Chặt đứt vòi bạch tuộc “tín dụng đen”- Kỳ 2: Đấu tranh hiệu quả với thủ đoạn ma mãnh
Hệ lụy của “tín dụng đen” không chỉ là lãi suất “cắt cổ” khiến nạn nhân rơi vào cảnh tán gia bại sản, mà còn là nguồn gốc nảy sinh các vấn đề xã hội phức tạp và các hành vi vi phạm pháp luật. Vì thế, CA toàn tỉnh đã triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, đấu tranh, điều tra làm rõ các đối tượng phạm tội liên quan đến “tín dụng đen”.
Tinh vi và liều lĩnh
Khai nhận với cơ quan chức năng, đối tượng Lê Tùng Lâm (SN 2002, ở tỉnh Thanh Hóa, thuê trọ tại phường Quang Trung, TP Quy Nhơn; phạm tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự) cho biết đã tự lập trang Facebook “Cho Vay Quy Nhơn - 0967248715” để quảng cáo thông tin cho vay tiền. Khi có người liên hệ hỏi vay, Lâm hẹn gặp để thỏa thuận.
“Tôi sử dụng tên giả và yêu cầu người vay cung cấp các giấy tờ tùy thân, làm hợp đồng vay tiền và yêu cầu người vay dẫn về nhà để biết vị trí nhà họ, đề phòng họ bỏ trốn không trả tiền”, Lâm nói.
Trong khi đó, đối tượng Triệu Minh Tiến (SN 1999, ở tỉnh Phú Thọ, thuê nhà ở phường Nhơn Bình, TP Quy Nhơn để hoạt động cho vay lãi nặng) lại sử dụng đồng thời nhiều số điện thoại, in rải tờ rơi ở nhiều tuyến đường nội thành Quy Nhơn, đăng thông tin cho vay lên Facebook. Để vay tiền, người vay phải cho Tiến kiểm soát thông qua việc truy cập danh bạ trên điện thoại di động, cung cấp CCCD, sổ hộ khẩu, bằng lái xe hoặc giấy tờ tùy thân khác để làm tin và dẫn Tiến đến nơi cư trú, nơi làm việc để xác nhận.
Với sự giám sát chặt này, khi con nợ có dấu hiệu chậm trả nợ, các đối tượng lập tức thực hiện các bước để thu hồi nợ hoặc tiếp tục nhân đôi số nợ. Trường hợp anh N.T.T. (ở huyện Tuy Phước) là nạn nhân vay tiền với lãi suất 292%/năm từ nhóm của Doãn Trọng Nghĩa (SN 1989, ở TP Hải Phòng, thuê trọ tại 1 chung cư trên địa bàn phường Nhơn Bình) là một ví dụ.
Quá trình vay tiền, anh T. liên tục bị Nghĩa và đồng bọn gọi điện, nhắn tin đe dọa sẽ đăng hình ảnh CCCD lên Facebook khi chậm trả tiền. Mỗi lần như thế anh T. lại tiếp tục phải đáo hạn. “Từ số tiền vay ban đầu là 20 triệu đồng, sau hơn 2 tháng tôi đã trả đến 120 triệu đồng nhưng nợ vẫn hoàn nợ”, anh T. cho biết.
Còn đối tượng Đỗ Thị Phương (SN 1974, ở xã Vĩnh Hảo, huyện Vĩnh Thạnh) rất liều lĩnh khi ép người vay ký giấy mượn nợ nhiều hơn số tiền đã vay, ép họ bán rẻ tài sản cho Phương. Chưa dừng lại ở đó, Phương còn cưỡng đoạt luôn điện thoại và xe máy của họ để trừ nợ.
CA huyện Tây Sơn thi hành lệnh bắt Trần Thế Anh (SN 1995, ở tỉnh Hà Tĩnh), Văn Phan Thành Cầu (SN 2005, ở huyện Tuy Phước) và Nguyễn Nam Trường Thi (SN 1988, ở huyện Tây Sơn) về hành vi cưỡng đoạt tài sản liên quan đến “tín dụng đen”. Ảnh: Cơ quan CA cung cấp
Chủ tịch UBND xã Tây Giang (huyện Tây Sơn) Ngô Luân cho biết, đối tượng khách hàng vay từ các kênh này chủ yếu là thanh niên mới lớn, ham mê các trò đỏ- đen, nghiện game online, cá độ bóng đá. Cũng vì “thủ tục đơn giản, nhanh gọn” mà một số trường hợp trên địa bàn xã đã sập bẫy “tín dụng đen”.
Theo thượng tá Trương Văn Phụng, Trưởng Phòng Cảnh sát hình sự (CA tỉnh), các đối tượng hoạt động “tín dụng đen” khi cho vay không thể hiện lãi suất công khai trên giấy tờ. Chúng dùng các “hợp đồng giả” như hợp đồng, ủy quyền mua bán, thuê ô tô, xe máy… để đảm bảo khoản vay, khi con nợ mất khả năng thanh toán sẽ siết nợ, hoặc gửi đơn lên cơ quan bảo vệ pháp luật yêu cầu khởi tố, xử lý theo thỏa thuận của hợp đồng... gây khó khăn cho cơ quan chức năng.
“Thực tế, người vay và người cho vay thường che giấu giao dịch, tự thỏa thuận. Chỉ khi người vay không trả được nợ, bị đe dọa, bắt giữ, đánh đập, khủng bố tinh thần... thì vụ việc mới được trình báo”, thượng tá Phụng nói thêm.
Khoanh vùng, triệt “vòi bạch tuộc”
Trước tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” diễn biến phức tạp, ngày 29.10.2023, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn đã ký quyết định kiện toàn Tổ công tác liên ngành kiểm tra các cơ sở, dịch vụ có biểu hiện hoạt động “tín dụng đen” trên địa bàn tỉnh. Tổ công tác gồm 16 thành viên, do Phó Giám đốc CA tỉnh Huỳnh Bảo Nguyên làm Tổ trưởng.
Trước đó, thực hiện Kế hoạch của Bộ CA, CA tỉnh đã mở đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm vi phạm pháp luật liên quan hoạt động “tín dụng đen” từ ngày 14.9.2023 - 14.3.2024.
Một ngôi nhà ở TP Quy Nhơn bị “khủng bố” liên quan đến hoạt động vay nợ (Ảnh chỉ mang tính chất minh họa). Ảnh: K.A
Theo đại tá Huỳnh Bảo Nguyên, Phó Giám đốc CA tỉnh, lãnh đạo CA tỉnh đã chỉ đạo CA các đơn vị, địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phòng ngừa xã hội, rà soát, quản lý chặt địa bàn, đối tượng liên quan đến hoạt động cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự.
“Lực lượng CA toàn tỉnh chủ động rà soát, lập danh sách tổ chức, đối tượng nghi vấn hoạt động “tín dụng đen” để quản lý, theo dõi, áp dụng các biện pháp nghiệp vụ để khi có đủ chứng cứ chứng minh hành vi phạm tội, lực lượng bắt giữ ngay”, đại tá Nguyên nói.
Minh chứng là trong đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm trước, trong và sau tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, nhiều nhóm đối tượng hoạt động “tín dụng đen” đều lần lượt bị CA các đơn vị, địa phương triệt xóa.
Điển hình, với chuyên án “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự” (Chuyên án 12.23V), CA TP Quy Nhơn triệt xóa nhóm đối tượng do Doãn Trọng Nghĩa cầm đầu vào ngày 21.12.2023, cho thấy sự kiên trì đeo bám của các trinh sát CA TP Quy Nhơn.
Nhóm của Nghĩa hoạt động kín kẽ, quản lý hoạt động cho vay thông qua Zalo. Những người vay tiền sẽ tham gia nhóm Zalo có tên “Phát tài”. Để thu thập thông tin, tài liệu chứng minh hành vi phạm tội của đường dây này, các trinh sát đã tập trung sàng lọc, nắm bắt quy luật, lịch trình hoạt động của từng thành viên trong nhóm.
Không chỉ thế, thông qua công tác nắm địa bàn, các hành vi rải, dán tờ rơi với các thông tin liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” cũng bị lực lượng CA kịp thời xử lý.
Đơn cử, ngày 8.3, trong lúc tuần tra địa bàn, CA thị trấn Tuy Phước (huyện Tuy Phước) phát hiện Vũ Anh Đức (SN 1987) và Nguyễn Trung Kiên (SN 1998, quê TP Hải Phòng, ở số nhà 440 đường Đào Tấn, phường Nhơn Bình, TP Quy Nhơn) đang rải tờ rơi quảng cáo cho vay tại khu phố Công Chánh (thị trấn Tuy Phước). Qua kiểm tra, cơ quan CA đã thu giữ khoảng 2.000 tờ rơi quảng cáo cho vay tiền mà các đối tượng chưa rải được. Với hành vi này, mỗi đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính 1,5 triệu đồng.
Các cơ quan chức năng đang nỗ lực kiểm soát tình hình liên quan đến tệ nạn “tín dụng đen” trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, bên cạnh trách nhiệm của lực lượng chức năng, người dân cần nâng cao nhận thức tránh xa cạm bẫy của “tín dụng đen”.
Năm 2023, CA toàn tỉnh đã tiếp nhận, xử lý 14 vụ/36 đối tượng, khởi tố 8 vụ/22 đối tượng liên quan đến “tín dụng đen”. Trong đó, có 6 vụ cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự/14 bị can; 1 vụ gây rối trật tự công cộng/7 bị can và 1 vụ cố ý làm hư hỏng tài sản/1 bị can. Xử phạt vi phạm hành chính 4 vụ/8 đối tượng về hành vi làm nhục người khác, rải tờ rơi về hoạt động cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự.
Riêng từ ngày 1.12.2023 đến nay, CA toàn tỉnh đã khởi tố 8 vụ/11 bị can về hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự; 1 vụ/2 bị can về hành vi bắt giữ người trái pháp luật; xử phạt hành chính hàng chục trường hợp với hành vi dán, rải tờ rơi về hoạt động cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự.
KIỀU ANH - HỒNG PHÚC
Kỳ cuối: Cần giải pháp lâu dài, bền vững