Chuyển đổi số trong các HTX: Cần thay đổi tư duy, thêm nguồn lực hỗ trợ
Toàn tỉnh có 185 HTX đang hoạt động, trừ một số ít HTX phát triển hiệu quả, tích cực chuyển đổi số thông qua việc đa dạng hóa dịch vụ bằng ứng dụng công nghệ vào sản xuất, bán hàng… quá trình thực hiện chuyển đổi số ở nhiều đơn vị còn lại khá èo uột. Nhiều HTX còn mang tâm lý “trông chờ ỷ lại” hỗ trợ của nhà nước, chưa thay đổi tư duy, cách thức triển khai hoạt động.
Chương trình chuyển đổi số (CĐS) quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 749/QĐ-TTg ngày 3.6.2020 xác định nông nghiệp là một trong 8 ngành ưu tiên thực hiện CĐS.
Èo uột
Ông Hồ Vĩnh Thảo, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn (Sở NN&PTNT) cho biết, hoạt động CĐS của các HTX trên địa bàn tỉnh chủ yếu thể hiện trong quản lý điều hành, như: Sử dụng các phần mềm kế toán, khai báo thuế điện tử, hóa đơn điện tử, sử dụng zalo nhóm trong điều hành công việc, tham gia tập huấn trực tuyến qua ứng dụng meet và zoom. Một số HTX thực hiện quảng cáo và bán sản phẩm thông qua các nền tảng thương mại điện tử, mạng xã hội (Facebook, Zalo, TikTok…).
Tuy vậy, CĐS tại các HTX vẫn còn chậm và gặp nhiều khó khăn. Dễ thấy là trong sản xuất, thu hoạch, chế biến, bảo quản ứng dụng số của các HTX nông nghiệp còn mờ nhạt, mới ở mức ứng dụng giải pháp, chưa tích hợp sâu vào hệ thống quản lý, giám sát để hỗ trợ ra quyết định sản xuất, kinh doanh.
Có nhiều nguyên nhân, song có thể nhận diện từ nguồn nhân lực và trình độ công nghệ thông tin của cán bộ HTX hiện rất hạn chế, phần lớn chỉ sử dụng máy tính ở các tác vụ cơ bản. Hạ tầng phục vụ CĐS ở vùng nông thôn chưa tương xứng; nguồn lực tài chính của HTX còn khó khăn, thậm chí không đủ nguồn vốn để phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh nên chưa ưu tiên đầu tư vào CĐS.
HTX nông nghiệp Nhơn An (An Nhơn) từng là một trong những đơn vị hoạt động rất hiệu quả. Thế nhưng, những năm gần đây đơn vị sa sút hẳn. Đến nay, HTX duy trì 3 dịch vụ chính: Thủy lợi nội đồng, kinh doanh vật tư nông nghiệp và sản xuất tiêu thụ sản phẩm lúa giống. Doanh thu hằng năm của HTX hơn 6 tỷ đồng, lãi từ 300 - 350 triệu đồng.
Sản phẩm do HTX nông nghiệp Ngọc An sản xuất được nhiều khách hàng ưu thích. Ảnh: HTXCC
Ông Nguyễn Xuân Hân, Giám đốc HTX nông nghiệp Nhơn An, nhìn nhận: Vốn liếng của chúng tôi quá eo hẹp, việc duy trì hoạt động các dịch vụ để “nuôi sống” HTX đã khó, áp dụng CĐS càng khó hơn. Hơn nữa, thành viên HTX có chuyên môn cao về sản xuất, chế biến nông sản, biết sử dụng, vận hành các thiết bị (tự động, số, thiết bị phân tích...) rất hạn chế. 1.750 thành viên của HTX chủ yếu là nông dân, chưa được đào tạo chuyên môn bài bản, trình độ chủ yếu ở mức tiểu học, THCS.
Chia sẻ thêm về những khó khăn trong quá trình thực hiện CĐS ở HTX, lãnh đạo Chi cục Phát triển nông thôn dẫn chứng việc triển khai “ứng dụng COOP.66” (Diễn đàn HTX nông nghiệp Việt Nam) cho các HTX trong tỉnh. Tuy nhiên, app này chỉ hoạt động trên điện thoại di động có hệ điều hành tương đối mới trong khi đó có nhiều lãnh đạo HTX lại dùng điện thoại đã khá cũ, phiên bản hệ điều hành lạc hậu, không thể cài được ứng dụng này.
Cần thay đổi nhận thức và tư duy
Để từng bước “kích hoạt” CĐS tại các HTX, thời gian qua, Chi cục Phát triển nông thôn đã phối hợp với các đơn vị liên quan kết nối, giới thiệu các HTX tham gia sàn giao dịch thương mại điện tử để bán sản phẩm, chủ yếu sản phẩm OCOP. Tổ chức nhiều lớp tập huấn trực tuyến để phổ biến, hướng dẫn HTX, đặc biệt với Diễn đàn HTX nông nghiệp Việt Nam và nhóm HTX tham gia hệ thống theo dõi, phản hồi thông tin chính sách HTX nông nghiệp về triển khai áp dụng truy xuất nguồn gốc điện tử, nhật ký điện tử trong sản xuất bằng ứng dụng FaceFarm, lập báo cáo tài chính bằng phần mềm kế toán HTX WACA. Bên cạnh đó, đôn đốc, hỗ trợ các HTX nông nghiệp cài đặt “Ứng dụng COOP.66” trên điện thoại di động nhằm gắn kết, tương tác trao đổi, thảo luận và nhận hỗ trợ tốt nhất từ các đơn vị quản lý địa phương, tiếp cận tiện ích công nghệ, KHKT và phát triển giá trị kinh tế số hiệu quả trong môi trường kinh tế tập thể.
Nhờ nhạy bén trong cách nhìn, một số HTX đã mạnh dạn thay đổi, da dạng hóa các loại hình dịch vụ khi áp dụng công nghệ số vào sản xuất, kinh doanh. Tiêu biểu có thể kể, như: HTX nông nghiệp 2 Nhơn Thọ (An Nhơn) đã áp dụng truy xuất nguồn gốc điện tử, nhật ký điện tử trong sản xuất bằng ứng dụng FaceFarm, tích cực hỗ trợ các HTX khác cài đặt ”Ứng dụng COOP.66”. HTX Nông dược và dịch vụ tổng hợp An Toàn (An Lão) phát triển tiêu thụ sản phẩm sản xuất tại địa phương trên các sàn thương mại điện tử và trên website ketnoicungcau, hệ sinh thái tư vấn phát triển DN (https://b2b.fairs.vn)...
Hay, HTX nông nghiệp Ngọc An xây dựng trang web để quảng bá sản phẩm, xúc tiến thương mại, mang lại hiệu quả cao trong kinh doanh. Đồng thời, ứng dụng các phương pháp, công cụ để cải tiến, nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm như “5S và Kaizen”, quản lý an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn HACCP, hệ thống truy xuất nguồn gốc. Tăng cường hoạt động tiếp thị và mở rộng thị trường tiêu thụ thông qua các đợt tham gia hội chợ, triển lãm, kết nối cung cầu, trên các sàn giao dịch điện tử, mạng xã hội...
“Để CĐS phát triển mạnh mẽ hơn ở HTX, quan trọng là lãnh đạo HTX cần được tăng cường đào tạo, nâng cao năng lực quản trị. Các thành viên HTX cũng cần được tuyên truyền để thay đổi tư duy từ cạnh tranh sang hợp tác, liên kết chặt chẽ với nhau. Bên cạnh đó, Trung ương và tỉnh cần có những quy định, cơ chế thực hiện chính sách hỗ trợ, ưu đãi đặc thù áp dụng cho đối tượng đặc thù HTX liên quan đến CĐS”, ông Nguyễn Ngọc Nghiệp, Giám đốc HTX nông nghiệp Ngọc An chia sẻ.
TRỌNG LỢI