Doanh nghiệp sản xuất đá vật liệu xây dựng gặp khó
Bình Ðịnh là địa phương có sản lượng đá vật liệu xây dựng khai thác dồi dào, nhưng những tháng đầu năm 2024, thị trường tiêu thụ sản phẩm này sụt giảm do nhu cầu xây dựng giảm mạnh. Bên cạnh đó, cước vận tải tăng cao, thời gian xin gia hạn khai thác mỏ, nâng công suất mỏ kéo dài cũng gây khó khăn cho các doanh nghiệp…
Bất cập trong gia hạn, nâng cấp công suất
Trên địa bàn tỉnh hiện có 187 DN hoạt động khai thác, chế biến đá và sản xuất vật liệu xây dựng, với tổng vốn đầu tư gần 3.760 tỷ đồng, tổng diện tích khoảng 245 ha; giải quyết việc làm cho hơn 4.400 lao động. Riêng ngành chế biến đá ốp lát, có 40 DN với công suất khoảng 12,3 triệu m2/năm. Trong 6 tháng đầu năm 2024, sản lượng chế biến đá ốp lát đạt 1,49 triệu m2, tăng 8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Các DN khai thác, sản xuất đá xây dựng đang gặp nhiều khó khăn.
- Trong ảnh: Một nhà máy sản xuất đá của Công ty CP Phú Tài. Ảnh: HẢI YẾN
Theo Hiệp hội Khai thác và chế biến đá Bình Định, mặc dù tình hình sản xuất vật liệu xây dựng năm nay tăng hơn năm 2023, nhưng chủ yếu là đá xây dựng, phục vụ thi công dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông qua địa bàn tỉnh và các công trình giao thông trọng điểm của tỉnh, các nhà máy sản xuất bê tông, nhựa đường, công trình nhỏ, nhà ở người dân. Riêng hoạt động sản xuất đá ốp lát, do tác động của suy thoái kinh tế, giá nhiên liệu đầu vào tăng cao, nhu cầu xây dựng giảm mạnh, các nhà máy chế biến có xu hướng thu hẹp quy mô; sản lượng sản xuất chủ yếu tập trung tại Công ty CP Phú Tài, Công ty CP Hoàn Cầu Granite, Công ty TNHH Tân Long Granite, Công ty TNHH Tân Trung Nam.
Ông Trần Thành Cung, Phó Giám đốc Công ty CP Phú Tài, chia sẻ: Trong 6 tháng đầu năm 2024, doanh thu riêng lĩnh vực chế biến đá của công ty đạt 1.064 tỷ đồng, kim ngạch xuất khẩu đạt 16 triệu USD, giảm 14% so với cùng kỳ năm 2023. DN gặp khó khăn trong việc gia hạn, nâng công suất khai thác các mỏ khoáng sản, nhất là mỏ đá vì toàn bộ quy trình phải làm việc với Bộ TN&MT, thời gian kéo dài từ 1 - 2 năm. Công ty có 4 nhà máy chế biến đá ốp lát, nhưng sản lượng khai thác bị khống chế nên không thể đáp ứng các đơn hàng lớn của khách. Chúng tôi kiến nghị Sở TN&MT có ý kiến xin giao việc cấp phép cho tỉnh để tạo điều kiện thuận lợi cho DN.
Nhìn chung, các DN khai thác và chế biến đá rất bức xúc vì gặp nhiều khó khăn khi xin cấp phép khai thác mới, gia hạn thời gian, tăng công suất khai thác. Ông Lê Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty CP Hoàn Cầu Granite - Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội Khai thác và chế biến đá Bình Định, cho biết: Công ty đã tham gia nhiều hội chợ, hội thảo trong và ngoài nước, tìm được nhiều khách hàng đặt số lượng lớn, nhưng mỏ được cấp phép còn vướng thỏa thuận giá đền bù đất với người dân, không thể mở rộng sản xuất để đáp ứng yêu cầu theo khối lượng của khách hàng. Công tác giải phóng mặt bằng, thu hồi đất không thực hiện được thì các thủ tục tiếp theo như đánh giá tác động môi trường, thuê đất… chưa thể triển khai.
Rà soát tháo gỡ khó khăn, vướng mắc
Bên cạnh những yếu tố khách quan, những khó khăn mà các DN gặp phải chủ yếu do quy mô đầu tư sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, tầm nhìn chiến lược kinh doanh còn hạn chế. Khi có nhu cầu, các DN xin gia hạn, nâng cấp công suất khai thác các mỏ khoáng sản phải chờ đợi lâu, không kịp cung ứng cho khách hàng.
Tại buổi làm việc với các hiệp hội, DN trên địa bàn tỉnh ngày 4.7, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn yêu cầu các DN nghiên cứu, nắm rõ, tuân thủ các quy định của pháp luật trong quá trình hoạt động để thực hiện đúng. Bên cạnh đó, các DN cần mở rộng sản xuất, kinh doanh trên cơ sở ứng dụng công nghệ máy móc hiện đại; thực hiện chuyển đổi số trong sản xuất, kinh doanh, nhất là trong xây dựng quảng bá thương hiệu, nghiên cứu mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, tìm hiểu các hiệp định thương mại đã được ký kết để nắm rõ những cơ hội, thách thức, qua đó có thêm thị trường mới.
Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương luôn đồng hành và thực hiện tốt các giải pháp về cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, rút ngắn tối đa thời gian thực hiện thủ tục hành chính, nhất là các thủ tục liên quan đến đất đai, đầu tư, xây dựng, tạo điều kiện thuận lợi cho DN. Riêng các khó khăn, vướng mắc phát sinh do Luật Đất đai, Luật Khoáng sản chưa đồng bộ, có nhiều thay đổi, các cơ quan quản lý nhà nước trên cơ sở quy định của pháp luật và vướng mắc thực tế của DN, tham mưu UBND tỉnh có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ hướng xử lý. Trong đó quan tâm đến việc tháo gỡ vướng mắc về pháp luật khoáng sản, đầu tư, đất đai để chủ đầu tư có thể hoàn thiện thủ tục ký hợp đồng thuê đất hoặc có cơ chế đặc thù trong cấp phép khai thác khoáng sản nhưng chưa được giải quyết.
HẢI YẾN