Vì sao chi phí khám chữa bệnh BHYT tăng?
Quỹ BHYT chi cho khám chữa bệnh BHYT trong 5 tháng đầu năm nay của tỉnh hơn 464 tỷ đồng; tăng 23,8% so với cùng kỳ năm 2023, cao hơn tốc độ gia tăng chung toàn quốc 6,1%.
Thông tin trên được BHXH tỉnh báo cáo UBND tỉnh và BHXH Việt Nam (theo số liệu trên phần mềm giám sát đến tháng 6.2024), theo Nghị định 75/2023 của Chính phủ.
Nhiều nguyên nhân
Theo ông Trương Đề, Phó Giám đốc BHXH tỉnh, một số tồn tại, khó khăn, vướng mắc được xác định đó là việc thanh toán giá một số thuốc, vật tư y tế trong tỉnh có giá trúng thầu cao hơn so với tỉnh khác làm tăng chi phí KCB BHYT của tỉnh; tỷ lệ nhập viện nội trú của một số cơ sở KCB tăng cao so với bình quân chung của khu vực và toàn quốc, nhưng hiện nay phần lớn cơ sở KCB trong tỉnh xây dựng tiêu chí nhập viện chỉ nói chung chung vào viện điều trị nội trú theo chỉ định của bác sĩ, chưa quy định cụ thể dấu hiệu, triệu chứng cần nhập viện để điều trị nội trú.
BVĐK tỉnh tiếp nhận điều trị nhiều bệnh nhân ở các tỉnh lân cận, trong đó phần lớn là bệnh nhân nặng, chi phí điều trị lớn, như bệnh nhân chạy thận nhân tạo, tim mạch can thiệp, các phẫu thuật về cột sống, sọ não…Ảnh: M.H
Bên cạnh đó, việc kê thêm giường bệnh được thực hiện theo quy định tại Điều 145 Nghị định số 96/2023/NĐ-CP của Chính phủ, tuy nhiên hướng dẫn kê thêm giường bệnh thì thực hiện tại Điều 6 Thông tư số 22/2023/TT-BYT của Bộ Y tế vẫn còn hiệu lực. Từ sự chồng chéo giữa nghị định và thông tư dẫn đến việc không thống nhất trong thanh toán tiền giường nằm ghép giữa cơ quan BHXH và ngành Y tế.
Tăng chi nhưng việc chi liệu đã đúng, liệu người bệnh có được hưởng lợi không là điều nhiều người quan tâm. Khẳng định việc chi phí KCB BHYT những tháng đầu năm 2024 tăng cao là phù hợp và đảm bảo quyền lợi cho người tham gia BHYT, ông Lê Quang Hùng, Giám đốc Sở Y tế phân tích, một trong những nguyên nhân cơ bản và đầu tiên phải nói đến là tăng giá dịch vụ y tế cho đối tượng người có thẻ BHYT theo Thông tư số 22/2023/TT-BYT của Bộ Y tế, thực hiện từ ngày 17.11.2023. Khi cơ cấu giá dịch vụ y tế tăng thì chi phí KCB BHYT cũng tăng lên. Tiếp đến là các chỉ số khám, chữa bệnh BHYT đầu năm nay đều tăng, từ nội trú đến ngoại trú và tăng đều ở tất cả cơ sở y tế công lập, ngoài công lập. Lý do tăng này xuất phát từ tỷ lệ bao phủ BHYT của tỉnh rất cao, đạt 96% dân số.
Một vấn đề quan trọng là các cơ sở y tế công lập của tỉnh triển khai thêm nhiều dịch vụ kỹ thuật, phát triển dịch vụ kỹ thuật mới. “Càng phát triển kỹ thuật cao thì càng thu hút bệnh nhân và chi phí KCB cũng tăng theo. Trong đó, BVĐK tỉnh có thể xem là bệnh viện vùng thu hút nhiều bệnh nhân trong tỉnh và các tỉnh lân cận, nhất là Gia Lai, Phú Yên, Quảng Ngãi chiếm 10 - 15% tùy từng thời điểm. Đây là tỷ trọng rất lớn, trong khi bệnh nhân phần lớn là bệnh nặng, bệnh vượt tuyến như chạy thận nhân tạo; tim mạch can thiệp; các phẫu thuật về cột sống, sọ não… làm gia tăng chi phí KCB BHYT”, ông Hùng chia sẻ.
Y tế tư nhân phát triển cũng tạo sức hút lớn với bệnh nhân. Yếu tố khách quan làm gia tăng chi phí KCB BHYT có một phần là các bệnh không lây nhiễm ngày càng nhiều, mức độ bệnh nghiêm trọng hơn nên chi phí điều trị lớn, như: Ung thư, đái tháo đường, tăng huyết áp, phổi tắc nghẽn mãn tính. Trong khi đó, các bệnh truyền nhiễm vẫn không giảm…
Chẩn đoán sớm, đúng ngay từ đầu
Tuy vậy, việc kiểm soát chi KCB BHYT cũng được ngành Y tế, BHXH đặt ra nhằm đảm bảo quyền lợi của người tham gia BHYT vừa thực hiện đúng quy trình chuyên môn kỹ thuật.
5 tháng đầu năm, chi phí KCB BHYT tại TTYT TP Quy Nhơn tăng 5,374 tỷ đồng (tăng 22,7%), Giám đốc Trung tâm Trần Kỳ Hậu cho biết, đơn vị xây dựng giải pháp cụ thể để can thiệp, điều chỉnh từng chi phí gia tăng. Đồng thời, tiếp tục điều chỉnh giảm ngày điều trị bình quân và chỉ định điều trị nội trú khi thật sự cần thiết để giảm chi phí thuốc, xét nghiệm, dịch vụ kỹ thuật; thường xuyên rà soát chỉ định xét nghiệm và cận lâm sàng theo đúng hướng dẫn và quy định của BHYT, đảm bảo thực sự cần thiết, tránh lạm dụng, lặp lại không cần thiết.
Ông Lê Quang Hùng cho biết, Sở Y tế chỉ đạo các cơ sở KCB tiếp tục thực hiện công tác tự kiểm tra, rà soát, phân tích chi phí KCB BHYT nhằm xác định nguyên nhân gia tăng chi phí và các chi phí bất hợp lý, không đúng quy định. Trên cơ sở đó, có các giải pháp hiệu quả để kiểm soát chi phí KCB BHYT và đảm bảo quyền lợi của người tham gia BHYT. Tuyệt đối nghiêm cấm mọi hành vi lạm dụng, trục lợi quỹ KCB BHYT.
Các đơn vị chú trọng thực hiện tốt công tác chẩn đoán bệnh để có chẩn đoán đúng ngay từ khi người bệnh nhập viện; chỉ định thuốc, xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh, thăm dò chức năng, dịch vụ kỹ thuật… phù hợp với chẩn đoán và tiên lượng bệnh.
Tiếp tục rà soát, cập nhật tiêu chuẩn nhập viện điều trị nội trú đối với người bệnh, nhằm đảm bảo nhập viện điều trị nội trú kịp thời, phù hợp với chẩn đoán và tiên lượng bệnh; tăng cường điều trị ngoại trú với các bệnh mạn tính, bệnh không lây nhiễm… Có giải pháp hữu hiệu để tiếp tục giảm ngày điều trị trung bình của người bệnh điều trị nội trú, đặc biệt TTYT tuyến huyện có ngày điều trị trung bình từ 6 ngày trở lên khẩn trương có biện pháp hiệu quả để giảm ngày điều trị trung bình. Các phòng khám đa khoa tư nhân kiểm soát trong việc thực hiện chỉ định các xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh, thăm dò chức năng… đảm bảo phù hợp với chẩn đoán.
MAI HOÀNG