Trước tình hình dịch cúm A (H5N6) có nguy cơ lây lan đến tỉnh ta:
Tăng cường các biện pháp phòng chống dịch
Hiện nay, thời tiết đang bắt đầu bước vào mùa mưa bão, là thời điểm các loại dịch bệnh nguy hiểm trên đàn gia súc, gia cầm (GSGC) thường hay bùng phát. Dịch cúm gia cầm (DCGC) đã xảy ra tại một số tỉnh thành trong nước, có nguy cơ lây lan đến tỉnh ta. PV Báo Bình Định đã phỏng vấn ông Nguyễn Văn Quốc, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh, về các biện pháp phòng chống dịch bệnh, bảo vệ đàn GSGC.
* Xin ông cho biết nguy cơ bùng phát dịch bệnh trên đàn GSGC thời điểm hiện nay ở tỉnh ta?
- Tỉnh ta hiện có đàn trâu, bò xấp xỉ khoảng 275 ngàn con, đàn gia cầm trên 6,5 triệu con và đàn heo khoảng 710 ngàn con. Hiện nay, thời tiết đang chuyển mùa, sức đề kháng của gia cầm kém, trong khi đó vi-rút cúm A đang tồn lưu trong môi trường, có điều kiện thuận lợi để bùng phát. Hơn nữa, dịch cúm A (H5N6) đang diễn biến phức tạp tại nhiều tỉnh thành trong nước. Đáng lo ngại là tại tỉnh Quảng Ngãi đã xuất hiện ổ dịch cúm A (H5N6) tại một hộ chăn nuôi gia cầm, nguy cơ lây lan dịch bệnh ra diện rộng là rất cao.
Với đàn gia súc, dịch lở mồm long móng (LMLM), heo tai xanh và các bệnh nguy hiểm khác cũng có nguy cơ bùng phát. Vào mùa mưa, đồng cỏ sẽ bị thu hẹp do ngập nước, việc chăn thả, cắt cỏ cho đàn trâu, bò gặp nhiều khó khăn, sức đề kháng của vật nuôi giảm sút là điều kiện thuận lợi cho vi-rút các loại dịch bệnh phát sinh. Đáng lưu ý là người chăn nuôi ở các huyện miền núi, vùng cao vẫn còn tập quán chăn thả rông đàn gia súc vào rừng vài ba tháng mới kiểm tra; không chuẩn bị nguồn thức ăn tại chỗ cho gia súc và cũng chưa quan tâm đến công tác phòng chống dịch bệnh. Khi đàn gia súc bị dịch bệnh rất khó phát hiện và điều trị, các loại vi-rút phát tán và lây lan nhanh, hậu quả rất khó lường.
* Ngành Thú y đã triển khai những biện pháp gì nhằm bảo vệ đàn GSGC, thưa ông?
- Để chủ động phòng chống dịch bệnh cho đàn GSGC, thời gian qua, Chi cục Thú y tỉnh đã phối hợp với Trung tâm Giống vật nuôi tỉnh, Trung tâm Khuyến nông- Khuyến ngư và chính quyền các địa phương tổ chức tập huấn, xây dựng các mô hình về chăn nuôi gia cầm an toàn sinh học; hướng dẫn nông dân quy trình trồng cỏ voi, chế biến các phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn cho gia súc. Bên cạnh đó, Chi cục đã phối hợp với chính quyền các địa phương đẩy mạnh công tác tiêm phòng, phòng chống dịch bệnh cho đàn GSGC.
Từ ngày 1.8, Chi cục đã tổ chức tiêm phòng đợt 2, phòng chống dịch cúm A (H5N1) cho đàn gia cầm. Đến nay, đã có gần 1,5 triệu con vịt và trên 1,4 triệu con gà đã được tiêm vắc-xin phòng chống dịch bệnh nói trên.
Trước tình hình dịch cúm A (H5N6) có nguy cơ lây lan trên đàn gia cầm của tỉnh, Chi cục đã tăng cường lực lượng túc trực tại các chốt kiểm dịch động vật trên các tuyến quốc lộ. Riêng tại chốt kiểm dịch động vật Bình Đê (huyện Hoài Nhơn), lực lượng thú y luôn túc trực 24/24 giờ để giám sát, kiểm tra các phương tiện vận chuyển GSGC ra - vào tỉnh, phát hiện và xử lý kịp thời các đối tượng vận chuyển động vật trái phép. Chi cục cũng đã tham mưu cho Sở NN-PTNT tổ chức phát động tháng vệ sinh tiêu độc, khử trùng khẩn cấp để phòng chống DCGC diễn ra từ ngày 10.9 đến ngày 10.10.2014. Hiện các chủng loại vắc-xin cúm gia cầm đều có tác dụng tốt trong công tác phòng chống DCGC chủng H5N1 và H5N6, nên Chi cục tiếp tục đẩy mạnh tiêm vắc-xin chủng H5N1 cho đàn gia cầm.
Công tác phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc cũng được chú trọng. Từ ngày 3.9 Chi cục cũng đã triển khai tiêm vắc-xin phòng chống dịch bệnh LMLM cho đàn gia súc (chủ yếu tiêm cho đàn trâu, bò và đàn heo sinh sản) và các dịch bệnh nguy hiểm khác. Đồng thời hỗ trợ người dân phun thuốc tiêu độc sát trùng chuồng trại chăn nuôi.
* Ngành Thú y đã có những khuyến cáo gì đối với người chăn nuôi ở các địa phương?
- Dịch bệnh GSGC trong mùa mưa lũ có nguy cơ phát sinh bất cứ lúc nào. Bởi vậy, bên cạnh sự nỗ lực của ngành Thú y, chính quyền và người chăn nuôi cũng cần đặc biệt quan tâm đến công tác phòng chống dịch bệnh cho đàn GSGC.
Chi cục Thú y đã có văn bản yêu cầu Trạm Thú y các huyện, thị xã, thành phố tham mưu cho chính quyền các địa phương xác định vùng có nguy cơ xảy ra dịch bệnh; vùng thường có trâu, bò bị chết đói, rét, chú ý đến xã, thôn có hộ nuôi trâu bò thả rông, đồng thời chỉ đạo hướng dẫn thực hiện công tác phòng chống dịch bệnh cho GSGC trong mùa mưa bão. Trong đó, chú ý hướng dẫn người chăn nuôi thường xuyên theo dõi diễn biến của thời tiết, đưa trâu, bò thả núi về nuôi nhốt tại chuồng trại gần nhà để tiện chăm sóc, nuôi dưỡng và tuyệt đối không thả gia súc trong núi, rừng vào những ngày trời mưa kéo dài. Tăng cường chăm sóc, nuôi dưỡng đàn GSGC, nhất là đối với vật nuôi đang sinh sản, GSGC non vào những ngày trời lạnh. Đối với trâu bò già yếu, hướng dẫn người chăn nuôi vỗ béo để bán giết thịt.
Bên cạnh đó, thu gom dự trữ và chế biến các loại phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn cho gia súc; kiểm tra, gia cố chuồng trại đảm bảo độ ấm và thực hiện phun thuốc sát trùng chuồng trại; bổ sung thêm thức ăn tinh, như: cám gạo, bột bắp, bột mì hoặc cháo muối cho vật nuôi. Trạm Thú y các địa phương tổ chức tốt công tác tiêm phòng phòng dịch bệnh cho đàn GSGC và tăng cường giám sát đàn GSGC ở địa phương, nhất là tại các địa phương có ổ dịch cũ, thông tin tình hình dịch bệnh về Chi cục để xác minh và tổ chức các biện pháp khống chế, dập dịch. Người chăn nuôi cần phải đăng ký, kê khai đàn GSGC để vừa phòng chống dịch bệnh cho vật nuôi tốt hơn vừa có cơ sở pháp lý xác định vật nuôi bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh xảy ra.
* Xin cảm ơn ông!
PHẠM TIẾN SỸ (Thực hiện)