Đổi mới quản lý chất thải rắn sinh hoạt: Yêu cầu cấp thiết!
Đổi mới quản lý chất thải rắn sinh hoạt nhằm đảm bảo các quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2020 và nâng cao hiệu quả công tác thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải là yêu cầu cấp thiết mà các sở, ngành, chính quyền địa phương và người dân cần chung tay thực hiện.
“Chất thải là tài nguyên”
Theo bà Lê Thị Minh Ánh, chuyên gia Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường (Bộ TN&MT), với quan điểm “chất thải là tài nguyên”, Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) 2020 đưa ra nhiều quy định nhằm bảo đảm nguyên tắc giảm thiểu phát sinh và tăng cường tái sử dụng, tái chế chất thải để khai thác giá trị tài nguyên của chất thải. Điểm đột phá của Luật BVMT 2020 là quy định thu phí rác thải dựa trên khối lượng hoặc thể tích, thay cho việc tính bình quân theo hộ gia đình, đầu người trước đây. Theo đó, giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn (CTR) sinh hoạt từ hộ gia đình, cá nhân được tính toán phù hợp với quy định của pháp luật về giá; dựa trên khối lượng hoặc thể tích chất thải đã được phân loại.
“Việc thu giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý CTR sinh hoạt theo phương thức này phải được thực hiện chậm nhất là ngày 31.12.2024. Cơ chế thu phí này góp phần thúc đẩy người dân phân loại, giảm thiểu CTR sinh hoạt phát sinh tại nguồn; bởi nếu không thực hiện thì chi phí xử lý rác thải phải nộp sẽ cao”, bà Ánh cho hay.
Ngoài ra, trước đây việc phân loại CTR sinh hoạt chỉ mang tính khuyến khích thì nay đã được luật hóa tại Điều 75 và 79 của Luật BVMT 2020. Theo đó, CTR sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân được phân loại thành 3 nhóm chính gồm: CTR có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm; CTR sinh hoạt khác.
Hộ gia đình, cá nhân ở đô thị thực hiện phân loại CTR sinh hoạt thành từng loại, sau đó chứa, đựng vào bao bì để chuyển giao cho các tổ chức, cá nhân có có nhu cầu tái sử dụng, tái chế hoặc cơ sở thu gom, vận chuyển CTR.
Đối với người dân ở nông thôn, khuyến khích tận dụng tối đa chất thải thực phẩm để làm phân bón hữu cơ, làm thức ăn chăn nuôi. Riêng CTR có khả năng tái sử dụng, tái chế được chuyển giao cho tổ chức, cá nhân tái sử dụng; tái chế hoặc cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển. Còn CTR sinh hoạt khác phải chứa, đựng trong bao bì theo quy định và chuyển giao cho cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển.
Ông Trần Đình Trung, Phó Chi cục trưởng Chi cục BVMT (Sở TN&MT), cho biết: “Với những quy định này, hộ gia đình cá nhân được lựa chọn giữa việc thực hiện phân loại CTR sinh hoạt theo quy định hoặc chi trả tiền thu gom, vận chuyển, xử lý CTR sinh hoạt trong trường hợp không phân loại hoặc phân loại không đúng quy định. Chậm nhất đến ngày 31.12.2024, quy định về phân loại CTR sinh hoạt phải được thực hiện”.
Mô hình phân loại CTR sinh hoạt với hình thức thu gom, xử lý chất thải thực phẩm theo cụm tại khối phố Thuận Nghĩa, thị trấn Phú Phong (huyện Tây Sơn) đạt nhiều kết quả tích cực. Ảnh: V.L
Từng bước đổi mới, tạo chuyển biến tích cực
Theo Chi cục BVMT, đến nay, công tác quản lý CTR sinh hoạt trên địa bàn tỉnh từng bước có sự đổi mới, tạo chuyển biến tích cực; tỷ lệ thu gom CTR sinh hoạt đã tăng so với các năm trước. Năm 2023, tỷ lệ thu gom rác thải đô thị đạt 85,8% (Nghị quyết HĐND tỉnh giao 85%); tỷ lệ thu gom rác thải tại nông thôn đạt 61% (tăng gần 9% so với năm 2022). Bên cạnh đó, hiện 11/11 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đã triển khai mở rộng địa bàn và tăng tần suất thu gom.
Tuy nhiên, công tác quản lý CTR sinh hoạt trên địa bàn tỉnh còn một số tồn tại, hạn chế; đòi hỏi phải đổi mới để nâng cao hiệu quả hơn và tuân thủ các quy định của Luật BVMT 2020.
Bà Hà Thị Thanh Hương, Phó Giám đốc Sở TN&MT, cho rằng: Để tăng cường hiệu quả trong công tác quản lý CTR sinh hoạt cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và các cấp ủy đảng. Gắn trách nhiệm của người đứng đầu nếu xảy ra tồn tại, vi phạm trong công tác quản lý CTR sinh hoạt tại các phường, xã. Đồng thời, tăng cường năng lực cho công chức địa chính - xây dựng - môi trường cấp xã và các phòng TN&MT để đáp ứng nhiệm vụ quản lý CTR sinh hoạt tại địa phương. Bên cạnh đó, tiếp tục hoàn thiện mạng lưới dịch vụ thu gom, vận chuyển rác thải theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả tại các huyện, thị xã. Đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động thu gom, vận chuyển thông qua hình thức đấu thầu, đặt hàng và giảm phương thức giao nhiệm vụ. Kêu gọi các nhà đầu tư tham gia trong công tác xử lý rác thải với các công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường. Ưu tiên lựa chọn công nghệ xử lý CTR kết hợp với thu hồi năng lượng, phù hợp với điều kiện phát triển KT-XH của tỉnh. Đặc biệt, tập trung triển khai thực hiện phân loại CTR sinh hoạt tại nguồn và thực hiện thu gom, vận chuyển, xử lý sau phân loại theo đúng quy định.
Theo Chi cục BVMT, tổng lượng CTR sinh hoạt phát sinh trên địa bàn tỉnh khoảng 1.000 tấn/ngày. Toàn tỉnh hiện có 5 DN, 9 đơn vị sự nghiệp công ích, 17 HTX và các cá nhân tham gia hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý CTR sinh hoạt. Tần suất thu gom tại đô thị dao động trung bình khoảng 4 - 6 lần/tuần (trừ nội thành TP Quy Nhơn đạt 7 lần/tuần).
VĂN LỰC