Châu Âu phải có cam kết thực tế hơn với Ấn Độ - Thái Bình Dương
Việc điều hạm đội đến khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương 2 năm 1 lần sẽ không giúp ích gì cho các nước ở đây. Thay vào đó, các quốc gia châu Âu nên giúp những đối tác trong khu vực giảm lệ thuộc vào Trung Quốc về kinh tế.
Ngày 6.6, Bộ Quốc phòng Hà Lan phát thông báo cho biết, tàu HNLMS Tromp của nước này bị máy bay chiến đấu và trực thăng Trung Quốc quấy rối ở vùng biển Hoa Đông. Theo thông báo, vụ việc xảy ra trong không phận quốc tế “đã tạo ra tình huống mất an toàn tiềm tàng”. Bộ này cho hay, tàu khu trục phòng không đến khu vực trên để hỗ trợ nhiệm vụ quốc tế về giám sát việc thực thi các biện pháp trừng phạt của LHQ đối với Triều Tiên. Trước đó, tàu HNLMS Tromp đã đi qua Biển Đông.
Năm 2022, chính phủ Hà Lan tuyên bố sẽ điều tàu hải quân đến khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương 2 năm 1 lần, nhằm thể hiện sự sẵn sàng bảo vệ các giá trị và lợi ích chung với các nước đối tác trong khu vực. Phát biểu tại Busan (Hàn Quốc) hôm 3.6, Bộ trưởng Quốc phòng Hà Lan Kajsa Ollongren nói rằng: “Vùng biển ở Ấn Độ - Thái Bình Dương là giao thương của thế giới. Vì vậy, an toàn và tự do hàng hải tại khu vực này có tầm quan trọng toàn cầu”. Bà Kajsa Ollongren cũng nhấn mạnh rằng, sự hiện diện của tàu HNLMS Tromp tại đây là tượng trưng cho cam kết của Hà Lan đối với sự ổn định và an ninh của Ấn Độ - Thái Bình Dương. Mặc dù không đề cập đến quốc gia cụ thể nào, nhưng từ ngữ của bà và lộ trình của con tàu này chắc chắn là tín hiệu nhắm đến Trung Quốc.
Tàu HNLMS Tromp tại căn cứ hải quân Busan (Hàn Quốc). Ảnh: Eunhyuk Cha/navynews.com
HNLMS Tromp không phải là tàu duy nhất của châu Âu đến vùng biển này trong năm nay. Tàu khu trục Baden-Württemberg của Đức và tàu tiếp tế Frankfurt am Main hiện cũng trên hành trình đến khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương. Tàu sân bay Cavour của Italy và nhóm tàu tấn công, được tàu hải quân của Pháp và Tây Ban Nha hộ tống, cũng có lịch trình đến đây.
Vấn đề là liệu các tuyến vận chuyển chính ở Ấn Độ - Thái Bình Dương có cần sự hiện diện của tàu hải quân châu Âu hay không. Trong khi đó, nhiều tuyến hàng hải khác gần các nước này và có tầm quan trọng hơn, lại đang ở tình thế nguy hiểm như tuyến vận tải biển qua Biển Đỏ. Mặt khác, Trung Quốc không hạn chế lưu lượng vận tải hàng hải, ngay cả trong vùng biển mà nước này tuyên bố kiểm soát. Hơn nữa, Trung Quốc không gây ra mối đe dọa quân sự với Liên minh châu Âu (EU) và ngược lại. Tuy nhiên, mối quan hệ EU - Trung Quốc có thể thay đổi nếu quân đội châu Âu thường xuyên hiện diện ở châu Á, nhất là nếu hoạt động này được phối hợp với Mỹ.
Trong bối cảnh các nước trong khu vực có thể đã nghi ngại về việc Mỹ giữ cam kết bảo đảm an ninh, một vài nước hy vọng trông chờ vào châu Âu nếu tình hình xấu đi. Các quốc gia châu Âu hiện ưu tiên nguồn lực quốc phòng để bảo vệ lãnh thổ và khu vực lân cận. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là châu Âu quay lưng lại với khu vực này vì hòa bình và an ninh ở Ấn Độ - Thái Bình Dương cũng nằm trong lợi ích của châu Âu. Xét theo khía cạnh thực tế hơn, cam kết của châu Âu với khu vực này nên phát triển theo hướng dân sự. Chẳng hạn như việc nhiều thỏa thuận đầu tư và thương mại giữa hai bên sẽ giúp các nước trong khu vực đa dạng hóa nền kinh tế, cũng như trở nên ít phụ thuộc vào thương mại và nguồn lực tài chính từ Trung Quốc. Đây có thể là những giải pháp bền vững, mang lại nhiều lợi ích cho khu vực hơn là việc 1 hạm đội hải quân đến 2 năm 1 lần.
LÊ QUẢNG (Theo The Diplomat)