Tự hào là một phần làm nên thế giới
Tháng 6 hằng năm được gọi là Tháng Tự hào (Pride Month) của cộng đồng LGBT (người đồng tính, song tính, chuyển giới). Rất nhiều người trong số họ đã nỗ lực gặt hái những thành quả tốt đẹp trong cuộc sống, dần được xã hội công nhận.
Sống đẹp với đời
Ngày nay, cộng đồng LGBT Việt Nam đã có thêm nhiều cơ hội mới để phát triển bản thân. Nếu như trước kia, đa phần cộng đồng LGBT bị giới hạn nghề nghiệp và bị trói buộc trong định kiến, nay họ có thêm nhiều điều kiện, cơ hội có những lối đi riêng, đóng góp tích cực cho xã hội.
Bạn Mạnh Chinh (tên thật là Nguyễn Thị Mỹ Trinh, SN 2001, ở phường Trần Phú, TP Quy Nhơn) là sinh viên xuất sắc nhiều năm liền tại Trường ĐH Công nghệ TP Hồ Chí Minh. Sau khi ra trường, Chinh tự mở một thương hiệu thời trang riêng mang tên “PRM” do chính mình thiết kế. Đến nay, với thương hiệu PRM, Chinh đã bán được gần 500 nghìn sản phẩm, tạo việc làm cho hơn 50 công nhân may. Bên cạnh đó, Chinh còn nhận nuôi 3 em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn tại tỉnh Hà Giang với mức hỗ trợ 1,5 triệu đồng/em/tháng.
Mạnh Chinh trong một chuyến từ thiện, trao quà cho người có hoàn cảnh khó khăn tại TP Hồ Chí Minh. Ảnh: NVCC
Chia sẻ về hành trình “sống thật” với chính mình và con đường tạo dựng sự nghiệp riêng, Chinh cho biết đó là một cuộc chiến thầm lặng với muôn vàn nỗi niềm và thử thách.
“Điều không hề đơn giản là thay tên đổi họ, thay đổi cách xưng hô của mọi người với mình. Tôi trân trọng cái tên mà mẹ đặt, nên chỉ làm chệch đi một tý để bớt “nữ tính”. Cái tên PRM cũng xuất phát từ tháng tự hào, điều này nhắc nhở tôi luôn phải tự hào về bản thân mà tiếp tục phấn đấu, đem lại những giá trị tốt đẹp cho cộng đồng”, Chinh trải lòng.
“Em tự hào bản thân là một người sống có ích, yêu thương mọi người”, đó là khẳng định của Hồ Thiên Bảo (tên thường gọi là Bảo An, SN 1999, ở TX Hoài Nhơn). Bảo An đang là chủ một quán cà phê sách, là thành viên của nhóm thiện nguyện Hạnh Tâm (nhóm từ thiện do các bạn trẻ chuyển giới thành lập tại TP Hồ Chí Minh). Là người Bình Định, mỗi chuyến về quê, Bảo An tranh thủ thăm hỏi những trường hợp khó khăn tại quê hương để kết nối với nhóm từ thiện hỗ trợ kịp thời.
Bảo An kể: “Khi biết mình chỉ có tình cảm với nam giới, em đã dằn vặt bản thân rất nhiều dù ba mẹ không gây áp lực về vấn đề này. Em chọn tên mình là Bảo An để dặn lòng mình cho dù sinh ra dưới hình thức nào, em cũng phải sống có ích, an lành và hòa thuận với mọi người. Dịp tháng 6 này, em không chọn những cuộc tụ tập với hội chuyển giới mà trở về nhà thăm ba mẹ để bày tỏ sự biết ơn vì ba mẹ đã chấp nhận và cho em một cuộc đời mới”.
Những tín hiệu tích cực
Tháng Tự hào có nguồn gốc từ một cuộc bạo loạn lịch sử tại TP New York (Hoa Kỳ) vào tháng 6.1969. Sau khi quán bar dành cho người đồng tính Stonewall Inn bị cảnh sát đột kích, tất cả người chuyển giới trong thành phố đã đứng lên biểu tình nhằm phản đối sự phân biệt đối xử của xã hội lúc bấy giờ.
Ngày 27.11.2023, Dự thảo Luật Chuyển đổi giới tính đầu tiên được lấy ý kiến công khai. Theo kế hoạch, Dự thảo luật này sẽ trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10.2024) và thông qua tại kỳ họp thứ 9 (tháng 5.2025). Dự thảo Luật quy định lại định nghĩa về người chuyển đổi giới tính và các quyền cơ bản của họ. Trong đó, quy định “được thay đổi thông tin giới tính trên các giấy tờ tùy thân sau khi được công nhận là người chuyển đổi giới tính” được xem là hành lang pháp lý vững chắc để bảo vệ đối tượng đặc thù, dễ bị tổn thương này.
Bên cạnh đó, người chuyển giới cần nhất là sự ủng hộ của người thân và sự tôn trọng của cộng đồng. Hiện nay, trên các trang mạng xã hội, cư dân mạng đã thẳng thắn lên án những hành vi chế giễu, dè bỉu cộng đồng LGBT của một số người. Song song với đó, những gương người chuyển giới nỗ lực vươn lên cũng đã truyền cảm hứng đến rất nhiều người. Đây cũng là tín hiệu vui cho thấy người chuyển giới đã được công nhận là “một phần làm nên thế giới”.
Bạn Bảo An chia sẻ, bất kể ai cũng đều có những mặt tốt và xấu. Điều mà người chuyển giới thấy vui nhất là họ không còn bị xã hội công kích xu hướng tình dục, định hướng giới tính nếu mắc phải sai lầm. Trước kia, bất kể hình ảnh phản cảm nào của người chuyển giới được lan truyền, mọi người sẽ bàn tán và cho rằng LGBT là bệnh hoạn. Bây giờ, khi phê bình điều gì đó, mọi người góp ý rất lịch sự. Đặc biệt, trong học tập, môi trường làm việc, thái độ của mọi người cũng nhiều tôn trọng hơn”.
Chị Nguyễn Thị Minh Châu (mẹ của bạn Mạnh Chinh, ở phường Trần Phú, TP Quy Nhơn) cho biết: “Tôi chọn đồng hành và hướng dẫn cháu các kỹ năng sống và phòng tránh các nguy cơ. Hơn 20 năm nuôi con, lần đầu tiên tôi thấy Chinh bật khóc trong hạnh phúc, đó là lúc tôi đề nghị cháu dẫn bạn gái về nhà “ra mắt” gia đình. Mỗi người chỉ có một cuộc đời để sống, tôi tự hào vì cháu đã nỗ lực rất nhiều”.
NGUYỄN XUÂN