Từ ngày 1.8.2024, khai thác, mua bán, vận chuyển trái phép thủy sản: Người vi phạm có thể bị phạt đến 20 năm tù
Đó là thông tin đáng chú ý về Nghị quyết số 04/2024/NQ-HĐTP ngày 12.6.2024 của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự về truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi liên quan đến khai thác, mua bán, vận chuyển trái phép thủy sản.
Phó Giám đốc Sở Tư pháp PHẠM DÂN
Nghị quyết là căn cứ pháp lý quan trọng để các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong hệ thống chính trị ở Trung ương và 28 tỉnh, thành phố ven biển tuyên truyền, phổ biến đến các tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động khai thác, mua bán, vận chuyển thủy sản để phòng chống việc khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU). Đồng thời cũng là cơ sở pháp lý để các cơ quan tiến hành tố tụng xử lý nghiêm các vụ việc môi giới, móc nối đưa tàu cá, ngư dân Việt Nam đi khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài, hợp thức hóa hồ sơ đối với các lô hàng thủy sản.
Theo Phó Giám đốc Sở Tư pháp Phạm Dân, Nghị quyết được ban hành nhằm kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, bảo đảm áp dụng đúng và thống nhất các quy định của Bộ luật Hình sự cũng như đồng hành cùng Chính phủ trong việc gỡ cảnh báo “thẻ vàng IUU”, không để ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của ngành thủy sản và sinh kế ngư dân ven biển, làm giảm uy tín, vị thế, hình ảnh của quốc gia.
* Vậy cụ thể đó là những hành vi nào và mức phạt ra sao, thưa ông?
- Cụ thể hóa quan điểm và chính sách hình sự, Nghị quyết quy định 12 hành vi liên quan đến khai thác, mua bán, vận chuyển trái phép thủy sản bị truy cứu trách nhiệm hình sự với các hình phạt tương ứng.
Cụ thể như, hành vi tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh để đưa tàu cá, ngư dân khai thác thủy sản trái phép ở ngoài vùng biển Việt Nam sẽ bị phạt tù 1 - 15 năm tù. Hành vi tổ chức, môi giới cho người khác đưa tàu cá, ngư dân khai thác thủy sản ở ngoài vùng biển Việt Nam, sau đó ngư dân, thành viên tàu cá trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép thì bị phạt tù 1 - 15 năm tù…
Hành vi khai thác thủy sản vi phạm quy định về bảo vệ nguồn lợi thủy sản sẽ bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 1 tỷ đồng, đồng thời phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù 6 tháng đến 10 năm tù.
Nội dung Nghị quyết số 04/2024/NQ-HĐTP sẽ được biên soạn, phục vụ cho công tác tuyên truyền pháp luật đến ngư dân.
- Trong ảnh: Cán bộ Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 2 tuyên truyền các quy định về phòng chống khai thác IUU cho ngư dân xã đảo Nhơn Châu (TP Quy Nhơn). Ảnh: CHƯƠNG HIẾU
* Được biết, các hành vi còn lại nếu không nộp tiền phạt sẽ phải chấp hành hình phạt tù…
- Đúng vậy. Nghị quyết đưa ra hai khả năng chịu hình phạt, nếu không đóng tiền phạt thì phải chấp hành hình phạt tù. Việc này nhằm xử lý triệt để tình trạng ngư dân không chịu nộp tiền phạt hoặc một số trường hợp tái phạm.
Điều đáng quan tâm ở đây là với các hành vi nói trên, ngoài mức chế tài có thể bị xử phạt, người vi phạm có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm một số công việc nhất định.
Mức phạt tù có thể lên đến 20 năm như với hành vi buôn bán thủy sản qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa hoặc ngược lại mà không có giấy phép xuất nhập khẩu thủy sản hoặc không đúng với nội dung giấy phép. Bị phạt tù 1 - 15 năm nếu thực hiện hành vi khai thác thủy sản nguy cấp, quý, hiếm.
Hành vi vi phạm quy định về lắp đặt, quản lý, sử dụng thiết bị giám sát hành trình tàu cá làm cản trở hoặc gây rối loạn hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử bị phạt tù từ 6 tháng đến 12 năm tù. Còn dùng thủ đoạn gian dối để hợp thức hóa nguồn gốc thủy sản khai thác trái phép thì bị phạt tiền 10 - 500 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù 1 - 5 năm.
* UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Tư pháp phối hợp với các sở, ngành, địa phương liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền Nghị quyết này đến tận xã, thôn, đảm bảo từng ngư dân và người nhà để biết và hiểu rõ quy định mới. Thời gian tới, Sở Tư pháp sẽ triển khai thực hiện như thế nào, thưa ông?
- Sở sẽ tiến hành biên soạn, phát hành các tài liệu pháp luật (bản tin, sổ tay, hỏi - đáp, tờ gấp, infographic), đăng tải thông tin, nội dung tuyên truyền về Nghị quyết trên Trang Thông tin điện tử phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh, Fanpage phổ biến, Trang Thông tin điện tử Sở Tư pháp; đưa nội dung này vào Chuyên mục Pháp luật và đời sống, phát trên sóng truyền hình Đài PT-TH Bình Định...
Nội dung tài liệu tuyên truyền sẽ được biên soạn theo hướng cô đọng, chú trọng truyền tải đến tận ngư dân, gia đình có người tham gia đánh bắt thủy sản. Mục đích là tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ từ nhận thức trong bản thân và gia đình ngư dân, rằng từ nay trở đi, các quy định của pháp luật về hình sự xử lý đối với các hành vi vi phạm trong việc khai thác, mua bán, vận chuyển trái phép thủy sản đã được quy định hết sức cụ thể; chế tài xử lý theo đó cũng được áp dụng rất nghiêm khắc. Không có chuyện vi phạm không bị xử lý, hoặc xử lý không đến nơi đến chốn như nhiều trường hợp trước đây.
* Xin cảm ơn ông!
NGỌC TÚ (Thực hiện)