Hướng đi mới từ cây dó bầu
Với mong muốn làm giàu trên chính mảnh đất quê hương cùng với niềm say mê cấy ghép, trồng khảo nghiệm các giống cây mới, ông Đinh Văn Ếc (SN 1977, dân tộc H’re, ở thôn 8, xã An Trung, huyện An Lão) đã đưa cây dó bầu vào trồng thử nghiệm và cho hiệu quả giá trị kinh tế cao.
Năm 1996, ông Ếc thường theo cha vào những cánh rừng sâu thu lượm các sản vật tự nhiên trên những cánh rừng ở xã An Toàn (An Lão) và xã Ba Chùa (huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi), tận mắt thấy được những cây dó bầu tự nhiên. Khi nghe cha kể về công dụng và giá trị của cây dó khi tạo ra trầm hương, ông có suy nghĩ sẽ đưa giống cây này về trồng. Đến năm 2004, ông vào rừng thu hái hạt cây dó tự nhiên, đem về tự học cách ươm giống và trồng trên diện tích đất của gia đình.
Với phương châm lấy ngắn nuôi dài, thời điểm đó, ông Ếc trồng xen cây dó bầu với keo lai, tràm... để tiện chăm sóc. Cần cù, ham học hỏi, ông tự học các kiến thức chăm sóc cây dó, tạo trầm, áp dụng thành công các tiến bộ KH-KT. Sau 10 năm chăm sóc, ông đã có gần 10.000 cây dó bầu trên diện tích 5 ha. Bình quân cây cao 6 - 10 m, đường kính trung bình từ 10 - 30 cm. Hiện có hơn 5.000 cây vào mùa khai thác.
Ông Đinh Văn Ếc kiểm tra một cây dó bầu trong vườn. Ảnh: T.C
Ông Ếc đang chăm sóc và bán cây dó theo hình thức “gối đầu”, sau mỗi 2 - 3 năm chăm sóc, ông xuất bán một lần. Ông vừa bán cho thương lái tại tỉnh Quảng Nam, Lâm Đồng, Đồng Nai gần 3.000 cây tại vườn, với giá bán 12.000 - 15.000 đồng/kg thân gỗ, lãi hơn 700 triệu đồng. Ngoài tăng thêm thu nhập cho gia đình, ông còn tạo việc làm thường xuyên cho 5 lao động làm thời vụ với mức lương ổn định 200 nghìn đồng/người/ngày.
Bà Đinh Thị Xư, Phó Chủ tịch UBND xã An Trung, đánh giá: Ông Đinh Văn Ếc là người đầu tiên mạnh dạn trồng cây dó bầu tại địa phương, mang lại hiệu quả kinh tế cao, nhiều người dân trong xã đến nhà ông học hỏi kinh nghiệm trồng. Để người dân có kinh nghiệm trồng, chăm sóc cây, tới đây, xã sẽ đề nghị Hội Nông dân tỉnh, huyện tổ chức một số hội nghị, lớp tập huấn về kỹ thuật trồng cây dó, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho địa phương, góp phần mở ra hướng đi mới mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân.
TRIỀU CHÂU