống khai thác IUU.
Về lâu dài, Việt Nam cần chú trọng chính sách nuôi trồng và bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản; mở rộng các khu bảo tồn biển; nâng cao đời sống và cải thiện sinh kế cho cộng đồng ngư dân.
Bà Anh Thư cũng đề cập tới trường hợp của Thái Lan là một ví dụ có thể tham khảo trong việc chống khai thác IUU và thành công gỡ “thẻ vàng” của EC.
Năm 2015, sau khi nhận “thẻ vàng”, Thái Lan đã tiến hành cải cách toàn diện ngành thủy sản, trong đó đáng chú ý nhất là việc sửa đổi và hoàn thiện khung pháp lý chống khai thác IUU theo chuẩn mực quốc tế.
Thái Lan đã thực thi pháp luật nghiêm túc và xử lý triệt để các trường hợp vi phạm, đồng thời tích cực hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này.
Những biện pháp phòng, chống khai thác IUU hiệu quả đã giúp ngành thủy sản Thái Lan phát triển bền vững hơn và thành công gỡ “thẻ vàng” vào năm 2019.
Theo Thanh Tú (TTXVN/Vietnam+)