Sáng tạo đồ dùng dạy học cho học sinh khuyết tật: Những sản phẩm do thực tế “đặt hàng”
Ở Trường Chuyên biệt Hy vọng Quy Nhơn, 17 giáo viên đứng lớp trực tiếp mỗi năm đều phải có vài bộ đồ dùng dạy học - đồ chơi tự làm. Những sản phẩm do thực tế “đặt hàng” ấy là kết quả từ rất nhiều trăn trở, nỗ lực của mỗi người…
Điều mà chúng tôi muốn nói ngay là khi chế tạo, sáng tạo đồ dùng dạy học, tất cả những giáo viên ấy đều nghĩ đến học sinh của mình, đều muốn biến mỗi giờ học dành cho học sinh khiếm thính và có khó khăn về học, thực sự là một giờ vui.
Giờ học không chỉ bảng đen, phấn trắng
Chúng tôi được dự những tiết học của học sinh khuyết tật Trường Chuyên biệt Hy vọng Quy Nhơn mà ở đó ngoài bảng đen, phấn trắng còn có lỉnh kỉnh những đồ dùng dạy học tự làm. Ở tiết học “Củng cố bài ôn tập bảng nhân 2” của lớp 1 năm 3, cô Phan Thị Mỹ Linh (giáo viên khối khiếm thính) và các học sinh khó khăn về học xoay vần hào hứng với “Bảng nhân, chia qua trò chơi chiếc nón kỳ diệu”. Sản phẩm này phỏng theo mô hình trò chơi “Chiếc nón kỳ diệu” trên VTV3, của thầy giáo Nguyễn Thanh Hữu - giáo viên khối khó khăn về học.
“Khi chế tạo, sáng tạo đồ dùng dạy học, tất cả những giáo viên ấy đều nghĩ đến học sinh của mình, đều muốn biến mỗi giờ học dành cho học sinh khiếm thính và có khó khăn về học, thực sự là một giờ vui”
Vật liệu là chiếc nón cắt ra, dán giấy màu, bảng gỗ và các bìa cứng có miếng dán để làm phỏng theo mô hình chiếc nón kỳ diệu. Như vậy, các em dễ tiếp nhận bài học và nhớ kiến thức. Hơn nữa, đồ dùng vừa chơi vừa học này còn có thể sử dụng để dạy môn tiếng Việt, Tự nhiên và xã hội.
“Lớp có 10 học sinh khó khăn về học. Các em khó khăn về học thì có thể nghe, nhưng tiếp thu kiến thức lại hạn chế. Vì thế, việc thay đổi những mô hình dạy trực quan như thế này khiến các em hứng thú hơn với việc học tập, ban đầu là “dụ” các em vào học, dần dần các em thích thú sẽ tiếp bài nhanh hơn”, cô Linh chia sẻ. Thực tế cho thấy giờ học rất sôi nổi, các em hứng thú giơ tay phát biểu, một số em còn đòi cô giáo cho lên quay nhiều lần.
Cô Phan Thị Mỹ Linh cũng là chủ nhân của đề tài “Thiết kế bộ đồ dùng dạy học hình thành bảng nhân nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy môn Toán cho học sinh khiếm thính” đạt giải C sáng kiến kinh nghiệm cấp tỉnh năm học 2012-2013, đạt giải Ba của hội thi do Trường tổ chức năm học 2014-2015. Đồ dùng dạy học được làm từ những chất liệu dễ tìm nhưng bền vững, áp dụng được cho việc dạy tất cả các bảng nhân và việc ôn tập các bảng nhân.
5 năm dạy Toán cho học sinh khiếm thính lớp 4 và 5, cô Trần Thị Mai Lâm, giáo viên khối khó khăn về học nhận ra các em yếu phần chuyển đổi các đơn vị. Với giáo viên, mỗi lần dạy phải kẻ bảng rất mất thời gian. Trong khi đó, buộc phải làm phép nhân để chuyển đổi các đơn vị tính cũng không dễ dàng gì với học sinh. Vì thế, sáng tạo đồ dùng dạy học “Bảng đơn vị đo đại lượng” của cô Mai Lâm ra đời. Ý tưởng dùng con số 0 để gắn vào bảng trong quá trình chuyển đổi giúp cô và trò đỡ chật vật hơn. Sau những tiết học đầu còn bỡ ngỡ, bây giờ các em đã tiếp thu nhanh và thao tác thành thạo.
“Học Toán bằng bảng của cô giáo Mai Lâm khó một xíu thôi, thích hơn và dễ hiểu hơn. Còn làm bài như trong sách thì nhiều phép tính lắm, đọc không biết gì hết”, Đặng Thị Cẩm Lụa, học sinh lớp 5 năm 2, cho biết.
Ý tưởng từ thực tế
Được thành lập cách đây 5 năm, nhưng đến đầu tháng 9 này, lần đầu tiên Trường Chuyên biệt Hy vọng Quy Nhơn mới tổ chức Hội thi “Đồ dùng - Đồ chơi tự làm”. Cuộc thi được phát động từ ngày 1.8 đến 30.8. “Hội thi chính thức diễn ra từ 4.9, thời điểm trước thềm năm học mới nên có ý nghĩa to lớn cho công tác đầu tư, chăm lo dạy - học, đồng thời tạo tinh thần thi đua sôi nổi trong toàn trường, khi 17/17 giáo viên tham gia”, Phó Hiệu trưởng Huỳnh Thị Kim Anh cho biết.
Có 17 sản phẩm dự Hội thi gồm: mô hình; bảng đơn vị đo đại lượng ứng dụng công thức toán học; đồng hồ đa năng; bảng dích dắc; khuôn nhạc và nốt nhạc thông minh; xúc sắc màu; đồ chơi bowling bằng chai nhựa thải bỏ… Phần lớn sản phẩm dự thi đảm bảo tính sư phạm, phù hợp tâm lý lứa tuổi học sinh, nội dung của môn học, bài dạy và điều kiện cụ thể của từng dạng tật. Hơn thế, chúng còn giúp giáo viên truyền thụ kiến thức sâu, chính xác; giúp học sinh tiếp thu kiến thức dễ dàng kích thích trí tò mò, gây hứng thú trong học tập khi tiếp thu kiến thức, luyện tập thực hành và trò chơi củng cố.
Cô Kim Anh cho biết, một số giáo viên đã nảy ra ý tưởng từ thực tế giảng dạy và khó khăn khi tiếp thu kiến thức của học sinh để thiết kế sản phẩm (như các sản phẩm bảng đơn vị đo đại lượng, đồng hồ đa năng, khuôn nhạc và những nốt nhạc thông minh, hình thành bảng nhân, hồ cá đa năng…). Các sản phẩm đảm bảo tính thẩm mỹ, kích thước, hình thức, màu sắc đẹp, hài hòa, tác động mạnh đến nhận thức và thị hiếu của học sinh (như bảng dích dắc và đồng hồ đa năng, trò chơi Ong tìm chữ, hộp xoay đa năng…). Đáng chú ý, phần lớn các sản phẩm dự thi sử dụng nguyên liệu rẻ tiền, thải bỏ như chai nhựa, ly nhựa, bìa cạc-tông, xốp vụn, số khác sử dụng vật liệu bền chắc để nâng cao tuổi thọ sử dụng như gỗ ép, mica, tôn màu.
“Tính sáng tạo được thể hiện qua từng ý tưởng, chi tiết về nội dung, loại hình, cấu tạo và phương pháp sử dụng, một số sản phẩm có tính mở rõ rệt và ứng dụng cho nhiều bài, nhiều môn, nhiều đối tượng khác nhau”, cô Kim Anh nhận định.
THU HIỀN