Phòng bệnh trào ngược dịch mật lên dạ dày
Khi dịch từ tá tràng trào vào dạ dày sẽ đem theo dịch mật, lúc này được gọi là hiện tượng trào ngược dịch mật. Dịch mật là chất lọc được tiết ra từ gan và dự trữ trong túi mật với đặc trưng là màu vàng hơi xanh. Vai trò của dịch mật là tiêu hóa chất béo, giúp hấp thụ các vitamin tan trong dầu như A, D, E, K; kích thích tăng tiết và hoạt hóa dịch tụy, dịch ruột; tạo môi trường kiềm ở ruột, kích thích nhu động ruột...
Ợ nóng, có cảm giác nóng rát ở vùng ngực - Cảnh giác với trào ngược dịch mật.
Trong quá trình tiêu hóa thức ăn, một phần dịch mật được đẩy xuống tá tràng thông qua túi mật và ống dẫn mật. Giữa ruột và dạ dày có van môn vị luôn đóng mở nhịp nhàng, chỉ mở ra khi có thức ăn xuống ruột và đóng lại ngay để ngăn không cho dịch thức ăn ở ruột trào ngược vào dạ dày. Khi dịch từ tá tràng trào vào dạ dày sẽ đem theo dịch mật, lúc này được gọi là hiện tượng trào ngược dịch mật.
Nguyên nhân của trào ngược dịch mật lên dạ dày là do viêm loét dạ dày - tá tràng, các tổn thương do viêm loét dễ dẫn đến trào ngược dịch mật. Phẫu thuật túi mật: Sự gia tăng thêm trào ngược dịch mật ở người đã phẫu thuật cắt bỏ túi mật, ví dụ như viêm túi mật cấp tính, sỏi túi mật, viêm teo túi mật, u túi mật. Biến chứng sau phẫu thuật cắt dạ dày: Các trường hợp phải phẫu thuật cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ dạ dày thì có thể gây tác động đến cơ môn vị, khiến cho phần cơ môn vị đóng mở không kín, dịch mật sẽ bị trào ngược lên.
Theo các bác sĩ chuyên khoa, triệu chứng hay gặp của trào ngược dịch mật là đau bụng thượng vị, đau tức hay từng cơn; cảm giác nóng rát cồn cào vùng ngực, bụng trên; ợ nóng, đắng miệng; ho khan khàn giọng, buồn nôn và nôn ra chất lỏng màu vàng xanh. Vì dịch mật có màu vàng xanh và có vị đắng nên dễ dàng nhận biết hơn là trào ngược dạ dày thông thường. Ngoài ra, có triệu chứng khác như rối loạn tiêu hóa, đầy bụng, khó tiêu, ăn không ngon, sụt cân…
Để phòng bệnh cần chia nhỏ bữa ăn, không ăn quá no. Sau khi ăn là lúc dịch mật được tiết ra nhiều nhất, nếu nằm ngay dịch mật sẽ dễ dàng di chuyển lên dạ dày và thực quản. Một số thực phẩm không nên ăn như sôcôla, bạc hà, đồ chua, cay, dầu mỡ… Hạn chế uống rượu bia và chất kích thích. Không thức khuya, ngủ đủ giấc, nghỉ ngơi hợp lý. Luôn giữ tinh thần thoải mái, tránh căng thẳng stress. Đối với người bệnh trào ngược không nên tập các động tác xoắn vặn cơ bụng như cầu lông, tennis, thể hình cơ bụng… Duy trì thể dục phù hợp và cân nặng hợp lý giúp giảm nguy cơ trào ngược. Sử dụng gối nệm chống trào ngược. Đây là biện pháp đơn giản giúp dịch mật và dịch dạ dày khó trào ngược lên.
MINH PHƯỢNG (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh)