Quy định mới đặt ra không làm gia tăng quá mức chi phí tuân thủ pháp luật
Đó là quan điểm của đại biểu (ĐB) Đồng Ngọc Ba (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định) khi tham gia góp ý đối với dự án Luật PCCC&CNCH tại hội trường kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV vào chiều 27.6.
Cụ thể, ĐB Đồng Ngọc Ba cho hay, thực tiễn hiện nay diễn biến các vụ cháy rất phức tạp và có nguy cơ ngày càng phức tạp hơn. Tuy nhiên, nguyên nhân có tính quyết định lại ở vấn đề tổ chức thực thi các quy định của pháp luật, ý thức chấp hành và một phần rất lớn nằm ở các quy định dưới luật, đặc biệt là các thông tư quy định về các tiêu chuẩn, quy chuẩn trong PCCC.
ĐB Đồng Ngọc Ba đề nghị các quy định mới đặt ra trên lĩnh vực PCCC&CNCH không làm gia tăng quá mức chi phí tuân thủ pháp luật. Ảnh: Đoàn ĐBQH tỉnh
ĐB Ba đề nghị Chính phủ rà soát kỹ, đảm bảo khi đặt ra các quy định mới hay hoàn thiện các quy định mang tính kế thừa phải đáp ứng yêu cầu nâng cao hiệu quả PCCC&CNCH, đảm bảo tính hợp lý và không gia tăng quá mức chi phí tuân thủ pháp luật cho các tổ chức, cá nhân.
Cụ thể, ĐB Ba đề cập đến thủ tục thẩm tra phương án thiết kế về PCCC. Với quy định hiện hành, Chính phủ quy định 21 nhóm dự án phải thẩm định thiết kế về PCCC, trong 10 năm qua các cơ quan PCCC cấp hơn 136.000 giấy xác nhận. Như vậy, thủ tục tương đối phức tạp và đối tượng các dự án, các công trình, các phương tiện phải thẩm định thiết kế này cũng rất lớn.
Tuy nhiên, trong báo cáo tổng kết đánh giá, ĐB Ba cho biết không thấy nêu rõ vấn đề chất lượng của các giấy xác nhận này, nhất là khi triển khai trên thực tế các dự án, công trình, phương tiện nếu xảy ra những vấn đề không đáp ứng yêu cầu là do việc thẩm định hay do việc chấp hành.
Thế nhưng, trong dự thảo Luật lại bổ sung thêm một thủ tục là thủ tục thẩm tra thiết kế về PCCC, đồng nghĩa với việc sau này chúng ta áp dụng sẽ là “thẩm định kép”. Thẩm tra này quy định cho các DN, các tổ chức thực hiện hoạt động kinh doanh dịch vụ PCCC thực hiện.
“Và như thế, trong hồ sơ trình thẩm định để được cấp giấy xác nhận bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền, các chủ đầu tư dự án, công trình sẽ phải có thêm một giấy xác nhận kết luận thẩm tra của các DN mà lẽ ra trước đây chỉ là thuê tư vấn theo hợp đồng. Tôi đề nghị đánh giá kỹ sự cần thiết, đặc biệt là chi phí tuân thủ các quy định này của các nhà đầu tư, các DN”, ĐB Ba nói.
Bên cạnh đó, ĐB Đồng Ngọc Ba bày tỏ sự quan tâm đến quy định về trang bị phương tiện PCCC cho các phương tiện giao thông cơ giới, đặc biệt là các phương tiện giao thông cơ giới đường bộ. Cụ thể, Điều 46 dự thảo Luật yêu cầu chủ các phương tiện giao thông cơ giới phải trang bị phương tiện PCCC, không loại trừ phương tiện cơ giới nào. Như thế, với phương tiện giao thông đường bộ sẽ có hàng triệu ô tô chở người phải trang bị.
Theo Thông tư 57/2015/TT-BCA hướng dẫn về trang bị phương tiện PCCC đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, tất cả ô tô chở người từ 4 chỗ trở lên đều phải trang bị phương tiện PCCC (theo quy định là 1 bình cứu hỏa). “Sau đó chúng ta thấy không hợp lý, không khả thi, đến năm 2020 có điều chỉnh và bắt buộc trang bị đối với những ô tô từ 10 chỗ trở lên. Đấy là theo hướng dẫn, còn nếu theo luật thì phải trang bị, còn trang bị phương tiện gì thì phải hướng dẫn cho phù hợp”, ĐB Ba nói.
ĐB Ba đề nghị luật ban hành lần này nên có nghiên cứu tổng kết, từ đó quy định rõ trong luật các loại phương tiện giao thông cơ giới phải trang bị phương tiện PCCC, không nên giao Chính phủ quy định chi tiết.
M.LÂM