Nguyễn Hữu Duyên và tình ca cho quê nhà
Người ta biết Nguyễn Hữu Duyên nhiều với vai trò một người viết văn, làm công tác Hội VHNT. Ít ai biết rằng, anh cũng bén duyên với âm nhạc từ lâu, nhưng gần đây anh mới thể hiện rõ điều ấy, khi sáng tác nhiều ca khúc dòng nhạc trữ tình và có buổi giới thiệu 12 tình khúc với chủ đề “Dòng sông yêu thương” tại quê nhà An Nhơn.
1.
Trò chuyện cùng chúng tôi, anh nhận ngay mình không phải là một nhạc sĩ chuyên nghiệp, vì yêu thích mà anh mượn giai điệu để chia sẻ thêm những cảm xúc và sự đồng điệu của mình. Những năm gần đây, anh phổ nhạc cho thơ của nhiều bạn bè, đi trên một mạch chảy xuyên suốt của dòng nhạc trữ tình.
Anh bộc bạch: Cách đây tròn 50 năm, mình viết ca khúc “Hoa ngọc anh”, như một lời chia tay với Trường Trung học công lập Đào Duy Từ. Năm 1982, mình viết ca khúc “Tình ca nông trường” dành tặng cho người phụ nữ của đời mình. Phải đến năm 2020, mình mới bắt tay vào viết ca khúc phổ từ thơ của anh em, bạn bè văn nghệ. Viết ca khúc, nhất là những tình ca cho quê hương khiến mình thêm yêu cuộc sống nhiều hơn, bao dung hơn.
Lặng lẽ tại góc quán quen bên thành Bình Định, những chiều nhập nhoạng, từng âm điệu cứ vang lên từ cây guitar cũ. Qua bao năm mưu sinh cơm áo gạo tiền, anh đến với việc viết ca khúc như là cách thư giãn, tìm lấy niềm vui, tự nạp năng lượng cho mình bằng những cung bậc của âm thanh. “Sau 4 năm, mình viết hơn 30 ca khúc. Trong đó, có một số bài mình khá thích, như: Mưa chiều Tây Sơn Thượng (thơ Phạm Văn Phương); Cây Bông, Chợ Rượu (thơ Lê Vinh); Phù điêu (thơ Kim Tiết); Nhớ biển (thơ Trần Thị Uyên); Khoảng trống phía sau em (thơ Khổng Trường Chiến)...”, anh chia sẻ.
Nguyễn Hữu Duyên sinh năm 1956, quê Nhơn Khánh, TX An Nhơn, hiện là hội viên Chi hội Văn học (Hội VHNT Bình Định). Anh từng là Phó Chủ tịch Hội VHNT An Nhơn, từng in tập truyện Nụ hôn muộn (NXB Hội Nhà văn, 2020).
2.
Tháng 6.2024 tại An Nhơn, Nguyễn Hữu Duyên đã tổ chức chương trình âm nhạc giới thiệu 12 tình khúc phổ thơ của anh với chủ đề “Dòng sông yêu thương”. Bạn bè của anh là các văn nghệ sĩ từ nhiều nơi trong tỉnh tụ về, làm nên một buổi gặp gỡ, giao lưu và trình diễn âm nhạc trong không khí nồng ấm, trữ tình. Nhạc của Nguyễn Hữu Duyên có giai điệu êm đềm, du dương, đôi khi có những quãng âm rộng phóng khoáng.
Hữu Duyên cố gắng bắt lấy tinh thần của bài thơ, để có cách truyền tải qua giai điệu cho phù hợp. Vì thế âm nhạc của anh mang đến cảm giác thư thái, dễ đi vào lòng người; khiến người nghe như lắng lại, miên man theo những tình khúc ngọt ngào. Trò chuyện với bạn bè, Nguyễn Hữu Duyên thường vui vẻ chia sẻ: “Một tác phẩm thành công đầu tiên phải đi vào lòng người, mà người đầu tiên cần phải chinh phục chính là tác giả bài thơ mà mình chọn phổ”. Thoạt nghe thì có vẻ đơn giản, nhưng ngẫm kỹ lại thấy ngược lại.
Bài thơ “Bến nước” của Nguyễn Như Tuấn mang trong đó rất nhiều hình ảnh xúc động. Cộng hưởng với tình cảm toát lên từ đó, khi phổ nhạc, chất trữ tình của Nguyễn Hữu Duyên không chỉ là về tình yêu đôi lứa mà cao hơn còn dành cho những người đã góp phần gìn giữ giá trị bất diệt mà cha ông để lại. Khi âm điệu của ca khúc này vang lên, bóng dáng của những người mẹ, người chị trải dài qua năm tháng, qua những giai đoạn cơm vắt chan mưa, muối thơm tình nghĩa hiện lên thân thương. Bóng dáng ấy cứ lặng lẽ như một đời sông bồi tụ thầm lặng, như một bến nước sáng mãi trong lòng thế hệ mai sau. “Nuôi anh em dưới hầm. Như nuôi con trong dạ. Nắm cơm vắt chan mưa. Hạt muối thơm tình nghĩa/ Căn hầm nhỏ nuôi cha/ Căn hầm nhỏ nuôi con/ Lớn theo bóng đời chị/ Nhọc nhằn quên xót xa/ Cây mỗi ngày một lớn/ Người mỗi ngày một già/ Chị vẫn là bến nước/ Sáng trong hồn chúng ta” (Bến nước).
3.
Mỗi tình khúc như một món quà nhỏ anh dành cho bè bạn, những ca từ phổ thơ ngân rung mượt mà, đằm thắm. Hiếm hoi trong chương trình, anh giới thiệu đến người nghe nhạc phẩm do anh sáng tác nhạc và lời - tình khúc “Dòng sông yêu thương”. Nếu yêu thương là một dòng sông thì hạnh phúc như nguồn nước luôn nâng niu cảm xúc, luôn nồng nàn và thấm đẫm như lời tâm sự của tác giả gửi đến người bạn đời của mình những ngày xa cách. “Bây giờ chưa được gần nhau. Còn bao thương nhớ gửi đầu dòng sông” (Dòng sông yêu thương).
Âm nhạc của Nguyễn Hữu Duyên ấm áp với nhiều kỷ niệm đẹp. Anh tâm sự: Dòng nhạc tình là dòng nhạc mà tôi mãi yêu thương, dành sự chú tâm sáng tác. Với tôi, “Dòng sông yêu thương” là buổi biểu diễn âm nhạc đạt kết quả như mong đợi sau bao năm ấp ủ, được bạn bè anh em xa gần đến chung vui, chia sẻ. Có được sự thành công này phải nói đến sự ủng hộ nhiệt tình từ tinh thần đến vật chất của bạn bè yêu thương văn nghệ trong và ngoài TX An Nhơn.
Nhạc sĩ Nguyễn Thế Tuyên, Chi hội trưởng Chi hội Nhạc sĩ Việt Nam tại Bình Định, chia sẻ: Tôi gặp Nguyễn Hữu Duyên ở Hội VHNT Bình Định mấy năm trước khi anh về cộng tác với Tạp chí Văn nghệ Bình Định. Biết anh là người sáng tác, viết văn, sống ân cần và giản dị. Anh đã từng chữa lỗi chính tả cho lời một bài hát của tôi. Thời gian sau, anh chuyển về An Nhơn và cũng từ đó thỉnh thoảng tôi thấy bài hát phổ thơ của anh được nhiều bạn bè hưởng ứng. Vậy là có thêm một niềm vui khi xứ mình có thêm một nhạc sĩ nữa. Tôi thực sự thích thú bởi sự đa tài của anh.
NGUYỄN VĂN