Trung Quốc thắt chặt quản lý đất hiếm: Động thái đáp trả phương Tây?
Trung Quốc vừa công bố một loạt quy định quản lý sản xuất đất hiếm, có hiệu lực từ ngày 1.10.2024. Động thái này được đưa ra sau khi Liên minh châu Âu (EU) công bố mức thuế lên tới 38% đối với xe điện sản xuất tại Trung Quốc, khiến cho căng thẳng giữa Bắc Kinh và phương Tây leo thang.
Trung Quốc hiện là nước sản xuất nhóm nguyên tố đất hiếm hàng đầu thế giới, gồm các kim loại rất cần thiết cho công nghệ hiện đại, từ xe điện cho đến tuabin gió, robot và vũ khí quân sự. Nước này cũng đứng đầu trong công nghệ tinh chế đất hiếm. Trong những năm gần đây, Trung Quốc cấm xuất khẩu công nghệ tách và chiết xuất đất hiếm. Cơ quan phòng chống gián điệp Trung Quốc từng đánh giá đất hiếm là nguồn khoáng sản chiến lược, liên quan trực tiếp đến “an ninh quốc gia”.
Theo quy định mới, nguồn tài nguyên thiên nhiên này là thuộc về nhà nước và không tổ chức, cá nhân nào được phép xâm phạm hay phá hủy các nguồn đất hiếm. Các công ty vi phạm quy định về khai thác và chế biến sẽ bị phạt gấp 5 - 10 lần so với lợi nhuận thu được. Số tiền phạt có thể lên đến 5 triệu nhân dân tệ (687 nghìn USD) nếu lợi nhuận trái phép dưới 500 nghìn nhân dân tệ. Ngoài ra, các công ty liên quan đến khai thác, tinh chế và xuất khẩu các sản phẩm đất hiếm cũng phải có biện pháp để theo dấu sự luân chuyển của sản phẩm.
Một mỏ đất hiếm ở miền Bắc Trung Quốc. Ảnh: Chinatopix/AP
Nhiều nhà quan sát cho rằng, luật mới về đất hiếm của Trung Quốc có thể là đòn trả đũa của nước này đối với phương Tây, đặc biệt là Mỹ, vốn cáo buộc Bắc Kinh sử dụng hình thức cưỡng ép về kinh tế để gây ảnh hưởng đối với các quốc gia khác. Hơn nữa, động thái này lại diễn ra khi EU đang chuẩn bị áp thuế đối với dòng xe điện nhập khẩu từ Trung Quốc, nhằm bảo vệ ngành sản xuất trong khối trước làn sóng xe điện từ Trung Quốc mà EU cho rằng có sự trợ giá của nhà nước. Mặc dù chính phủ Trung Quốc giải thích rằng, những biện pháp kiểm soát này chỉ nhằm quản lý nguồn đất hiếm tốt hơn, để phục vụ cho “việc phát triển xanh và sáng chế khoa học, công nghệ an toàn”, nhưng phương Tây lại xem đây là cách Bắc Kinh trả đũa cho những cuộc điều tra chống bán phá giá nhằm vào nước này, nhất là các lệnh trừng phạt của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden. Năm ngoái, Trung Quốc cũng đã cấm xuất khẩu một loạt công nghệ chế biến vật liệu quan trọng này. Vào thời điểm đó, một quan chức nước này cảnh báo, “đây mới chỉ là khởi đầu của các biện pháp trả đũa”.
Trước đó, lo ngại việc Trung Quốc thắt chặt kiểm soát ngành công nghiệp này có thể khiến chuỗi cung ứng cho công nghệ thiết yếu, ô tô và năng lượng tái tạo bị gián đoạn, Mỹ và EU đều nỗ lực tìm cách thu mua đất hiếm cả ở trong nước và nước ngoài, như Việt Nam, Brazil và Australia.
Cách đây 1 năm, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen tuyên bố xây dựng cơ sở tinh chế đất hiếm quy mô lớn đầu tiên ở ngoài châu Á và được đặt tại Estonia. Bà nói rằng động thái này sẽ giúp châu Âu tăng cường khả năng chống chịu và đảm bảo nguồn cung. Hồi tháng 4.2024, EU ký thỏa thuận với Nhật Bản nhằm giảm sự lệ thuộc vào hoạt động xuất khẩu của Trung Quốc, trong đó tập trung vào việc phát triển “vật liệu tiên tiến” trong lĩnh vực công nghệ, như sản xuất chất bán dẫn và pin. Ngoài ra, theo các chuyên gia, để tránh nguy cơ bị đẩy khỏi thị trường đầy cạnh tranh, Mỹ, EU và các nước khác cần hình thành các đối tác công - tư quốc tế.
LÊ QUẢNG (Theo SCMP, politico.eu)