Thiếu hụt lực lượng lao động ảnh hưởng đến ngành sản xuất vũ khí của Nga
Các vấn đề về lực lượng lao động, đặc biệt là trong sản xuất quốc phòng, đã hạn chế tốc độ sản xuất vũ khí và làm suy yếu khả năng duy trì cuộc xung đột của Nga ở Ukraine.
Phó Thủ tướng Nga Denis Manturov mới đây tuyên bố rằng 520.000 công nhân đã được bổ sung vào tổ hợp công nghiệp-quân sự của nước này kể từ đầu năm 2023, mặc dù ông thừa nhận rằng lĩnh vực này vẫn đang thiếu hụt 160.000 nhân viên.
Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Pavel Luzin, giảng viên tại Trường Luật và Ngoại giao Fletcher, Đại học Tufts, chuyên gia về quan hệ quốc tế và là chuyên gia về lực lượng Vũ trang Nga, những ước tính này không phản ánh đầy đủ tình hình phức tạp trong việc thay thế những nhân viên đã nghỉ hưu trong khi vẫn hy vọng duy trì quy mô lực lượng lao động. Sự thâm hụt có thể nghiêm trọng hơn những gì mà ông Manturov thừa nhận.
Nga đang thiếu nhân lực, đặc biệt là trong ngành công nghiệp quốc phòng. Ảnh: TASS
Tiến sĩ Luzin cho rằng, các vấn đề về lực lượng lao động, đặc biệt là trong sản xuất quốc phòng, đã hạn chế tốc độ sản xuất vũ khí và làm suy yếu khả năng duy trì cuộc xung đột của Nga ở Ukraine.
Cụ thể, tháng 6 vừa qua, ông Manturov, Phó Thủ tướng Nga phụ trách lĩnh vực công nghiệp, tuyên bố rằng tổ hợp công nghiệp-quân sự của Nga đã tuyển dụng 520.000 công nhân, kỹ sư và các nhân sự khác kể từ đầu năm 2023. Ông nói thêm rằng hơn 850 công ty tư nhân đã trở thành một phần của quá trình phát triển và sản xuất công nghiệp của Nga.
Nhưng ông Manturov thừa nhận rằng vẫn còn thiếu hụt 160.000 nhân viên trong lĩnh vực này. Vào tháng 6.2022, Yuri Borisov, người tiền nhiệm của ông Manturov, ước tính tình trạng thiếu hụt lao động trong ngành công nghiệp vũ khí của Nga là 400.000 người, bao gồm 120.000 kỹ sư.
Những tuyên bố chính thức này nêu bật tình trạng thiếu hụt công nhân và vấn đề chuyên môn kỹ thuật vẫn đang tiếp tục gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất quốc phòng của Nga. Cuộc khủng hoảng lao động có thể đã trở nên trầm trọng hơn do những tổn thất trong cuộc chiến với Ukraine và có thể làm suy yếu khả năng của Moskva trong việc tiến hành và cung cấp đủ nguồn lực cho cuộc xung đột kéo dài.
Các tuyên bố chính thức của Nga có ý định truyền đạt rằng thâm hụt hiện tại không phải là vấn đề không thể giải quyết. Tuy nhiên, thực tế phức tạp hơn nhiều. Sự thâm hụt trong lực lượng lao động đang gia tăng và còn lâu mới được lấp đầy. Thách thức chính đối với ngành công nghiệp Nga là thay thế nhân sự lớn tuổi và đã nghỉ hưu bằng những người mới để duy trì quy mô lực lượng lao động hiện tại, đồng thời không làm mất đi chuyên môn kỹ thuật và kinh nghiệm quan trọng. Sự thiếu hụt nhân sự đặt ra những hạn chế khách quan đối với tốc độ sản xuất vũ khí.
Trước năm 2022, số liệu thống kê chính thức cho thấy 1.355 đơn vị với khoảng 2 triệu nhân viên tạo nên tổ hợp công nghiệp-quân sự của Nga, bao gồm 1,4 triệu nhân viên tham gia trực tiếp vào sản xuất vũ khí. Những con số chính thức này vẫn tương đối ổn định trong thập kỷ qua. Tuy nhiên, trong đợt động viên "một phần" vào năm 2022, chỉ có 830.000 nhân viên trong tổ hợp công nghiệp-quân sự và các ngành liên quan khác được miễn cả nghĩa vụ động viên và nghĩa vụ quân sự.
Như vậy, số lượng nhân sự thực tế trong tổ hợp công nghiệp-quân sự của Nga có thể ước tính là 1,6 triệu nhân viên vào đầu năm 2023 mà không phân biệt giữa sản xuất vũ khí và sản xuất hàng hóa dân dụng. Nói tóm lại, đánh giá của ông Borisov về tình trạng thiếu hụt lực lượng lao động là tương đối chính xác.
(Theo Vũ Thanh/Báo Tin tức/Theo jamestown.org)