Cần có quy định trong luật về cơ quan có thẩm quyền duyệt áo dài là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
Đó là ý kiến của đại biểu (ĐB) Nguyễn Văn Cảnh (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định) khi tham gia góp ý Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) tại phiên thảo luận ở hội trường kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, vào sáng 26.6.
ĐB Nguyễn Văn Cảnh đề nghị cần quy định trong luật về cơ quan có thẩm quyền được phép duyệt áo dài là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Ảnh: Đoàn ĐBQH tỉnh
Cụ thể, ĐB Cảnh đề nghị Bộ VHTT&DL cần bổ sung, quy định trong luật về cơ quan có thẩm quyền được phép duyệt áo dài là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Năm 2011, Bộ VH-TT&DL đã tổ chức bầu chọn quốc hoa và tỷ lệ chọn hoa sen đạt 81%. Khi người dân và cơ quan được giao nhiệm vụ xây dựng đề án đang mong chờ lễ công bố, quảng bá quốc hoa thì mới biết là không ai có thẩm quyền phê duyệt quốc hoa. Điều này đã được Bộ trưởng Bộ VHTT&DL trả lời tại phiên chất vấn tại kỳ họp này.
“Chúng ta cũng đang muốn tôn vinh áo dài là di sản văn hóa phi vật thể của thế giới, nhưng hiện tại trong nước vẫn chưa công nhận áo dài là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Vì vậy, đề nghị Bộ VH-TT&DL cần có quy định trong Luật về cơ quan có thẩm quyền duyệt, tránh các trường hợp tranh luận kéo dài”, ĐB Cảnh phân tích.
Tại khoản 26, Điều 3 có quy định “Yếu tố gốc cấu thành di tích là yếu tố tạo nên giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, thể hiện đặc trưng của di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh”.
ĐB Cảnh cho rằng đây là nội dung rất quan trọng để làm căn cứ cho việc tôn tạo, tu bổ, phục hồi di tích, hoặc đưa thêm, di dời, thay đổi, thống kê hiện vật trong di tích. Từ đó, ĐB Cảnh đề nghị trong dự thảo Luật cần làm rõ cơ quan chuyên môn nào có khả năng đánh giá về các yếu tố cấu thành di tích.
Đáng chú ý, Luật Di sản văn hóa năm 2001 có quy định “Yếu tố gốc cấu thành di tích là yếu tố có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, thẩm mỹ”. “Theo tôi, các di tích có cả giá trị về mặt kiến trúc. Vì vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét thêm giá trị thẩm mỹ và giá trị kiến trúc trong các yếu tố cấu thành di tích”, ĐB Cảnh kiến nghị.
Đối với nội dung về bảo tàng, trong dự thảo luật tại khoản 2, Điều 38 quy định “Mọi di vật, cổ vật thu được trong quá trình thăm dò, khai quật khảo cổ phải được chỉnh lý, hoàn thiện hồ sơ khoa học, tạm nhập vào bảo tàng cấp tỉnh nơi có địa điểm khảo cổ”.
Tuy nhiên, theo ĐB Cảnh, trong dự thảo Luật lại không có quy định về bảo tàng cấp tỉnh, chỉ có Luật Di sản văn hóa 2001 tại Điều 47 có quy định cấp bảo tàng: Bảo tàng quốc gia, Bảo tàng chuyên ngành và Bảo tàng cấp tỉnh. Từ đó, ĐB Cảnh đề nghị ban soạn thảo rà soát lại.
Nhấn mạnh thực tế ở các địa phương khi tổ chức bảo tàng kế bên thư viện thì hoạt động khá hiệu quả, ĐB Cảnh đề nghị trong nội dung bảo tàng, cần bổ sung việc quy hoạch bảo tàng và thư viện gần nhau; nếu không quy hoạch được gần nhau thì trong bảo tàng cấp tỉnh cho phép có thư viện quy mô cấp huyện để tạo sự thuận tiện cho người dân nghiên cứu, học tập, nâng cao hơn hiệu quả hoạt động của bảo tàng.
Cùng với đó, ĐB Cảnh cho rằng, chúng ta có hơn 700 đơn vị hành chính cấp huyện. Nhà nước có thể đặt hàng các loại hình phù hợp với từng vùng miền như: Nhã nhạc cung đình Huế, Ca trù, Hát Xoan, Đờn ca tài tử Nam bộ, Dân ca Ví, Giặm, Nghệ thuật Bài chòi, Nghệ thuật Xòe Thái, Múa rối nước… ở các địa phương hằng năm. Chọn loại hình trình diễn phù hợp với mỗi vùng miền để duy trì hoạt động hiệu quả nhằm tạo thêm nguồn thu để các đoàn hoạt động, đưa các di sản văn hóa đến gần với người dân.
M.LÂM - H.PHÚC