Gìn giữ nét đẹp nghề dệt thổ cẩm
Theo thời gian, nhiều nét văn hóa của các dân tộc thiểu số đang dần mai một, chủ yếu vì không có lực lượng kế cận. Song hiện nay, ở làng Hà Văn Trên (xã Canh Thuận, huyện Vân Canh) vẫn còn nhiều phụ nữ Bana đã và đang lặng thầm giữ gìn, trao truyền nghề dệt thổ cẩm truyền thống.
Theo chân Phó Chủ tịch UBND xã Canh Thuận Đinh Thị Xuân Bông, chúng tôi đến thăm nhà bà Đinh Thị Liên (73 tuổi). Dưới ngôi nhà sàn nhỏ là những khung dệt, chỉ màu, cùng những sản phẩm thổ cẩm do chính tay bà tạo ra. Vừa tiếp chuyện chúng tôi, tay bà vẫn thoăn thoắt đan từng sợi chỉ màu để tạo ra những họa tiết ban đầu cho tấm thổ cẩm. Đôi lúc công việc lại bị ngắt quãng vì có hàng xóm sang hỏi về kỹ thuật dệt một vài chi tiết khó.
Bà Đinh Thị Liên hướng dẫn cháu gái cách đan chỉ, tạo họa tiết cho tấm vải thổ cẩm. Ảnh: T.C
Bà Liên chia sẻ, khi mới 10 tuổi, bà đã mê mẩn những chiếc áo thổ cẩm sặc sỡ hoa văn của các mẹ, các bà trong làng. Mỗi khi nghe tiếng khung dệt của mẹ đang làm trên hiên nhà, bà lại chạy đến xem hàng giờ không chán. Thấy bà ham học nên mẹ đã chỉ dạy bà cách đan chỉ, dệt và phối màu cho tấm thổ cẩm hài hòa, đẹp mắt. Niềm đam mê càng thôi thúc, bản thân bà càng học hỏi và vững tay nghề hơn. Các sản phẩm bà làm ra chủ yếu là áo, váy, khăn, mền… với họa tiết, màu sắc đa dạng.
“Những sản phẩm thổ cẩm làm ra dành tặng cho người thân trong gia đình sử dụng, xem như là tấm lòng của người bà, người mẹ dành cho con, cho cháu. Tôi vừa dệt thổ cẩm, vừa truyền dạy nghề cho thế hệ trẻ, với mong muốn các cháu sẽ gìn giữ và bảo tồn, phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc”, bà Liên tâm sự.
Chị Đinh Thị Hà (ở làng Hà Văn Trên) khoác trang phục truyền thống cho chồng trước khi tham gia một lễ cưới trong làng. Ảnh: T.C
Khác với bà Liên, các sản phẩm thổ cẩm của bà Đinh Thị Bông (48 tuổi) không đơn thuần phục vụ nhu cầu sử dụng của gia đình. Những tấm vải dệt công phu của bà Bông được nhiều người yêu thích và đặt mua, phần nào tạo động lực cho bà vì có thêm nguồn thu nhập mới.
“Trước đây, tôi dệt thổ cẩm để dành sử dụng khi có lễ hội trong làng. Nhưng 5 năm nay, nhận thấy rất nhiều người có nhu cầu mua đồ thổ cẩm, tôi dệt để bán. Một sản phẩm tôi làm từ vài tuần đến vài tháng, có giá bán từ 1 - 3 triệu đồng. Từ đầu năm 2024 đến nay, tôi đã dệt 5 sản phẩm để bán, có thêm thu nhập để trang trải cuộc sống”, bà Bông nói.
Phụ nữ Bana ở làng Hà Văn Trên luôn có ý thức gìn giữ nghề dệt thổ cẩm truyền thống. Ảnh: T.C
Bà Đinh Thị Xuân Bông cho hay, hiện trên địa bàn làng Hà Văn Trên có hơn 70 người biết dệt thổ cẩm. Để gìn giữ và phát huy nghề, UBND xã đã tích cực vận động, khuyến khích các nghệ nhân truyền dạy cho thế hệ trẻ, nhất là con cháu trong gia đình. Bên cạnh đó, xã còn đề nghị cấp trên thực hiện Đề án xây dựng điểm du lịch cộng đồng, sinh thái gắn với nghề dệt thổ cẩm, để làng trở thành một điểm văn hóa, du lịch cộng đồng; tạo điều kiện cho người dân có thêm cơ hội quảng bá, bảo tồn và phát huy sản phẩm truyền thống của dân tộc mình.
TRIỀU CHÂU