Phù Cát: Góp phần chuyển đổi nghề, tạo việc làm từ đào tạo nghề
Với mục tiêu hỗ trợ người lao động, nhất là lao động thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo có kiến thức, kỹ năng, tay nghề để tự tạo việc làm, tiếp cận thị trường lao động, 6 tháng đầu năm 2024, huyện Phù Cát đã triển khai 13 lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn.
Theo Phòng LĐ-TB&XH huyện Phù Cát, đến ngày 30.6, huyện Phù Cát đã tổ chức 13 lớp đào tạo nghề cho 388 lao động nông thôn, đạt 71,8% kế hoạch năm (mục tiêu của năm 2024 là đào tạo cho 540 lao động nông thôn). Trong số này có 328 học viên là người thuộc hộ nghèo, cận nghèo (chiếm 84,5%). 9/13 lớp là đào tạo nghề phi nông nghiệp với các nghề: Kỹ thuật chế biến món ăn, điện dân dụng, may thời trang nhằm hỗ trợ người dân chuyển đổi nghề, giảm nghèo, chuyển dịch cơ cấu lao động.
Đến thời điểm hiện tại, xã Cát Chánh hiện là địa phương tổ chức được nhiều lớp nghề nhất trên địa bàn huyện với 3 lớp/78 lao động với các nghề: Điện dân dụng, may thời trang, nuôi và phòng bệnh cho gà. Sự quan tâm chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, sự nhiệt tình, tích cực phối hợp trong khảo sát, tuyển sinh của các bộ phận liên quan đã giúp người lao động nghèo, cận nghèo tiếp cận với chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn.
Với nhiều học viên, hoàn thành việc học tập tại các lớp nghề sẽ là bước đầu mở ra cánh cửa công việc, giúp đem về nguồn thu nhập ổn định hơn để nuôi sống gia đình. Chị Huỳnh Thị Mai (25 tuổi, ở thôn Chánh Hậu, xã Cát Chánh) từng có nhiều năm làm công nhân giày da tại TP Hồ Chí Minh. Vì ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, chị trở về quê lấy chồng, sinh con nhỏ. Mong muốn trở lại với thị trường lao động, kiếm tiền để lo cho con, chị đăng ký học nghề may thời trang.
“Lớp may khởi động từ đầu tháng 4.2024, còn khoảng 2 tuần nữa là sẽ kết thúc. Từng làm việc trong xưởng may giày, bây giờ rẽ sang học nghề may thời trang, tôi định sau khi kết thúc lớp sẽ theo chị em ở quê xin việc vào làm công nhân may ở một DN nào đó tại Khu kinh tế Nhơn Hội”, chị Mai cho biết.
Phụ nữ nghèo, cận nghèo xã Cát Chánh học nghề may thời trang do giáo viên Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Phù Cát đào tạo. Ảnh: N.M.
Chị Nguyễn Thị Cùng (36 tuổi, ở thôn Phú Hậu, xã Cát Chánh) thuộc diện hộ cận nghèo cũng đang theo học lớp may thời trang. Nhiều năm làm nông, làm thuê, hiện tại chị Cùng muốn có nghề nghiệp ổn định để có thêm thu nhập.
Chị Cùng chia sẻ: “Gần 3 tháng học ở lớp, các cô giáo hướng dẫn rất nhiệt tình. Tôi và các chị em trong lớp đều phần lớn làm nông, học trước quên sau. Các cô chịu khó trả lời, chỉ dẫn từng chút một. Đến nay, chúng tôi đã có thể cắt, may được áo đồng phục cho chính mình, tất nhiên là những chỗ khó quá vẫn phải nhờ các cô giúp thêm. Tôi tính sau khi học xong sẽ nhận sửa đồ, nhận may khẩu trang, nhận hàng về gia công tại nhà”.
Theo ông Trần Văn Nghiêu, Phó trưởng Phòng LĐ-TB&XH huyện Phù Cát, bên cạnh việc đào tạo nghề cho người lao động, Phòng LĐ-TB&XH huyện cũng phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm Bình Định (Sở LĐ-TB&XH) tổ chức các phiên giao dịch việc làm. Trong 6 tháng đầu năm 2024, phiên giao dịch việc làm được tổ chức tại 18/18 xã, thị trấn trên địa bàn. Qua đó, giúp người lao động tiếp cận với các nhà tuyển dụng trong và ngoài tỉnh, có thể ứng tuyển vào làm việc tại các DN, tham gia xuất khẩu lao động. Đến nay, huyện Phù Cát đã tạo việc làm mới cho hơn 1.400 đối tượng, đạt 60% kế hoạch năm 2024.
NGUYỄN MUỘI