Chặt đứt vòi bạch tuộc “tín dụng đen” - Kỳ cuối: Cần giải pháp lâu dài, bền vững
Hoạt động “tín dụng đen” tại Bình Ðịnh tuy không rầm rộ, song vẫn để lại không ít nỗi lo về an ninh trật tự tại cộng đồng. Ðể “tín dụng đen” không còn là nỗi lo thường trực, rất cần những giải pháp mang tính lâu dài, bền vững.
Truy thu, sung công quỹ số tiền cho vay lãi nặng
Tại phiên tòa xét xử sơ thẩm mở chiều 28.5.2024, TAND TP Quy Nhơn tuyên phạt bị cáo Lê Tùng Lâm (SN 2002) 12 tháng tù treo và Trịnh Thanh Lam (SN 2003, cùng ở tỉnh Thanh Hóa; thuê trọ tại một chung cư ở phường Quang Trung, TP Quy Nhơn) 9 tháng tù treo về tội “cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”.
Bên cạnh đó, Hội đồng xét xử còn truy thu đối với bị cáo Lam số tiền trên 500 triệu đồng, Lâm trên 600 triệu đồng là khoản tiền thu lợi bất chính từ hoạt động cho vay lãi nặng; truy thu gần 200 triệu đồng từ tiền vay của các con nợ. Ba khoản thu này đều được sung công quỹ.
Bị cáo Nguyễn Thế Toàn (trước) và Vũ Văn Hồi khai nhận hành vi phạm tội trước Hội đồng xét xử. Ảnh: K.A
Trước đó, tại phiên tòa sơ thẩm diễn ra ngày 16.5, TAND tỉnh tuyên phạt bị cáo Nguyễn Thế Toàn (SN 1981) 18 tháng tù giam và Vũ Văn Hồi (SN 1997, cùng ở Hải Phòng, thuê trọ tại 1 căn chung cư ở phường Nhơn Bình, TP Quy Nhơn) 12 tháng tù giam về tội “cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự” với tình tiết phạm tội “thu lợi bất chính 100 triệu đồng trở lên”. Hội đồng xét xử cũng quyết định truy thu sung công quỹ hơn 870 triệu đồng là khoản tiền thu lợi bất chính từ hoạt động cho vay lãi nặng của 2 bị cáo Hồi và Toàn.
Để tiếp cận người vay, nhóm của Toàn sử dụng đồng thời 2 hình thức, gồm vay trả góp 30 ngày (mỗi ngày trả tiền lãi và gốc) và “vay đứng” (chỉ trả lãi, không trả gốc). Khi vay, Toàn thu trước 2 ngày góp và phí tùy theo gói vay. Mỗi ngày người vay phải chuyển khoản hoặc đưa tiền mặt, ngày nào đóng chậm sẽ bị cộng dồn tiền lãi và gốc.
Với hình thức này, chỉ từ tháng 4 - 11.2023, Toàn, Hồi đã cho 60 người vay hơn 1,3 tỷ đồng, lãi suất từ 15 - 50%/tháng (tương đương từ 180 - 600%/năm).
Tại tòa, 2 bị cáo đều thừa nhận vì thấy nhiều người hoạt động cho vay và nhu cầu vay tiền không thế chấp của người dân nhiều nên đã tham gia. “Bị cáo cùng Hồi mỗi ngày đi rải tờ rơi và card có in dòng chữ “cho vay tiêu dùng” kèm số điện thoại ở địa bàn huyện Tuy Phước và TP Quy Nhơn. Bị cáo chỉ cho vay từ vài triệu đến 20 triệu đồng”, bị cáo Toàn khai nhận.
Hội đồng xét xử đã dành phần lớn thời gian để phân tích, đánh giá tính chất, mức độ hành vi phạm tội của từng bị cáo; khẳng định hành vi của các bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm đến trật tự quản lý kinh tế của Nhà nước về tín dụng, lĩnh vực kinh doanh tiền tệ; đồng thời, gây ảnh hưởng xấu đến tình hình trật tự trị an tại địa phương nên cần xử lý nghiêm.
Theo ông Mai Văn Cường, kiểm sát viên giữ quyền công tố tại phiên tòa, hoạt động cho vay lãi nặng đã len lỏi đến từng ngõ ngách, khu phố, vùng quê, gây ra nhiều hệ lụy, làm gia tăng bạo lực, tội phạm. “Do đó, ngoài mức án tù, chúng tôi cũng đề nghị Hội đồng xét xử truy thu sung quỹ số tiền lãi vượt quá quy định. Đây là một hình thức răn đe người có ý định phạm tội, tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân về bẫy tín dụng đen, nhất là hệ lụy của nó”, ông Cường nói.
Đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp
TP Quy Nhơn là nơi có nhiều tội phạm hoạt động “tín dụng đen” ẩn trú. Chủ tịch UBND TP Quy Nhơn Ngô Hoàng Nam cho hay, lãnh đạo thành phố đã chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể, địa phương tăng cường đổi mới phương thức tuyên truyền thông qua mạng xã hội Zalo, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu, phát tờ rơi tận nhà. Từ đó, giúp người dân biết được cách thức vay tài sản, thu hồi nợ, hậu quả của tội phạm “tín dụng đen” và kết quả đấu tranh, xử lý của cơ quan chức năng. Đồng thời, tăng cường công tác quản lý cư trú, đặc biệt chú ý các chung cư, căn hộ, nhà trọ, khách sạn cho thuê thường xuyên tập trung các đối tượng ngoại tỉnh hoạt động “tín dụng đen”.
CA TX An Nhơn đẩy mạnh tuyên truyền về tệ nạn “tín dụng đen” cho người dân, công nhân trên địa bàn. Ảnh: Cơ quan CA cung cấp
“Ban Chỉ đạo 138 của thành phố chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể chủ động bóc gỡ các quảng cáo có nội dung hoạt động cho vay “tín dụng đen”. Đề nghị chặn liên lạc hai chiều đối với các thuê bao di động dùng để hoạt động quảng cáo, cho vay lãi nặng; xử phạt hành chính các đối tượng có hành vi dán tờ rơi quảng cáo sai quy định trên địa bàn thành phố”, ông Nam nói thêm.
Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về tiền tệ và hoạt động ngân hàng trên địa bàn, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh tỉnh Bình Định đã và đang nỗ lực triển khai các giải pháp nhằm tăng cường khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính thức và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, DN khi vay vốn từ các tổ chức tín dụng (TCTD), qua đó góp phần ngăn chặn, đẩy lùi “tín dụng đen”.
Tính đến ngày 31.3.2024, trên địa bàn tỉnh có 352 đơn vị là các chi nhánh, phòng giao dịch, điểm giao dịch của các tổ chức TCTD thực hiện kinh doanh tiền tệ và cung cấp dịch vụ ngân hàng. Trong đó, có 36 chi nhánh TCTD cấp I (bao gồm 9 chi nhánh TCTD nhà nước, 25 chi nhánh TCTD cổ phần, 1 chi nhánh ngân hàng CSXH, 1 chi nhánh ngân hàng HTX), 12 chi nhánh cấp II, 118 phòng giao dịch và 27 quỹ tín dụng nhân dân cơ sở. Riêng Ngân hàng CSXH có 159 điểm giao dịch tại các trung tâm xã, phường, thị trấn.
Cụ thể, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh đã chỉ đạo các TCTD trên địa bàn thực hiện đồng bộ các giải pháp, cơ chế, chương trình, chính sách tín dụng do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành, hướng tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên, trong đó có lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Đồng thời, đa dạng các loại hình cho vay, các sản phẩm dịch vụ ngân hàng với thủ tục nhanh gọn, thuận tiện và tuân thủ quy định của pháp luật, đảm bảo đáp ứng kịp thời nhu cầu tín dụng phục vụ phát triển KT-XH địa phương và nhu cầu tiêu dùng của người dân.
“Đơn vị còn chỉ đạo các TCTD khẩn trương thực hiện các giải pháp xác thực chủ tài khoản ngân hàng, làm sạch dữ liệu khách hàng mở tài khoản ngân hàng, đảm bảo thực hiện dịch vụ ngân hàng phù hợp với phạm vi cung ứng tại hợp đồng/thỏa thuận đã ký kết. Qua đó, phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi lợi dụng dịch vụ ngân hàng cho hoạt động “tín dụng đen” và các vi phạm pháp luật khác”, ông Nguyễn Trà Dương, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, cho biết.
Cùng với đó là sự chủ động rà soát, kiểm tra các cơ sở cầm đồ, cho vay, kinh doanh tài chính và các cơ sở kinh doanh khác có biểu hiện hoạt động “tín dụng đen” trên địa bàn của lực lượng CA.
Theo đại tá Huỳnh Bảo Nguyên, Phó Giám đốc CA tỉnh, lãnh đạo CA tỉnh chỉ đạo CA các đơn vị, địa phương phân công cán bộ phụ trách địa bàn tăng cường quản lý đối tượng và các cơ sở có biểu hiện đòi nợ, siết nợ, không để các đối tượng hoạt động phức tạp, gây bức xúc trong nhân dân. Kiên quyết kiến nghị thu hồi giấy phép hoạt động kinh doanh dịch vụ cầm đồ, các cơ sở kinh doanh dịch vụ cho vay, kinh doanh tài chính có biểu hiện vi phạm pháp luật; có hình thức xử lý nghiêm đối với các cơ sở hoạt động không phép, biến tướng để hoạt động “tín dụng đen”. Song song với đó, ngành cũng đẩy nhanh tiến độ điều tra, đề nghị truy tố, xét xử các đối tượng trong các vụ án liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”.
“Lực lượng CA luôn chủ động tiếp nhận, giải quyết triệt để các tin báo, tố giác về hoạt động “tín dụng đen”; sẽ tiếp tục tổ chức trấn áp các băng nhóm côn đồ hoạt động kiểu xã hội đen bảo kê, đòi nợ thuê, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật. Đặc biệt, những ai là bị hại hãy mạnh dạn tố giác tội phạm với cơ quan chức năng, không để “tín dụng đen” lộng hành”, đại tá Huỳnh Bảo Nguyên đề nghị.
KIỀU ANH - HỒNG PHÚC