CHÀO MỪNG ÐẠI HỘI ÐẠI BIỂU CÁC DÂN TỘC THIỂU SỐ HUYỆN VĨNH THẠNH LẦN THỨ IV, NHIỆM KỲ 2024 - 2029
Trao “cần câu” cho lao động dân tộc thiểu số
Xác định công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, nhất là lao động dân tộc thiểu số là nhiệm vụ quan trọng, thời gian qua, huyện Vĩnh Thạnh đã mở nhiều lớp đào tạo nghề theo phương châm “cầm tay, chỉ việc”. Trong đó, chú trọng các nghề nông nghiệp, giúp người dân tiếp cận với KHKT, từng bước phát triển kinh tế hiệu quả.
Trao “cần câu” thoát nghèo
Là huyện miền núi có tỷ lệ dân số là người dân tộc thiểu số (DTTS) cao, từ nhu cầu thực tế của người lao động và thế mạnh của các địa phương, huyện Vĩnh Thạnh đã tổ chức các lớp dạy nghề nông nghiệp phù hợp. Điển hình như kỹ thuật nhân giống nấm; chăm sóc cây có múi (cam, quýt, bưởi); trồng rau; phòng trị bệnh cho đàn gia súc, gia cầm... Qua các lớp dạy nghề, người lao động đã nắm vững được các kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi và áp dụng KHKT hiệu quả vào sản xuất, góp phần tăng thu nhập cho gia đình.
Trường hợp gia đình bà Đinh Thị Huya (SN 1977, dân tộc Bana ở làng Thạnh Quang, xã Vĩnh Hiệp, thuộc diện hộ nghèo) là một điển hình. Năm 2021, được sự tư vấn của Hội Nông dân xã, bà mạnh dạn vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng CSXH huyện để đầu tư xây dựng chuồng trại, nhập gần 100 con gà giống về nuôi. Tuy nhiên, do bà chưa nắm được kỹ thuật chăm sóc nên đàn gà bị mắc bệnh, chết nhiều.
Đến tháng 9.2023, bà Huya được Hội Nông dân xã đăng ký cho đi học lớp sơ cấp nghề Kỹ thuật nuôi và phòng trị bệnh cho gà khóa 5 do Phòng LĐ-TB&XH huyện tổ chức tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX) huyện. Trong 3 tháng, bà được hướng dẫn kỹ thuật chọn gà giống, cách phối trộn thức ăn, sử dụng thuốc thú y phòng trị các loại bệnh thường gặp... Sau khi áp dụng những kiến thức đã học vào thực tế, kết quả sản xuất của gia đình được cải thiện rõ, từ sản lượng đến chất lượng.
Cán bộ Hội Nông dân xã Vĩnh Hiệp, Trung tâm GDNN-GDTX huyện giúp đỡ, hướng dẫn kỹ thuật nuôi gà cho bà Đinh Thị Huya. Ảnh: D.Đ
Đàn gà của bà Huya hiện có gần 500 con. Cứ sau 4 tháng nuôi, bà xuất bán cho thương lái gần 350 con gà sống, với mức giá 80 - 120 nghìn đồng/kg, lãi khoảng 25 triệu đồng, cho nguồn thu nhập ổn định. “Để mở rộng sản xuất, tăng thu nhập, tôi đang làm hồ sơ để vay thêm vốn từ ngân hàng CSXH huyện để mua con giống, phát triển đàn mới, cùng định hướng xây dựng thương hiệu “Gà sạch Mí Lợi”, đưa sản phẩm nông nghiệp sạch đến người tiêu dùng”, bà Huya nói.
Một trường hợp khác, ông Đinh Văn Vương (SN 1979, dân tộc Bana, ở thôn Thạnh Quang, xã Vĩnh Hiệp) được Hội Nông dân xã đăng ký cho đi học lớp sơ cấp nghề Kỹ thuật trị bệnh cho bò khóa 3 (năm 2022) do phòng LĐ-TB&XH huyện tổ chức học tại Trung tâm GDNN-GDTX huyện. Nhờ áp dụng các kỹ thuật được học vào chăn nuôi, sau 2 năm, đàn bò của ông từ 4 con đã phát triển lên 10 con, cho hiệu quả kinh tế cao.
Ông Vương cho biết: “Nuôi bò sợ nhất là bò bệnh, mình mất vốn. Tham gia lớp nghề, tôi biết thêm nhiều kỹ năng phòng bệnh, chữa bệnh mới cho bò, cùng với kinh nghiệm đã có, việc chăn nuôi ngày càng hiệu quả hơn”.
Đào tạo nghề gắn với nhu cầu thực tế
Theo Phòng LĐ-TB&XH huyện Vĩnh Thạnh, giai đoạn 2022 - 2023, thực hiện Dự án 4 về Phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững (thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững), huyện đã tổ chức đào tạo 24 lớp nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp cho 840 lao động nông thôn (35 học viên/lớp). Tỷ lệ lao động có việc làm sau khi học nghề đạt gần 80%, với nguồn thu nhập ổn định từ 5 - 8 triệu đồng/người/tháng.
Để công tác đào tạo nghề đạt hiệu quả cao, theo Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX huyện Vĩnh Thạnh Trần Thành Thái, hằng năm, Trung tâm thường xuyên phối hợp với Phòng LĐ-TB&XH huyện rà soát, nắm bắt trình độ, nhu cầu học nghề trên thực tế của người lao động tại từng địa bàn theo từng nghề, tiềm năng sản xuất của địa phương, tránh tình trạng đào tạo tràn lan không có định hướng, thiếu hiệu quả.
Giáo viên Trung tâm GDNN-GDTX huyện hướng dẫn học viên thực hành kỹ thuật làm luống, trồng rau an toàn tại xã Vĩnh Sơn. Ảnh: ĐVCC
“Đa số học viên tham gia học nghề là người DTTS, đối tượng chính sách, hộ nghèo, cận nghèo. Vì vậy, Trung tâm chọn hình thức vừa học, vừa làm để tạo điều kiện thuận lợi cho học viên. Đặc biệt, với các lớp nghề nông nghiệp, giáo viên của Trung tâm sẽ cho thực hành trực tiếp tại vườn, đàn vật nuôi của gia đình, giúp học viên tiếp thu kiến thức và áp dụng vào thực tiễn hiệu quả hơn”, ông Thái chia sẻ.
Theo Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh Tô Hiếu Trung, để công tác đào tạo nghề đạt hiệu quả cao trong thời gian tới, UBND huyện sẽ đề nghị MTTQ và các tổ chức thành viên ở địa phương tăng cường tuyên truyền cho người dân hiểu rõ về lợi ích của việc tham gia các lớp đào tạo nghề, từng bước chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn. Chỉ đạo cho Phòng LĐ-TB&XH huyện, đơn vị đào tạo nghề tăng cường gắn kết với các công ty, DN có nhu cầu tuyển dụng lao động, để người lao động sau khi đào tạo có việc làm, tạo nguồn thu nhập ổn định.
Đồng thời, duy trì công tác điều tra, rà soát nhu cầu học nghề để chọn các ngành nghề phù hợp cho từng đối tượng, sát với nhu cầu của người dân, phù hợp với tình hình phát triển KT-XH của các địa phương; phối hợp thực hiện tốt chính sách hỗ trợ lao động nông thôn tham gia học nghề. Đẩy mạnh việc lồng ghép đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn với các dự án thuộc 3 chương trình mục tiêu quốc gia đang triển khai trên địa bàn huyện.
DUY ĐĂNG