Chuyện về vị tướng Nguyễn Đăng Lâm thời Tây Sơn
Tại nhà từ đường dòng họ Nguyễn Đăng ở thôn Chánh Lạc, xã Cát Tường (huyện Phù Cát) còn lưu giữ hai văn bản quý thời vua Cảnh Thịnh triều Tây Sơn liên quan đến Nguyễn Đăng Lâm - một vị tướng có nhiều công lao đóng góp cho triều đình. Tự hào dòng họ có cụ tổ yêu nước, con cháu gia tộc Nguyễn Đăng tiếp nối truyền thống đóng góp nhiều vào các phong trào ở địa phương.
Tư liệu quý về một võ tướng
Hai văn bản thời vua Cảnh Thịnh được gia tộc Nguyễn Đăng lưu giữ, thờ phụng tại nhà ông Nguyễn Đăng Chi, trưởng họ - cháu đời thứ 10 của cụ Nguyễn Đăng Lâm, ở thôn Chánh Lạc, xã Cát Tường (huyện Phù Cát). Trải qua thời gian, hai văn bản này bị hư hại nhiều chỗ, nhưng phần chữ Hán thể hiện nội dung sắc phong vẫn còn đọc được tương đối đầy đủ.
Nhà nghiên cứu Hán Nôm, TS Võ Minh Hải (Trường ĐH Quy Nhơn) đã phiên âm và dịch nghĩa hai văn bản này, gồm sắc phong đóng ấn triện Sắc mệnh chi bảo, ban ngày 24.2 năm Cảnh Thịnh thứ 4 (1796), có nội dung: Ông Nguyễn Đăng Lâm, là chỉ huy sứ vệ thứ 5 của quân Hổ Dực, là người tính khí rắn rỏi, từng có kế lớn, vận mau như rồng gặp mây, công lao đóng góp trải nhiều năm nên gia tặng chức Hộ quân sứ, Hùng liệt tướng quân, tước Phú Nhuận hầu, tiếp tục để sai phái trong quân. Cho nên, vốn (Nguyễn Đăng Lâm) là kẻ có công, xung trận thì tỏ dũng khí tiên phong giết địch, trong quân thì mệnh lệnh rõ ràng, hết lòng đem thân báo đền sự đãi ngộ của bề trên. Hay cung kính tuân theo! Nên nay ban sắc.
Khu nhà từ đường gia tộc Nguyễn Đăng thờ tướng Nguyễn Đăng Lâm tại thôn Chánh Lạc, xã Cát Tường, huyện Phù Cát. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Văn bản thứ hai là đạo khâm phó (tức bản thông báo) đóng ấn triện Thiếu Truyền chi bảo, ban ngày 22.4 năm Cảnh Thịnh thứ 8 (1800) nội dung như sau: Chuẩn y và thông báo của một viên thống soái, tước Thiếu truyền công. Kê. Chuẩn y và thông báo cho Hậu quân đồn phó Phú Nhuận hầu, Nguyễn Đăng Lâm thuộc đạo Tả Bật, đội Chánh Lạc, phường An Hoài, xã Nha Đăng, huyện Phù Ly, phủ Quy Nhơn, là kẻ có thâm niên chinh chiến, có công lao nên giao chức Đô ty, tước Phú Lộc hầu, tiếp tục quản lãnh quân viên trong vệ, lo việc nhung vụ, sau sẽ báo lên trên để lãnh thực chức.Việc ban khâm phó này đều tuân thủ theo quy định nên việc thực thi chức phân cần tuân quân pháp, nếu sai khác có pháp luật nghiêm trị. Nay chuẩn và thông báo”.
Qua hai văn bản thời vua Cảnh Thịnh, ta có thể biết được tướng Nguyễn Đăng Lâm là người có công lớn, chinh chiến nhiều năm hết lòng tận trung với vương triều Tây Sơn, với đất nước. Ông giữ chức chỉ huy sứ vệ thứ 5 của quân Hổ Dực (Chỉ huy sứ là chức quan võ hàm chánh tam phẩm), năm 1796 được vua Cảnh Thịnh gia tặng chức Hộ quân sứ, Hùng liệt tướng quân, tước Phú Nhuận hầu. Đến năm 1800, Nguyễn Đăng Lâm được giao chức Đô ty (cũng là chức quan võ hàm chánh tam phẩm quản lý quân đội của một trấn/tỉnh hoặc khu vực tương đương cấp hành chính thời đó), tước Phú Lộc hầu, tiếp tục quản lãnh quân viên thực thi theo chức vụ. Qua nội dung ghi chép trong các văn bản, cũng biết được đơn vị hành chính của thôn Chánh Lạc, xã Cát Tường dưới thời Tây Sơn thuộc phường An Hoài, xã Nha Đăng, huyện Phù Ly, phủ Quy Nhơn.
Tự hào truyền thống gia đình
Dẫn chúng tôi đến từ đường gia tộc Nguyễn Đăng, ông Nguyễn Đăng Chi, trưởng họ - cháu đời thứ 10 của cụ Nguyễn Đăng Lâm, cho biết: “Con cháu gia tộc không biết rõ cụ tổ Nguyễn Đăng Lâm sinh năm nào, chỉ nghe các cụ đời trước trong dòng họ lưu truyền lại, cụ tổ vốn là võ tướng triều Tây Sơn, nhiều lần tham gia chiến trận và có công lớn. Cụ mất cuối năm 1800 được an táng tại thôn Cù Lâm, xã Nhơn Lộc (TX An Nhơn) hiện nay”.
Năm 1992, con cháu gia tộc Nguyễn Đăng xây dựng nhà từ đường thờ cụ Nguyễn Đăng Lâm. Đến năm 2015, chính quyền địa phương cấp đất cho gia tộc mở rộng khuôn viên và xây dựng mới lại ngôi nhà từ đường khang trang hơn nằm cạnh bên nhà từ đường cũ để thờ Nguyễn Đăng Lâm, cũng là thể hiện sự tri ân, tôn vinh tiền nhân có công lao lớn đối với đất nước.
Hai văn bản thời Cảnh Thịnh ban cho Nguyễn Đăng Lâm. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Ông Nguyễn Đăng Bằng, chi 1 họ Nguyễn Đăng - cháu đời thứ 10 của cụ Nguyễn Đăng Lâm, cho biết: Gia tộc Nguyễn Đăng ở đây chia ra 4 chi phái. Hằng năm, vào ngày mùng 6 tết Nguyên đán, con cháu gia tộc tập trung về đi giẫy mả cụ tổ Nguyễn Đăng Lâm tại thôn Cù Lâm, xã Nhơn Lộc, rồi về nhà từ đường tiến hành giỗ cụ tổ. Ngày giẫy mả và giỗ cụ tổ, chúng tôi cùng ôn lại truyền thống lịch sử hào hùng của vương triều Tây Sơn để cho các thế hệ trẻ trong gia tộc tự hào, gắng sức học tập, làm việc đóng góp cho quê hương, đất nước.
Khu nhà từ đường gia tộc Nguyễn Đăng còn được xem là địa điểm giáo dục về lịch sử, truyền thống yêu nước cho các thế hệ học sinh, ĐVTN và nhân dân thôn Chánh Lạc nói riêng, xã Cát Tường nói chung. Dịp hè hằng năm, gia tộc Nguyễn Đăng tổ chức hoạt động khen thưởng cho con cháu có thành tích học tập tốt trong năm học từ cấp tiểu học đến đại học; đồng thời, đóng góp vào quỹ khuyến học của thôn, xã để khen thưởng, động viên tinh thần cho học sinh, sinh viên ở địa phương phấn đấu học tập tốt.
Ông Nguyễn Văn Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Cát Tường, chia sẻ: Không chỉ con cháu gia tộc Nguyễn Đăng mà cán bộ và nhân dân ở địa phương cũng rất tự hào khi quê hương Cát Tường vinh dự có vị tướng vương triều Tây Sơn là Nguyễn Đăng Lâm. Cùng với gia tộc Nguyễn Đăng, các gia tộc họ Trần, họ Nguyễn ở xã cũng có nhiều đóng góp trong khuyến học, khuyến tài, góp phần lan tỏa xây dựng xã hội học tập ở địa phương. Xã sẽ tạo điều kiện để gia tộc Nguyễn Đăng mở rộng, nâng cấp khu nhà từ đường để trở thành địa chỉ về nguồn cho thế hệ trẻ, cũng như hướng tới tạo điểm đến di tích lịch sử, văn hóa phục vụ du lịch.
ĐOÀN NGỌC NHUẬN