Công tác lập, phê duyệt và quản lý thực hiện quy hoạch: Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền
Quyết định số 17/QĐ-UBND của UBND tỉnh ban hành quy định về lập, thẩm định, phê duyệt, quản lý thực hiện quy hoạch đô thị và quy hoạch xây dựng trên địa bàn tỉnh có hiệu lực từ tháng 6.2024, chú trọng công tác phân cấp, phân quyền cho địa phương. Ông Huỳnh Ngọc Hoàng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng, đã trao đổi xung quanh vấn đề này.
Phó Giám đốc Sở Xây dựng HUỲNH NGỌC HOÀNG
*Công tác lập, thẩm định, phê duyệt, quản lý thực hiện quy hoạch đô thị và quy hoạch xây dựng trên địa bàn tỉnh thời gian qua thực hiện như thế nào, thưa ông?
- Công tác lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý thực hiện quy hoạch đô thị và quy hoạch xây dựng trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua được thực hiện nghiêm túc, tuân thủ theo quy định tại Luật Quy hoạch đô thị, Luật Xây dựng, Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch; 2 quyết định số 25/2019/ QĐ-UBND và số 35/2020/QĐ- UBND của tỉnh.
Đến nay, đã phủ kín quy hoạch chung các đô thị; tỷ lệ phủ kín quy hoạch phân khu của TP Quy Nhơn, TX An Nhơn, TX Hoài Nhơn và đô thị Tây Sơn đạt 100%. Quy hoạch chung xây dựng nông thôn mới đạt 100%.
Chất lượng thiết kế của các đồ án quy hoạch và nội dung thẩm định của các cơ quan chức năng ngày càng được nâng cao, các dự án đầu tư xây dựng được lập đầy đủ quy hoạch chi tiết xây dựng để triển khai thực hiện dự án. Các đồ án quy hoạch xây dựng được rà soát, điều chỉnh định kỳ, kịp thời đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH, thu hút đầu tư.
*Vậy, Quyết định số 17/QĐ-UBND điều chỉnh những vấn đề gì trong việc lập, thẩm định, phê duyệt, quản lý thực hiện quy hoạch đô thị và quy hoạch xây dựng trên địa bàn tỉnh?
- Chính phủ và bộ chuyên ngành đã ban hành các nghị định, thông tư hướng dẫn có liên quan về quy hoạch. Theo đó, một số yêu cầu mới đòi hỏi phải sửa đổi quy định về lập, thẩm định, phê duyệt, quản lý thực hiện quy hoạch đô thị và quy hoạch xây dựng tỉnh ban hành trước đây.
Cụ thể, theo Luật Quy hoạch đô thị và Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch, thẩm quyền phê duyệt quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết đô thị tại “khu vực có ý nghĩa quan trọng” thuộc UBND tỉnh. Tuy nhiên, luật và các nghị định, thông tư liên quan về quy hoạch đô thị chưa có xác định rõ để làm cơ sở địa phương tổ chức triển khai thực hiện. Do đó, Quyết định số 17/QĐ-UBND bổ sung xác định một số “khu vực có ý nghĩa quan trọng” theo quy định của Luật Quy hoạch đô thị.
Nghị định số 35/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định thuộc quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng, trong đó có quy định về việc tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch chi tiết theo quy trình rút gọn. Nghị định số 35/2022/NĐ-CP quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế, trong đó có thẩm quyền điều chỉnh cục bộ quy hoạch xây dựng khu công nghiệp, quy hoạch chi tiết xây dựng dự án đầu tư thuộc diện phải lập quy hoạch chi tiết.
Thông tư số 12/2023/TT-BXD quy định về phân cấp tổ chức lập quy hoạch chung đô thị mới có quy mô dân số dự báo tương đương đô thị loại III trở lên; Thông tư số 04/2022/TT-BXD quy định mới về thành phần hồ sơ quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị lưu trữ.
Quy hoạch đô thị dọc QL 19 mới trên địa bàn TP Quy Nhơn. Ảnh: DŨNG NHÂN
*Vấn đề quan trọng là việc phân cấp, phân quyền trong công tác lập, thẩm định, phê duyệt, quản lý thực hiện quy hoạch đô thị và quy hoạch xây dựng chưa mạnh…, vậy sẽ được tháo gỡ ra sao, thưa ông?
- Phải khẳng định đây chính là vấn đề rất quan trọng, tác động rất lớn đến người dân, DN, cũng là “điểm nghẽn” thời gian qua.
Quyết định số 17/QĐ-UBND được tỉnh ban hành phù hợp với quy định các luật, nghị định, thông tư hướng dẫn có liên quan về quy hoạch xây dựng và quy hoạch đô thị; phù hợp với thực tiễn, bổ sung những quy định liên quan đến vấn đề mang tính cấp bách, cần thiết; khắc phục những hạn chế, bất cập mà các cơ quan quản lý nhà nước, người dân, DN đang vướng. Đồng thời, bảo đảm tính đồng bộ, quản lý thống nhất từ Trung ương đến địa phương, tăng cường phân cấp quản lý nhà nước một cách hợp lý, tạo chủ động, nâng cao trách nhiệm cho địa phương.
Cụ thể, UBND tỉnh tổ chức lập nhiệm vụ và đồ án quy hoạch xây dựng vùng liên huyện; quy hoạch chung đô thị mới (kể cả đô thị mới có quy mô dân số dựbáo tương đương với đô thị loại III trởlên); quy hoạch chung và quy hoạch phân khu xây dựng khu chức năng; quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết các khu vực có phạm vi liên quan đến địa giới hành chính của hai huyện trởlên, khu vực phát triển mới đô thị trong đô thị mới; quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết đô thị tại các khu vực có ý nghĩa quan trọng (khu trung tâm hành chính, chính trị, y tế, văn hóa, TDTT cấp tỉnh và các dựán có ý nghĩa quan trọng khác được tỉnh xác định).
Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh tổ chức lập, điều chỉnh nhiệm vụ và đồ án quy hoạch chung xây dựng khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chức năng trong khu kinh tế thuộc diện phải lập quy hoạch chi tiết theo quy định của pháp luật về quy hoạch xây dựng.
UBND cấp huyện, thị xã, thành phố tổ chức lập nhiệm vụ và đồ án quy hoạch chung huyện, thị xã, thành phố; quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết và quy hoạch tổng mặt bằng trong phạm vi địa giới hành chính quản lý. UBND cấp xã tổ chức lập quy hoạch chung xã, quy hoạch chi tiết xây dựng và quy hoạch tổng mặt bằng tại các khu vực do cấp xã làm chủđầu tư dựán…
Như vậy, Quyết định số 17/QĐ-UBND đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tăng cường tính chủ động, linh hoạt, tự chịu trách nhiệm của địa phương, không để xảy ra tình trạng đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm, sợ sai, chống tiêu cực lãng phí, lợi ích nhóm…
* Cảm ơn ông!
MAI HOÀNG (Thực hiện)