Sẽ trình đề án xử lý các dự án BOT giao thông thua lỗ vào đầu tháng Tám
Bộ Giao thông Vận tải đang rốt ráo hoàn chỉnh đề án xử lý khó khăn, vướng mắc dự án BOT giao thông để sớm trình Chính phủ nhằm có các giải pháp tháo gỡ.
Song song với việc đàm phán với các nhà đầu tư, các ngân hàng để thống nhất giải pháp và xác định mức chia sẻ của các bên đối với các dự án BOT giao thông thua lỗ, Bộ Giao thông Vận tải phấn đấu trình Thường trực Chính phủ trong đầu tháng Tám.
Trạm dừng nghỉ trên dự án đường bộ cao tốc Cao Bồ-Mai Sơn. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)
Cao tốc hoàn thành, trạm dừng nghỉ đưa vào khai thác
Tại Hội nghị đánh giá kết quả công tác 6 tháng đầu năm 2024 của Bộ Giao thông Vận tải vào sáng 3.7, theo ông Lâm Văn Hoàng, Cục trưởng Cục Đường cao tốc Việt Nam, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, những tháng đầu năm, bức xúc về trạm dừng nghỉ trên các tuyến cao tốc mới đưa vào khai thác đã cơ bản được giải quyết khi các ban quản lý dự án đã triển khai hệ thống trạm dừng nghỉ tạm, đáp ứng nhu cầu trước mắt của người dân lưu thông trên tuyến.
Đến nay, 5.8 trạm dừng nghỉ thuộc 4 dự án thành phần cao tốc gồm Mai Sơn-Quốc lộ 45, Vĩnh Hảo-Phan Thiết, Phan Thiết-Dầu Giây, Cam Lâm-Vĩnh Hảo đã lựa chọn được nhà đầu tư. Dự kiến, trong tuần này, việc lựa chọn nhà đầu tư sẽ hoàn thành, tiến tới đàm phán, ký kết hợp đồng.
Song song với việc đàm phán hợp đồng, ông Hoàng cũng nhấn mạnh các bên liên quan sẽ phối hợp với nhà đầu tư hoàn thiện thủ tục liên quan bắt tay vào thực hiện công trình trạm dừng nghỉ theo tinh thần “vừa chạy, vừa xếp hàng.”
Lãnh đạo Cục Đường cao tốc Việt Nam đề nghị các địa phương cũng cần phối hợp chặt chẽ triển khai giải phóng mặt bằng, đảm bảo các công trình thiết yếu của trạm dừng nghỉ sớm có mặt bằng xây dựng.
Đối với các trạm dừng nghỉ còn lại trên tuyến cao tốc Bắc-Nam phía Đông, Cục Đường cao tốc đang phối hợp các bên liên quan hoàn thiện các thủ tục, phát hành hồ sơ mời thầu, bảo đảm khi tuyến cao tốc hoàn thành, các trạm dừng nghỉ sẽ được đưa vào khai thác.
Nói về đề án xử lý khó khăn, vướng mắc dự án BOT giao thông, Cục trưởng Cục Đường cao tốc Việt Nam cho biết Thường trực Chính phủ đã có kết luận chỉ đạo, cục đã tham mưu văn bản của bộ triển khai kết luận.
Theo kế hoạch, trong tháng Bảy này, Cục Đường cao tốc Việt Nam sẽ chủ trì làm việc với 3 địa phương để hoàn thiện báo cáo đối với 3 dự án của địa phương đồng thời sẽ tham mưu lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải đàm phán với các nhà đầu tư, các ngân hàng để thống nhất giải pháp và xác định mức chia sẻ của các bên đối với 8 dự án do bộ quản lý.
Trên cơ sở đó, Cục Đường cao tốc Việt Nam sẽ tổng hợp, hoàn chỉnh đề án, báo cáo Ban Cán sự đảng Bộ Giao thông Vận tải thông qua trước khi trình Thường trực Chính phủ trong đầu tháng Tám, phấn đấu trình Bộ Chính trị cho chủ trương trong tháng 8.2024 để kịp trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8 (khai mạc tháng 10.2024).
Cục Đường cao tốc Việt Nam đề nghị các ban quản lý dự án trước đây được giao làm chủ đầu tư cử lãnh đạo và chuyên viên phụ trách dự án, phối hợp chặt chẽ với cục trong quá trình đàm phán hoàn thiện giải pháp xử lý và hoàn thiện đề án; các cục, vụ thuộc bộ phối hợp, hỗ trợ Cục Đường cao tốc Việt Nam trong quá trình triển khai thực hiện.
Làm cao tốc 4 năm qua bằng 3 nhiệm kỳ trước cộng lại
Đánh giá các dự án đường cao tốc thường đi qua nhiều tỉnh, thành, việc phân cấp cho các địa phương làm Cơ quan chủ quản theo địa bàn, ông Hoàng đề nghị các địa phương chủ động phối hợp chặt chẽ với đơn vị được giao làm đầu mối tổ chức thực hiện về các yêu cầu kỹ thuật, định mức, đơn giá…và các thủ tục liên quan để đảm bảo đồng bộ, thống nhất trong quá trình triển khai.
Cục trưởng Lâm Văn Hoàng cũng nhấn mạnh thời gian qua việc phối hợp giữa các địa phương trong công tác điều phối nguồn vật liệu xây dựng còn chưa tốt, đề nghị các địa phương cần chủ động phối hợp chặt chẽ để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về nguồn vật liệu xây dựng; kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Nhà nước để chỉ đạo các bộ, ngành cùng hỗ trợ giải quyết theo thẩm quyền.
“Qua kiểm tra thực tế các dự án đường cao tốc đang triển khai, một số chủ đầu tư của địa phương có bộ máy quản lý dự án còn mỏng, năng lực chưa đồng đều. Đề nghị các địa phương cần tăng cường, kiện toàn bộ máy để nâng cao năng lực công tác quản lý dự án,” ông Hoàng nói.
Liên quan tới các dự án trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư, Cục Đường cao tốc Việt Nam đề nghị các địa phương phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để đẩy nhanh tiến độ thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư; đồng thời chủ động xây dựng hồ sơ mời thầu, dự thảo hợp đồng để ngay sau khi phê duyệt dự án có thể triển khai ngay công tác lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư, đáp ứng tiến độ khởi công các dự án theo yêu cầu.
Đối với các dự án có nhiều đơn vị tư vấn, Cục Đường cao tốc Việt Nam đề nghị chủ đầu tư giao một đơn vị tư vấn có năng lực, kinh nghiệm làm nhiệm vụ tổng thể, có trách nhiệm chính để kiểm soát sự phù hợp, thống nhất chung về các vấn đề kỹ thuật liên quan đến khảo sát, thiết kế cho toàn bộ dự án.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Danh Huy cho biết tính đến nay, tổng chiều dài đường bộ cao tốc trên cả nước đã được nâng lên 2.020km. Kết quả đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc 4 năm qua bằng 3 nhiệm kỳ trước cộng lại, đây là quyết tâm rất lớn.
Phát huy hiệu quả đầu tư các tuyến cao tốc, theo ông Huy, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải đã quyết liệt chỉ đạo và yêu cầu các chủ đầu tư phải đảm bảo khi cao tốc về đích phải hoàn thành đồng bộ tất cả các hạng mục liên quan: trạm dừng nghỉ, hệ thống giao thông thông minh (ITS), hệ thống thu phí không dừng (ETC)…
“Riêng công trình trạm dừng nghỉ, các ban quản lý dự án phải rà soát xem mặt bằng hiện nay đã xử lý đến đâu, còn vướng mắc gì. Tuyệt đối không để tình trạng người dân mong ngóng, nhà đầu tư đã lựa chọn, vốn đã có nhưng không có mặt bằng triển khai," Thứ trưởng Huy chỉ đạo./.
(Theo Vietnam+)