KỶ NIỆM 50 NĂM NGÀY THÀNH LẬP SƯ ĐOÀN BỘ BINH 31:
“Lính Lam Hồng” viết tiếp truyền thống anh hùng
Ngày 11.7, Sư đoàn bộ binh 31 - Đoàn Lam Hồng (thuộc Quân đoàn 3, đóng quân tại xã Phước Thành, huyện Tuy Phước) tròn 50 tuổi. Nửa thế kỷ xây dựng và trưởng thành, dấu chân của những người “lính Lam Hồng” đã in hằn trên các chiến trường Việt Nam, Lào, Campuchia với nhiều chiến công hiển hách...
Giữa năm 1974, cách mạng Lào đã giành được những thắng lợi to lớn nên Quân ủy Trung ương chủ trương thành lập một sư đoàn bộ binh mới trên cơ sở các lực lượng còn lại của Mặt trận 31 ở Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng (CHDCND Lào). Ngày 11.7.1974, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chính thức có Quyết định thành lập Sư đoàn bộ binh 31 (được mang tên truyền thống là Đoàn Lam Hồng). Hơn 1 tháng sau, Sư đoàn tổ chức trọng thể lễ ra mắt ngay tại huyện Mường Pẹt (tỉnh Xiêng Khoảng), tiếp tục kế thừa truyền thống vẻ vang của các lực lượng quân tình nguyện Việt Nam trên mặt trận Cánh đồng Chum.
Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành
Đóng quân trên nước bạn, cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 31 luôn nêu cao tinh thần cách mạng tiến công, chịu đựng gian khổ, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của quân tình nguyện. Thời gian này, không chỉ hoàn thành tốt nhiệm vụ hậu thuẫn trực tiếp cho bạn giành chính quyền, Sư đoàn còn giúp nước bạn xây dựng nhiều công trình cơ sở hạ tầng, dân dụng công cộng…
Tháng 4.1976, Sư đoàn nhận lệnh trở về Tổ quốc, đứng chân trên địa bàn tỉnh Nghệ An để làm nhiệm vụ phát triển kinh tế và huấn luyện sẵn sàng chiến đấu. Từ một đơn vị chiến đấu, tháng 10.1977, Sư đoàn tiếp tục cơ động vào Đồng bằng sông Cửu Long giúp hai tỉnh An Giang, Kiên Giang xây dựng công trình thủy lợi mang tên H-9, thau chua rửa mặn cải tạo ruộng đồng, phát triển kinh tế.
Mùa xuân năm 1978, giữa lúc cán bộ, chiến sĩ của Sư đoàn đang tiến quân mạnh mẽ vào mặt trận thủy lợi thì cũng là lúc cuộc chiến đấu chống quân xâm lược Pôn Pốt diễn ra ác liệt. Từ đây, Sư đoàn lại nhận nhiệm vụ chiến đấu tại chiến trường Tây Nam, giúp nhân dân Campuchia tiêu diệt bọn diệt chủng Pôn Pốt - Iêng Xa Ry. Sư đoàn đã tham gia 6 chiến dịch lớn, tác chiến trên 200 trận, tiêu diệt và bắt sống hơn 10.000 tên địch, làm chủ Tà Sanh - sào huyệt, cơ quan đầu não của bọn diệt chủng Pôn Pốt.
Năm 1979, Sư đoàn nhận lệnh cơ động ra miền Bắc Việt Nam làm nhiệm vụ dự bị cơ động chiến đấu. Trong gần 1 tháng, Sư đoàn đã thực hiện cuộc hành quân lớn nhất, vượt gần 3.000 km, xuyên qua Campuchia, dọc nước Việt Nam bằng cả đường bộ, đường sắt, đường thủy, đường hàng không để có mặt tại nơi đóng quân mới - tỉnh Thái Nguyên và Lạng Sơn. Tháng 8.1985, Sư đoàn lại tiếp tục nhận nhiệm vụ chiến đấu phòng ngự trên mặt trận biên giới Vị Xuyên (Hà Giang)...
Sư đoàn bộ binh 31 luôn coi trọng huấn luyện đồng bộ và chuyên sâu, sát với yêu cầu nhiệm vụ, thực tế chiến đấu. Ảnh: QUANG DẦN
Làm tốt nhiệm vụ huấn luyện
Sau hơn 8 năm làm nhiệm vụ trên hướng phía Bắc Tổ quốc, lịch sử Sư đoàn 31 lại bước sang một trang mới. Năm 1988, cùng với đội hình Quân đoàn 3, Sư đoàn hành quân về với dải đất miền Trung ruột thịt và đóng quân tại huyện Tuy Phước để thực hiện nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu.
Theo đại tá Lê Minh Đức, Chính ủy Sư đoàn bộ binh 31, trước yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Sư đoàn luôn coi trọng công tác giáo dục chính trị gắn với phát huy dân chủ, tăng cường kỷ cương, kỷ luật và kết hợp chặt chẽ với thực hiện có hiệu quả các phong trào, các cuộc vận động.
Với những thành tích đặc biệt xuất sắc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Sư đoàn bộ binh 31 và 8 tập thể, 4 cá nhân thuộc Sư đoàn đã được tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân. Ngoài ra, Sư đoàn cũng được nước bạn Lào, Campuchia tặng thưởng Huân chương Itxala, Huân chương Angkor và nhiều huân chương, huy chương cao quý khác.
“Cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn luôn nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, đặt nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu lên hàng đầu, chủ động xây dựng và luyện tập thành thục các phương án sẵn sàng chiến đấu, chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, trang bị kỹ thuật, sẵn sàng cơ động làm nhiệm vụ, không để bất ngờ trong mọi tình huống”, đại tá Đức cho biết thêm.
Cùng với nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, công tác huấn luyện được Sư đoàn đặc biệt coi trọng. Trong đó, Sư đoàn tổ chức huấn luyện theo phương châm “cơ bản, thiết thực, vững chắc”, coi trọng huấn luyện đồng bộ và chuyên sâu, sát với yêu cầu nhiệm vụ, thực tế chiến đấu, đối tượng tác chiến và vũ khí trang bị hiện có.
Đại tá Lê Đình Việt, Sư đoàn trưởng Sư đoàn bộ binh 31, cho hay: “Bên cạnh chuẩn bị đầy đủ về cơ sở vật chất, giáo án, bài giảng, thao trường bãi tập, Sư đoàn luôn gắn huấn luyện với rèn luyện kỷ luật, xây dựng nền nếp chính quy, nâng cao thể lực quân nhân dự bị, chiến sĩ mới, xây dựng nội dung sát tình hình thực tế. Đặc biệt, đơn vị cũng kết hợp chặt chẽ huấn luyện với giáo dục chính trị, pháp luật, quán triệt nhiệm vụ và nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, hoàn cảnh của bộ đội, kịp thời giải quyết những vấn đề tư tưởng nảy sinh”.
Song song với đó, Sư đoàn bộ binh 31 còn chủ động phối hợp cùng cấp ủy, chính quyền địa phương ký kết và thực hiện có hiệu quả chương trình phối hợp công tác; tham gia giúp đỡ nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai, thực hiện công tác chính sách - xã hội... góp phần thắt chặt mối quan hệ đoàn kết keo sơn với nhân dân, xây dựng cơ sở chính trị địa phương vững mạnh, tô thắm thêm hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” trong thời kỳ mới...
HỒNG PHÚC