Nền kinh tế phục hồi tích cực, tăng trưởng vượt kịch bản đề ra
(BĐ) - Sáng 6.7, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp trực tuyến Chính phủ với các địa phương trong cả nước nhằm đánh giá tình hình KT-XH 6 tháng đầu năm 2024, triển khai phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024.
Tham dự phiên họp tại điểm cầu Bình Định có đồng chí Hồ Quốc Dũng - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Phạm Anh Tuấn - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các Phó Chủ tịch UBND tỉnh: Lâm Hải Giang, Nguyễn Tự Công Hoàng; cùng lãnh đạo các sở, ngành liên quan.
Theo đánh giá tại phiên họp, trong 6 tháng đầu năm 2024, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đã quyết liệt tập trung hoàn thiện thể chế, pháp luật, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; xử lý tồn đọng, vướng mắc; đẩy mạnh đầu tư các dự án hạ tầng chiến lược, quan trọng; thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới của nền kinh tế.
GDP cả nước 6 tháng đầu năm 2024 tăng trưởng 6,42%, vượt chỉ tiêu 6% Nghị quyết Chính phủ đề ra đầu năm. Trong đó, khu vực nông, lâm, thủy sản và dịch vụ duy trì đà tăng khá. Khu vực công nghiệp và xây dựng phục hồi nhanh, là động lực dẫn dắt cho tăng trưởng. Đáng chú ý, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp 6 tháng tăng 7,54%, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 8,67%.
Đồng thời, các động lực tăng trưởng từ phía nhu cầu hàng hóa xuất khẩu và tiêu dùng phục hồi tích cực hơn. Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội 6 tháng tăng 6,8%, trong đó đầu tư tư nhân tăng 6,7% (cùng kỳ năm 2023 tăng 1,8%). Tổng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đăng ký 6 tháng đạt gần 15,2 tỷ USD, tăng 13,1% so với cùng kỳ, trong đó FDI đăng ký mới đạt hơn 9,5 tỷ USD, tăng 46,9%; vốn FDI thực hiện đạt khoảng 10,8 tỷ USD, tăng 8,2%. Nhiều dự án FDI lớn trong các lĩnh vực bán dẫn, điện tử, năng lượng… được đầu tư mới và mở rộng tăng vốn.
"Những kết quả đạt được 6 tháng đầu năm 2024 là nền tảng để phấn đấu hoàn thành thắng lợi và vượt mục tiêu phát triển KT-XH năm 2024", Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cũng dự báo khó khăn, thách thức trong các tháng còn lại của năm 2024 rất lớn và cho rằng các cấp, ngành, địa phương cần phát huy hơn nữa sự chủ động, đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm; phối hợp chặt chẽ, hiệu quả để giữ vững đà phục hồi của nền kinh tế, thực hiện nhất quán mục tiêu ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn.
Tham gia phát biểu tham luận tại phiên họp, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn cho biết, 6 tháng đầu năm 2024, tổng sản phẩm địa phương (GRDP) trên địa bàn tỉnh Bình Định tăng 7,6% (kế hoạch năm 2024 GRDP tăng 7,5 - 8%); xếp thứ 19/63 địa phương cả nước, thứ 4/14 địa phương vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ. Trong đó: Khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 3,58%; công nghiệp và xây dựng tăng 10,33%; dịch vụ tăng 8,16%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 8,43%. Nhìn chung, tất cả chỉ số 4 khu vực đều tăng so với cùng kỳ.
Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn phát biểu tham luận tại phiên họp. Ảnh: N.H
“Trong 6 tháng cuối năm 2024, Bình Định tập trung giải quyết các điểm nghẽn, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh nhằm ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Đồng thời quyết liệt thực hiện các biện pháp nhằm tăng cường cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh và cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Triển khai các giải pháp quyết liệt, mạnh mẽ, sớm khắc phục các tồn tại, hạn chế để đẩy nhanh tiến độ thi công và giải ngân vốn đầu tư công, nhất là vốn các chương trình mục tiêu quốc gia…”, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn nhấn mạnh.
Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn đề xuất, kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương xem xét, cho phép triển khai đầu tư xây dựng dự án Đường bộ cao tốc Quy Nhơn - Pleiku theo hình thức đầu tư công. Đồng thời, giao Bộ GTVT làm cơ quan chủ quản thực hiện toàn bộ dự án; UBND tỉnh Bình Định, Gia Lai tự thực hiện công tác giải phóng mặt bằng theo địa giới hành chính.
Đề nghị xem xét, chấp thuận phương án triển khai đầu tư xây dựng các hạng mục mở rộng Cảng Hàng không Phù Cát gồm: xây dựng đường cất hạ cánh số 2, các đường lăn nối và các công trình khác thuộc khu bay; di chuyển các công trình quân sự để bàn giao đất phục vụ xây dựng mở rộng khu hàng không dân dụng; xây dựng khu hàng không dân dụng. Đề nghị Chính phủ đồng ý chủ trương và có cơ chế cho tỉnh được thực hiện thí điểm phát triển dự án điện gió ngoài khơi; đưa dự án điện gió ngoài khơi do Tập đoàn PNE đăng ký đầu tư vào Đề án thí điểm phát triển điện gió ngoài khơi; đồng thời, chỉ đạo các Bộ ngành, cơ quan Trung ương hỗ trợ tạo điều kiện cho nhà đầu tư thực hiện các thủ tục liên quan để nghiên cứu, khảo sát triển khai đầu tư dự án…
Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương cần tích cực, chủ động thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phát triển KT-XH theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao. Trong đó tập trung thực hiện 3 đột phá chiến lược (về thể chế, rà soát, tháo gỡ các vướng mắc pháp lý; về đầu tư công, tập trung cho hạ tầng giao thông, y tế, giáo dục, hạ tầng điện, hạ tầng số, lấy đầu tư công dẫn dắt, kích hoạt đầu tư tư; về nhân lực, đào tạo nhân lực chất lượng cao, nhất là cho các lĩnh vực mới nổi, giá trị gia tăng cao) với tinh thần "không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm", "không bàn lùi, chỉ bàn làm, đã làm là có sản phẩm, hiệu quả cụ thể".
Về kiến nghị của các địa phương, Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành rà soát theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền, tập trung chỉ đạo chủ động tháo gỡ ngay những khó khăn, vướng mắc; kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền về những vấn đề vượt thẩm quyền.
NGUYỄN HÂN