Ngang nhiên quảng cáo, mua bán chim trời trên mạng xã hội
Các hành vi săn bắt, bẫy, mua, bán, giết mổ, vận chuyển, tàng trữ, quảng cáo, tiêu thụ trái phép các loài động vật hoang dã, chim hoang dã, chim di cư là vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, thời gian qua trên địa bàn tỉnh, nhiều người vẫn quảng cáo, mua bán động vật hoang dã (phổ biến là các loại chim trời) công khai tại các hàng quán và trên mạng xã hội.
Chim trời phơi mình trên chợ online
Ngoài mua bán theo cách truyền thống qua chợ dân sinh hay những điểm tập kết, nuôi nhốt, sơ chế các loài động vật hoang dã, chim hoang dã như trước đây, ngày nay nhiều người sử dụng mạng xã hội để quảng cáo, kinh doanh các loại mặt hàng này. Không khó để bắt gặp những lời rao bán chim trời kèm hình ảnh chim còn sống được nuôi nhốt và cả chim hoang dã đã được sơ chế, đăng công khai ở các tài khoản cá nhân, hội nhóm trên Facebook.
“Chuyên sỉ chim sẻ thịt và sống phóng sanh. Sỉ từ 100 con. Đi đơn từ 30 con. Em có gửi hàng vào Sài Gòn nha khách. Ship tận nơi, miễn ship trong bán kính 3 km. Ai cần liên hệ 0899890xxx (bé Liễu)”, đây là nội dung của một bài viết trên trang cá nhân của tài khoản Facebook “Bé Liễu”. Kèm với đó là những hình ảnh, clip ghi lại quá trình săn, bắt chim sẻ bằng bẫy, quá trình sơ chế chim sẻ. Để nội dung này được nhiều người xem, tác giả đã đăng tải và ghim bài viết lên đầu trang cá nhân từ ngày 21.6.2023.
Người phụ nữ tên Liễu, chủ tài khoản “Bé Liễu”, cho biết chị đang kinh doanh các loại chim trời ở phường Nhơn Hòa (TX An Nhơn). Ngoài mặt hàng chủ yếu là chim sẻ, gồm chim sống để phóng sanh và thịt chim sẻ đã qua sơ chế, người phụ nữ này còn bán nhiều loại chim hoang dã khác như chằng nghịch, bìm bịp, cuốc, cúm núm, cò hương…
“Như chim sẻ thì 5.000 đồng/con, cuốc 85.000 đồng/con… Chim của em bán đều là chim bắt ngoài tự nhiên, hàng bao ngon. Như chim sẻ thì thu mua từ các thợ đi bẫy trong tỉnh rồi sơ chế tại nhà. Mùa này lúc nào em cũng có hàng chim sẻ”, chị Liễu cho biết.
Tương tự, chị Tuyền (chủ tài khoản Facebook “Tuyen Anh”, ở phường Tam Quan, TX Hoài Nhơn) thời gian qua cũng thường xuyên quảng cáo, rao bán các mặt hàng động vật hoang dã như chim sẻ, bìm bịp, rắn, sóc… Theo chị Tuyền, tất cả mặt hàng này đều săn bắt ngoài tự nhiên. Cũng như chị Liễu, người phụ nữ này ngang nhiên quảng cáo, rao bán động vật hoang dã mà không ý thức được rằng hành vi của mình là vi phạm pháp luật.
Ngoài ra, nhiều năm qua tại TP Quy Nhơn có một vài người thường mang các loại chim hoang dã đến các nhà hàng, quán ăn, quán cà phê rao bán công khai. Nhiều người dân vì không ý thức được đây là hành vi vi phạm pháp luật nên đã mua về sử dụng, vô tình tiếp tay cho các hoạt động săn bắt, mua, bán chim hoang dã.
Hình ảnh chim trời qua sơ chế được rao bán công khai trên mạng xã hội. Ảnh chụp màn hình
Tăng cường tuyên truyền, chấn chỉnh
Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh, đối với hành vi quảng cáo, mua bán động vật hoang dã, chim hoang dã theo cách truyền thống hoặc qua mạng xã hội, nếu kiểm tra, xác minh được đối tượng và hành vi vi phạm cụ thể thì cơ quan chức năng tiến hành xử phạt. Theo đó, chế tài xử phạt vi phạm hành chính thực hiện theo quy định tại Nghị định số 35/2019/NĐ-CP ngày 25.4.2019 của Chính phủ, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp và các nghị định, quy định liên quan. Ngoài lực lượng kiểm lâm thì UBND các cấp, CA, quản lý thị trường, BĐBP, cảnh sát biển, hải quan cũng có thẩm quyền xử phạt. Thời gian qua, Chi cục chưa xử phạt trường hợp nào liên quan đến hoạt động quảng cáo, mua bán động vật hoang dã trên mạng xã hội mà chủ yếu tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân.
Ông Lê Đức Sáu, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh, cho biết năm 2023 đơn vị đã tham mưu Sở NN&PTNT triển khai một số biện pháp nhằm tăng cường phối hợp các đơn vị tuyên truyền, vận động nhân dân không săn bắt, quảng cáo, mua, bán, tàng trữ trái pháp luật các loài động vật hoang dã, chim hoang dã, di cư. Trong đó, đề nghị UBND các địa phương chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành phối hợp với lực lượng kiểm lâm tuyên truyền để người dân nâng cao ý thức bảo vệ động vật hoang dã. Như, tuyệt đối không mua, sử dụng các loài chim hoang dã, di cư để làm thực phẩm, làm cảnh hoặc phóng sinh.
Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát các tụ điểm mua bán, vận chuyển các loài chim hoang dã, di cư trên địa bàn quản lý; xử lý kịp thời các hành vi vi phạm. Thường xuyên nhắc nhở, hướng dẫn các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, nhà hàng quán nhậu ký cam kết không mua, bán, giết mổ, tàng trữ trái pháp luật các loài động vật, chim hoang dã, di cư.
Thời gian qua, các hạt kiểm lâm cũng đã chủ động phối hợp với các đơn vị, địa phương triển khai đồng bộ các biện pháp nhằm bảo tồn các loài động vật hoang dã, chim hoang dã, di cư trên địa bàn. Như phối hợp liên ngành tổ chức nhiều đợt kiểm tra, tuyên truyền, hướng dẫn các cá nhân, tổ chức có hoạt động săn bắt, nuôi nhốt, mua bán, quảng cáo các loài động vật hoang dã chấp hành quy định pháp luật. Chủ động ngăn chặn tình trạng các đối tượng thường xuyên đến các nhà hàng, quán ăn, quán cà phê rao bán các loài chim hoang dã, di cư trái pháp luật, xác lập hồ sơ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
NGUYỄN CHƠN