Phạt nặng vi phạm khai thác thủy sản từ ngày 1.8
Một số hành vi về khai thác thủy sản trước đây chỉ mới dừng ở xử phạt hành chính, từ ngày 1.8 sẽ bị xử lý hình sự. Điều này nhằm tạo sức răn đe đối với các hành vi vi phạm và thể hiện nỗ lực của Việt Nam trong việc gỡ bằng được thẻ vàng thủy sản của Ủy ban châu Âu (EC).
Theo Cục Kiểm ngư - Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), trong 6 tháng đầu năm, tình trạng tàu cá, ngư dân bị nước ngoài bắt giữ, xử lý vẫn còn diễn biến phức tạp, hình thức vi phạm ngày càng tinh vi. Số lượng các vụ việc vi phạm nghiêm trọng theo quy định chưa được xử lý triệt để, đảm bảo tính răn đe. Đến nay vẫn còn 4/28 tỉnh, thành phố ven biển chưa kiện toàn lực lượng kiểm ngư địa phương...
Trong các lần thanh tra, EC đều khẳng định điều kiện tiên quyết để Việt Nam gỡ được thẻ vàng thủy sản là chấm dứt tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài.
Để ngăn chặn tình trạng này, Cục Kiểm ngư cho biết, từ ngày 1.8 sẽ xét xử nghiêm các hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp, không có báo cáo và không được quản lý (IUU).
Theo đó, Nghị quyết 04 của Tòa án nhân dân tối cao vừa hướng dẫn gồm 11 điều áp dụng 10 điều của Bộ luật Hình sự, là cơ sở pháp lý để các cơ quan tiến hành tố tụng xử lý nghiêm các vụ việc khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài.
Từ ngày 1.8, ngư dân vi phạm quy định về quản lý, sử dụng thiết bị giám sát hành trình tàu cá nhằm mục đích khai thác thủy sản trái phép sẽ bị xử lý hình sự.
Cụ thể, cơ quan chức năng sẽ truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi xuất cảnh đi khai thác thủy sản trái phép ở ngoài vùng biển Việt Nam; tổ chức, môi giới cho người khác xuất, nhập cảnh, ngư dân khai thác thủy sản trái phép ở ngoài vùng biển nước ngoài.
Các hành vi khai thác thủy sản vi phạm quy định về bảo vệ nguồn lợi thủy sản; khai thác, mua bán, vận chuyển thủy sản nguy cấp, quý, hiếm; buôn lậu, vận chuyển trái phép thủy sản, dùng thủ đoạn gian dối mua bán thủy sản.
Đáng chú ý, ngư dân khi vi phạm quy định về quản lý, sử dụng thiết bị giám sát hành trình tàu cá nhằm mục đích khai thác thủy sản trái phép; làm giả hoặc sử dụng tài liệu giả, con dấu của cơ quan, tổ chức để khai thác, mua bán, vận chuyển trái phép thủy sản sẽ bị khởi tố.
“Đối tượng đưa ra xét xử là những người chủ mưu, người môi giới, tổ chức xuất cảnh, nhập cảnh để khai thác thủy sản trái phép và những người tái phạm nhiều lần, không xử người đi làm thuê. Người nước ngoài khi có hành vi đưa tàu cá khai thác thủy sản trái phép tại vùng biển Việt Nam sẽ bị truy trách nhiệm hình sự”, Cục Kiểm ngư cho hay.
Lãnh đạo Cục Kiểm ngư cho rằng, từ nay đến tháng 9, tháng 10, bằng mọi giải pháp, chúng ta phải ngăn chặn giảm thiểu tối đa tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài, kiên quyết xử lý triệt để những tàu cá vi phạm...Nếu tình hình có tiến triển, đến tháng 10, EC sẽ xem xét để sang thanh tra công tác gỡ thẻ vàng lần thứ 5 của Việt Nam.
Tại Hội nghị sơ kết hoạt động của Ban Chỉ đạo Quốc gia về IUU mới đây, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang yêu cầu các lực lượng chức năng phải tăng "mức độ, tần suất" trong quản lý, giám sát đội tàu; quyết liệt hơn trong việc truy xuất nguồn gốc hải sản.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ NN&PTNT và các địa phương tổ chức các đoàn tăng cường đi kiểm tra, giám sát ở cơ sở để có giải pháp cụ thể, kịp thời, khuyến khích các địa phương ban hành chính sách riêng của địa phương mình để hỗ trợ công tác chống IUU.
Lãnh đạo Chính phủ mong muốn các bộ, ngành, địa phương cùng chung sức, tập trung thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư, Nghị quyết số 04 cùng các giải pháp khác, mở đợt cao điểm trong 3 tháng tới để gỡ bằng được "thẻ vàng" IUU trong đợt thanh tra tới đây của EC.
Theo Dương Hưng (TPO)