Kỳ vọng “hai trong một”!
Vậy là sau nhiều thấp thỏm chờ đợi, nhiều thảo luận cam go, rồi thì Bộ GD -ĐT cũng đã công bố phương án tổ chức kỳ thi quốc gia vào năm 2015. Như vậy là cái điều xã hội mong mỏi chỉ có một kỳ thi quốc gia duy nhất để xét tốt nghiệp phổ thông trung học và tuyển sinh đại học-cao đẳng (ĐH-CĐ), giảm được một kỳ thi, đỡ tốn kém và áp lực cho học sinh… sẽ bắt đầu được thực hiện từ năm học mới này.
Sau khi phương án thi mới được công bố, trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhiều quan chức và chuyên gia của Bộ GD-ĐT đều khẳng định: Những đổi mới của kỳ thi đều theo hướng nhẹ nhàng, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho cả các trường và nhất là các em học sinh; đặc biệt là liên quan đến việc tuyển sinh ĐH-CĐ thì sẽ có nhiều cơ hội cho học sinh có điều kiện chọn trường, chọn ngành phù hợp với nhu cầu và năng lực của mình.
Với tinh thần đó, có thể nói trong năm học này và ngay từ bây giờ nhà trường và học sinh không cần quá lo lắng, tạo áp lực tâm lý không đáng có để khỏi ảnh hưởng đến kết quả của việc dạy và học.
Tuy nhiên, do đây là kỳ thi “hai trong một” nên phương thức tổ chức và nội dung thi có sự điều chỉnh so với cách thi trước đây.
Cụ thể, từ kỳ thi này mỗi thí sinh phải dự thi 4 môn thi tối thiểu gồm: 3 môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 1 môn do thí sinh tự chọn trong số các môn: Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử và Địa lý. Kết quả của 4 môn thi tối thiểu được sử dụng để xét công nhận tốt nghiệp và cũng được sử dụng để đăng ký xét tuyển vào các trường ĐH-CĐ; Ngoài 4 môn thi nói trên, thí sinh có quyền đăng ký thi thêm các môn thi còn lại của kỳ thi để sử dụng cho việc đăng ký tuyển sinh ĐH-CĐ theo yêu cầu của các ngành đào tạo. Sau khi có kết quả thi, thí sinh mới chọn trường và đăng ký xét tuyển vào các trường ĐH-CĐ. Đây là một điểm mới có lợi cho học sinh, có nhiều cơ hội chọn trường phù hợp với năng lực của mình và giảm bớt rủi ro do chọn… “nhầm” trường.
Bộ GD-ĐT cũng định hướng sẽ có sự đổi mới về nội dung thi, nhưng theo hướng ít gây xáo trộn cho việc dạy và học. Đề thi sẽ theo hướng tăng dần cấp độ kiến thức, có câu hỏi mở thí sinh phải vận dụng kiến thức tổng hợp giữa lý thuyết và thực tiễn, tích hợp kiến thức liên quan giữa các môn nhằm kiểm tra khả năng tư duy, sự linh hoạt, sáng tạo của học sinh. Theo các lãnh đạo Bộ GD-ĐT, phương án thi này là “bước quá độ” cho việc đổi mới thi cử theo phương châm kiểm tra đánh giá năng lực học sinh toàn diện, làm động lực đổi mới chất lượng giáo dục.
Có thể nói, dù kỳ thi quốc gia “hai trong một” trong năm tới có một số điều chỉnh về phương thức tổ chức song nội dung kiến thức vẫn nằm trong chương trình phổ thông. Tuy không gây xáo trộn trong việc dạy và học, nhưng do đây là kỳ thi đầu tiên được áp dụng theo phương án mới nên từ năm học này cả nhà trường và học sinh cần điều chỉnh cách dạy và học cho phù hợp, chuẩn bị cho học sinh tâm lý chủ động, sáng tạo trong học và thi.
Hy vọng rằng với phương thức thi mới, ngành GD-ĐT sẽ có một kỳ thi quốc gia được tổ chức an toàn, nghiêm túc và công bằng, đáp ứng các mục tiêu giáo dục đã đề ra.
H.Đ