Hoạt động chế biến thủy sản xuất khẩu: Tiếp tục vượt qua “rào cản” để phát triển bền vững
Từ đầu năm đến nay, vượt qua những trở ngại, khó khăn, các doanh nghiệp (DN) chế biến thủy sản xuất khẩu (CBTSXK) trên địa bàn tỉnh đã nỗ lực vượt khó vươn lên và đạt được những kết quả khả quan. Tuy nhiên, vẫn còn đó không ít khó khăn, thách thức, nhất là những rào cản kỹ thuật mà các nước nhập khẩu áp đặt.
Cá ngừ đại dương, một trong những mặt hàng xuất khẩu thế mạnh của tỉnh.
- Trong ảnh: Công nhân Công ty cổ phần Thủy sản Bình Định sơ chế cá ngừ xuất khẩu. Ảnh: VĂN LƯU
Nỗ lực của các DN
Cũng như nhiều địa phương, đa phần các DN trên địa bàn tỉnh ta chủ yếu là DN nhỏ và vừa, thiết bị công nghệ có phần cũ kỹ, chưa tạo ra sản phẩm có chất lượng cao. Bên cạnh đó, các DN CBTSXK của tỉnh còn phải đương đầu với những “rào cản kỹ thuật” do các nước nhập khẩu áp đặt, trong đó có quy định của Nhật Bản về dư lượng Ethoxyquin (ETQ). Theo đó, kể từ năm 2014, Nhật Bản đã nâng mức dư lượng ETQ trong tôm của Việt Nam từ 0,01 ppm lên 0,2 ppm. Trước những khó khăn, thử thách trên, nhiều DN trên địa bàn đã nỗ lực vượt khó để ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh và từng bước phát triển.
Theo Cục Thống kê tỉnh, trong 8 tháng đầu năm 2014, sản lượng nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh ước đạt 5.334 tấn, tăng 6,1%, trong đó tôm các loại thu hoạch ước đạt 3.545 tấn (tăng 5,2%); sản lượng khai thác thủy sản đạt 118.422 tấn (tăng 5%). Đồng thời, với chính sách khuyến khích, hỗ trợ khai thác, nuôi trồng hải sản và dịch vụ khai thác hải sản trên các vùng biển xa, 8 tháng đầu năm, trên địa bàn tỉnh đã có 4.204 hồ sơ của ngư dân, trong đó có 3.918 hồ sơ xin hỗ trợ nhiên liệu. Nhiều tàu cá trên địa bàn đã tổ chức liên kết, hình thành các tổ, đội khai thác, đánh bắt thủy hải sản, hỗ trợ cùng nhau ra khơi và tiêu thụ sản phẩm, qua đó tăng hiệu quả trong khai thác.
Đặc biệt, thực hiện chương trình hợp tác với Nhật Bản, bên cạnh việc cử cán bộ sang Nhật Bản học tập cách khai thác, sơ chế, bảo quản cá ngừ đại dương theo công nghệ mới, UBND tỉnh đã đầu tư thí điểm mua sắm thiết bị đánh bắt hiện đại trang bị cho một số tàu cá, tổ chức tập huấn phương pháp đánh bắt, sơ chế, bảo quản cá ngừ cho ngư dân.
Với những nỗ lực trên, hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN CBTSXK trên địa bàn tỉnh không chỉ ổn định mà còn đạt được những kết quả khả quan. Theo ông Ngô Văn Tổng, Phó Giám đốc Sở Công Thương, 8 tháng đầu năm 2014, giá trị kim ngạch xuất khẩu (KNXK) của nhóm hàng thủy hải sản ước thực hiện 43,3 triệu USD, đạt gần 67% kế hoạch năm, chiếm tỉ trọng 11% tổng KNXK, tăng 19,3% so với cùng kỳ. Trong đó, số lượng hải sản đông đạt 5.600 tấn (tăng 30%), giá trị đạt gần 28 triệu USD (tăng gần 19%); giá trị tôm đông lạnh đạt gần 16 triệu USD (tăng gần 21%); phi lê cá tăng gần 25%...
Nắm bắt cơ hội để phát triển
Kết quả trên rất đáng ghi nhận. Tuy nhiên, vẫn còn đó không ít tồn tại, hạn chế. Theo ông Ngô Văn Tổng, quy mô của DN CBTSXK trên địa bàn chủ yếu là vừa và nhỏ, thiết bị công nghệ của DN hầu hết là lạc hậu, chưa tạo ra sản phẩm có chất lượng cao; chất lượng nguồn nhân lực còn hạn chế. Đồng thời, hoạt động XK hải sản đông thời gian qua số lượng đơn hàng lớn không nhiều, chủ yếu là các đơn hàng lẻ.
Bên cạnh đó, điều đáng lo ngại là sau khi nâng mức dư lượng ETQ trong tôm Việt Nam từ 0,01 ppm lên 0,2 ppm, phía Nhật Bản đã quyết định áp dụng chế độ kiểm tra dư lượng ETQ đối với 100% lô hàng tôm nuôi và sản phẩm chế biến từ tôm nuôi nhập khẩu từ Việt Nam với mức giới hạn phát hiện được áp dụng là 0,2 ppm. Đáng lưu ý, sau Nhật Bản, vừa qua EU cũng đã lên tiếng về tình trạng dư lượng ETQ trong tôm Việt Nam vượt mức giới hạn cho phép, đồng thời cảnh báo sẽ xem xét áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt hơn với tôm Việt Nam, kể cả việc tạm đình chỉ nhập khẩu.
Theo ông Ngô Văn Tổng, trên cơ sở đánh giá, phân tích tình hình, Sở Công Thương đã đề ra một số nhiệm vụ, kế hoạch những tháng còn lại của năm 2014, qua đó xác định: Phấn đấu đạt giá trị KNXK tháng 9 khoảng 46 triệu USD, tăng 5,7% so với cùng kỳ năm 2013. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2014 sẽ đạt khoảng 439 triệu USD, tăng 3,1% so với cùng kỳ năm 2013.
Nhằm thực hiện có hiệu quả những mục tiêu trên, Sở đã đề ra một số giải pháp, như: Nỗ lực hoàn thành Đề án “Nâng cao năng lực cạnh tranh các sản phẩm chế biến từ nông, lâm, thủy sản và các ngành dịch vụ xuất khẩu Bình Định giai đoạn đến năm 2020”; tiếp tục hỗ trợ, khuyến khích ngư dân đánh bắt theo công nghệ của Nhật Bản; đôn đốc nhà đầu tư sớm khởi công xây dựng nhà máy thủy sản An Hải. Ngoài ra, Sở Công Thương cũng kiến nghị UBND tỉnh quan tâm tạo điều kiện đối với Công ty CP Thủy sản Bình Định về kho lạnh chứa nguyên liệu.
Đáng lưu ý, bên cạnh một số khó khăn, vướng mắc, cơ hội cũng đã mở ra đối với các DN CBTSXK trên địa bàn. Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, từ nay đến cuối năm 2014, CBTSXK sẽ là một trong những ngành tiếp tục phát triển, bởi EU, Trung Quốc, Nhật Bản vẫn là những thị trường XK đầy tiềm năng. Đặc biệt, cùng với chương trình hợp tác với Nhật Bản trong khai thác, sơ chế, bảo quản cá ngừ đại dương, chủ trương của UBND tỉnh trong việc hỗ trợ ngư dân đóng mới tàu thuyền có công suất lớn để ra khơi đánh bắt xa bờ chính là cơ hội để hoạt động CBTSXK của tỉnh tiếp tục phát triển bền vững.
VIẾT HIỀN