Bước tiến lớn về kỹ thuật tim mạch can thiệp
Bệnh tim mạch đã trở thành một trong những thách thức lớn nhất đối với sức khỏe và chất lượng cuộc sống con người trên toàn cầu. Tại Việt Nam, bệnh tim mạch là một trong những nguyên nhân chính gây tử vong. Tuy nhiên, với tiến bộ của khoa học, các phương pháp can thiệp tim mạch ngày càng được cải tiến, phổ biến hơn, góp phần giảm tử vong do căn bệnh nguy hiểm này.
Từ ngày 5 - 7.7, tại TP Quy Nhơn đã diễn ra Hội nghị khoa học tim mạch can thiệp thường niên năm 2024 (HSIC 2024), do Liên Chi hội Tim mạch can thiệp TP Hồ Chí Minh tổ chức. Sự kiện khoa học này thu hút 150 báo cáo viên là giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ, chuyên gia trong và ngoài nước (Nhật Bản, Trung Quốc, Malaysia, Thái Lan) và gần 1.000 đại biểu. Thông qua gần 200 báo cáo khoa học, hội nghị cập nhật nhiều vấn đề mới, gắn liền với thực hành lâm sàng tim mạch và các chuyên khoa liên quan (như thận, nội tiết, lão khoa…) giúp các bác sĩ đưa ra chỉ định và hướng điều trị phù hợp cho người bệnh.
Một ca tim mạch được chuyên gia can thiệp trên người bệnh, truyền hình trực tiếp đến Hội nghị khoa học tim mạch can thiệp thường niên năm 2024. Ảnh: M.H
Theo GS.TS.BS Võ Thành Nhân, Chủ tịch Liên Chi hội Tim mạch can thiệp TP Hồ Chí Minh, HSIC 2024 là cơ hội trao đổi kiến thức, kinh nghiệm, thành tựu mới nhất trong lĩnh vực tim mạch và can thiệp tim mạch nhằm cải thiện chất lượng điều trị cho bệnh nhân. Đồng thời, cùng thảo luận về những thách thức và khó khăn trong áp dụng các liệu pháp tim mạch, can thiệp tim mạch và giải pháp giải quyết.
“Hội nghị năm nay không chỉ cập nhật các hướng dẫn mới trong chẩn đoán và điều trị các bệnh lý tim mạch, mà còn tập trung vào các chủ đề quan trọng trong lĩnh vực tim mạch can thiệp. Đó là kỹ thuật cấy van động mạch chủ qua ống thông (TAVI); can thiệp các sang thương mạch vành phức tạp, và ứng dụng các kỹ thuật hình ảnh học và sinh lý trong can thiệp mạch vành, như siêu âm trong lòng mạch vành (IVUS), chụp đối quang mạch vành (OCT), đo lưu lượng phân suất dự trữ mạch vành (FFR/iFR); ứng dụng khoan mảng xơ vữa, vôi hóa mạch vành (Rotablator); ứng dụng can thiệp động mạch vành dưới sự hỗ trợ của robot Corindus…”, GS.TS.BS Võ Thành Nhân chia sẻ.
Trong can thiệp mạch vành, để chẩn đoán hình ảnh, xu hướng của thế giới là sử dụng phương pháp chụp cắt lớp nội mạch quang học - OCT. Chia sẻ tại hội nghị, TS.BS Huỳnh Trung Cang, Trưởng khoa Nội tim mạch BVĐK Kiên Giang, cho biết, phương pháp chẩn đoán hình ảnh OCT sẽ cho biết khi thủ thuật viên đặt stent (giá đỡ động mạch vành), stent có áp sát thành động mạch hay không. Nếu stent áp sát thành động mạch, tỷ lệ tái hẹp sẽ giảm, nguy cơ bị tai biến tắc cấp trong stent cũng giảm. Khi bị tai biến tắc cấp trong stent, nguy cơ bệnh nhân tử vong trước khi đưa đến bệnh viện là 50%. OCT không chỉ giúp giảm tỷ lệ tắc cấp trong stent mà còn giúp đạt hiệu quả lâu dài khi stent áp sát thành động mạch, tỷ lệ tái hẹp thấp. Sự an toàn của bệnh nhân cũng như hiệu quả của kỹ thuật được nâng lên.
Các phương pháp can thiệp tim mạch ngày càng được cải tiến. Tại hội nghị, BVĐK Quốc tế S.I.S Cần Thơ (trước đây là Bệnh viện Đột quỵ - Tim mạch TP Cần Thơ) đã đánh giá thành công 31 ca can thiệp động mạch vành dưới sự hỗ trợ của robot Corindus. Đây là cơ sở để Bộ Y tế phê duyệt “Kỹ thuật can thiệp động mạch vành với sự hỗ trợ của robot Corindus” trở thành kỹ thuật thường quy. Sự kiện này đánh dấu cột mốc Việt Nam trở thành một trong những quốc gia đầu tiên ở Đông Nam Á sở hữu công nghệ và thực hiện kỹ thuật cao này.
PGS.TS.BS Hồ Thượng Dũng- Phó Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất, Chủ tịch Phân hội can thiệp tim mạch Việt Nam, một trong những chuyên gia góp phần đắc lực vào quá trình chuyển giao kỹ thuật can thiệp tim mạch cho BVĐK Quốc tế S.I.S Cần Thơ, nhận định: Trong tương lai, robot Corindus giúp tiếp cận đến tiêu chuẩn chất lượng can thiệp cho bệnh nhân trên toàn cầu; giảm hoặc loại bỏ hoàn toàn giới hạn địa lý, kết nối với các bệnh viện hàng đầu trên thế giới đang sử dụng robot này để can thiệp mạch (bằng tính năng telerobotic trên robot Corindus). Khi đó, cánh tay robot tại bệnh viện sẽ được kết nối với trạm điều khiển của các bệnh viện có trang bị hệ thống robot Corindus ở bất kỳ đâu trên thế giới thông qua trạm điều khiển. Bác sĩ có thể trực tiếp hội chẩn và điều khiển cánh tay robot để can thiệp cho bệnh nhân.
Đặc biệt, tại các phiên tiếp cận can thiệp tổn thương động mạch vành phức tạp; vôi hóa, xoắn vặn và bất thường giải phẫu; tổn thương lóc tách tự nhiên phức tạp động mạch vành… các chuyên gia đã can thiệp trên người bệnh, truyền hình trực tiếp từ 6 bệnh viện lớn (Viện Tim mạch Quốc gia- Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện E, Bệnh viện Tim Hà Nội, Bệnh viện Nhân dân Gia Định, BVĐK Quốc tế S.I.S Cần Thơ, Bệnh viện Chợ Rẫy) đến hội nghị để các đại biểu thảo luận, trao đổi kinh nghiệm thực tế…
Giám đốc Sở Y tế Bình Định Lê Quang Hùng cho hay, hiện tại một số cơ sở y tế của tỉnh đã ứng dụng thành công một số kỹ thuật y tế mới của tuyến Trung ương, thành lập một số đơn nguyên chuyên sâu, trong đó có đơn nguyên Tim mạch can thiệp tại BVĐK tỉnh. Hội nghị là cơ hội rất tốt để các bác sĩ của tỉnh trao đổi, tiếp cận thành tựu mới trong lĩnh vực can thiệp tim mạch, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng chăm sóc y tế và mang lại lợi ích cho sức khỏe của người dân, đặc biệt bệnh nhân mắc bệnh tim mạch.
MAI HOÀNG