Phát hiện sớm và điều trị kịp thời bệnh nhược thị ở trẻ em
Nhược thị là tình trạng chức năng của một bên mắt bị giảm do không được não sử dụng trong quá trình phát triển thị lực. Trẻ còn nhỏ nên không chia sẻ được với bố mẹ về biểu hiện của bệnh. Do vậy, chứng giảm thị lực của trẻ thường không được chẩn đoán và điều trị trong nhiều năm.
Thị lực của trẻ bình thường hình thành từ lúc mới sinh và tăng dần. Trong những năm đầu đời, hệ thống thị giác thay đổi rất nhanh và thị lực cũng vậy. Nếu trẻ không dùng mắt một cách bình thường thì thị giác không phát triển và có thể giảm đi. Sau 9 tuổi, hệ thống thị giác phát triển toàn vẹn và ổn định vĩnh viễn. Sự phát triển thị lực ở cả 2 mắt bằng nhau là điều cần thiết để có thị giác bình thường.
Nhược thị có thể do một nguyên nhân đơn lẻ hoặc phối hợp nhiều nguyên nhân. Có 3 nguyên nhân thường gặp nhất là lé có thể ở một mắt, hai mắt hoặc lé luân phiên. Lé xuất hiện khá sớm ở trẻ em, đặc biệt là trong giai đoạn não bộ đang học cách nhìn. Nhược thị do khúc xạ xuất hiện ở trẻ em do không điều chỉnh kịp thời hiện tượng khúc xạ (cận thị, viễn thị, loạn thị, bất đồng khúc xạ) bằng việc đeo kính nên cản trở việc phát triển thị lực ở trẻ em. Nhược thị do khúc xạ có thể xảy ra ở một mắt, hai mắt. Nguyên nhân chủ yếu là do bệnh đục thủy tinh thể bẩm sinh, sụp mí bẩm sinh hoặc xuất hiện từ khi còn nhỏ, sẹo giác mạc…
Các bác sĩ chuyên khoa cho biết, nhược thị sẽ ảnh hưởng đến sinh hoạt và gây ảnh hưởng lâu dài làm cho mắt bị lé, thị lực bị giảm sút. Vì vậy, nếu phụ huynh thấy trẻ có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào ở mắt như trẻ nheo mắt; trẻ xem ti vi, đọc sách, viết ở khoảng cách gần; nghiêng đầu khi xem ti vi, khó khăn khi nhìn bảng, mắt lé/lác… hoặc gia đình có người thân bị mắt lé, đục thủy tinh thể (cườm khô) hay những bệnh lý nặng ở mắt… thì nên đưa trẻ đến các bác sĩ nhãn khoa để được khám điều trị kịp thời.
Để phòng tránh bệnh nhược thị, phụ huynh nên chú ý theo dõi mắt trẻ có khó nhìn chữ trên bảng hay khó đọc bài. Đồng thời, trẻ nhược thị cần phải kiên trì và tuân thủ các bài tập phục hồi và cân bằng thị lực hai mắt theo hướng dẫn của bác sĩ. Đeo kính thường xuyên, chỉ nên tháo kính lúc đi tắm và lúc đi ngủ. Khám mắt định kỳ theo hẹn, giúp theo dõi sát tiến triển của mắt để có hướng điều chỉnh kịp thời và phù hợp với từng tình trạng cụ thể.
MINH PHƯỢNG (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh)