Ngày 1.7, ra mắt lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở
Ngày 1.7, lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự (ANTT) ở cơ sở sẽ chính thức ra mắt trên toàn quốc. Đây là lực lượng được hình thành từ việc kiện toàn 3 lực lượng sẵn có bao gồm: công an xã bán chuyên trách, bảo vệ dân phố và dân phòng.
Để chuẩn bị cho Lễ ra mắt lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở tại 12 địa phương được chọn làm điểm lễ (Lào Cai, Sơn La, Hải Dương, Nghệ An, Quảng Nam, Đắk Lắk, Khánh Hòa, Bình Dương, TPHCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Cần Thơ, Cà Mau), những ngày vừa qua các đoàn công tác của Bộ Công an đã có các buổi làm việc, kiểm tra công tác chuẩn bị.
Ngoài 12 điểm lễ được lựa chọn để mời đại biểu Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an về dự, chỉ đạo, động viên lễ ra mắt lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, thì tất cả các địa phương còn lại trên toàn quốc cũng đã hoàn thành xây dựng và trình UBND tỉnh kế hoạch tổ chức lễ ra mắt vào cùng ngày 1.7.
Công an các địa phương đã xây dựng kế hoạch, tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức triển khai Luật và Lễ ra mắt theo đúng quy định và tiến độ đề ra; bảo đảm các điều kiện về trụ sở làm việc, công cụ hỗ trợ, kinh phí để lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở hoạt động hiệu quả, góp phần quan trọng vào sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm ANTT ở cơ sở.
Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở là “cánh tay nối dài” của lực lượng Công an.
Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở (Luật số 30) được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV, kỳ họp thứ 6 thông qua vào ngày 28.11.2023, có hiệu lực thi hành từ ngày 1.7.2024 đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng, vững chắc, toàn diện cho việc xây dựng, củng cố, duy trì lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; góp phần kiện toàn, sắp xếp, bố trí lực lượng, tinh gọn đầu mối gắn với hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ công tác của từng tổ chức cơ sở; kịp thời đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự trong tình hình mới.
Luật này gồm 5 Chương 33 Điều, quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, nguyên tắc tổ chức, hoạt động, quan hệ công tác, xây dựng lực lượng, bảo đảm điều kiện hoạt động và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở được trang bị đầy đủ trang phục, công cụ hỗ trợ. Ảnh: Cổng thông tin Bộ Công an.
Theo quy định của luật, lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở là lực lượng do chính quyền địa phương thành lập trên cơ sở tự nguyện của người dân để hỗ trợ Công an xã, phường, thị trấn (công an cấp xã) giúp UBND cùng cấp trong bảo vệ an ninh, trật tự và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Chịu sự lãnh đạo toàn diện của cấp ủy Đảng, sự quản lý của UBND cấp xã; sự hướng dẫn, phân công, kiểm tra của Công an cấp xã (Lực lượng này được hình thành từ việc kiện toàn 3 lực lượng sẵn có bao gồm: công an xã bán chuyên trách, bảo vệ dân phố và dân phòng).
Trong đó, nhiệm vụ của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở được quy định từ Điều 7 đến Điều 12, gồm 6 nhóm nhiệm vụ: Hỗ trợ nắm tình hình về an ninh, trật tự; Hỗ trợ xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; Hỗ trợ phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; Hỗ trợ quản lý hành chính về trật tự xã hội; Hỗ trợ vận động, giáo dục người đã có hành vi vi phạm pháp luật đang cư trú tại cơ sở; Hỗ trợ tuần tra bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn giao thông; thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự khi được điều động.
Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở sẽ tổ chức ra mắt trên toàn quốc vào ngày 1.7.
Sau lễ ra mắt, lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở sẽ là “cánh tay nối dài” của lực lượng công an xã trong bám sát địa bàn cơ sở, gần dân, hiểu dân, phối hợp, hỗ trợ đắc lực thực hiện nhiệm vụ đảm bảo an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn, phục vụ nhiệm vụ phát triển KT-XH của địa phương.
Theo Minh Đức (TPO)