Tiện ích và an toàn từ thẻ căn cước
Thẻ căn cước tạo thuận lợi cho người dân trong thực hiện giao dịch dân sự, hướng tới xây dựng chính phủ số, kinh tế số, xã hội số. Quá trình thu nhận hồ sơ, cấp thẻ căn cước còn thu nhận các thông tin sinh trắc học về ADN và giọng nói, góp phần đảm bảo quyền cơ bản của con người theo quy định của Hiến pháp.
Ngày 1.7, Luật Căn cước 2023 chính thức có hiệu lực với nhiều điểm mới so với Luật CCCD 2014. Theo đó, thẻ CCCD sẽ đổi tên thành thẻ căn cước (TCC) và mở rộng đối tượng được thu nhận hồ sơ, cấp TCC cho công dân từ 0 đến dưới 6 tuổi, từ 6 đến dưới 14 tuổi, từ 14 tuổi trở lên và cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch.
Ưu tiên cấp cho trẻ em
Tranh thủ sáng đầu tuần, chị Nguyễn Thị Ngọc Tâm (ở phường Trần Hưng Đạo, TP Quy Nhơn) cùng con trai 12 tuổi đến trụ sở Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (CA tỉnh) để làm thủ tục cấp TCC.
Chị Tâm cho biết CCCD của chị sắp hết hạn, đồng thời biết thông tin trẻ em dưới 14 tuổi cũng được thu nhận hồ sơ để cấp TCC, chị sắp xếp công việc để hai mẹ con cùng đến làm. “Tôi nghĩ làm TCC sớm cho con rất tiện, vì TCC tích hợp được nhiều loại giấy tờ khác nhau. Mọi thủ tục diễn ra khá nhanh chóng và thuận tiện, tôi và con trai được chụp ảnh, lăn tay, lấy mống mắt… chỉ chưa đầy 10 phút là xong hết”, chị Tâm nói.
Thu nhận hồ sơ cấp TCC tại trụ sở Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (CA tỉnh). Ảnh: K.A
Có con là một trong những công dân đầu tiên của tỉnh được nhận TCC, vợ chồng anh Lê Quốc Hùng (ở phường Lê Hồng Phong, TP Quy Nhơn) không giấu được niềm vui. Ngay sau khi được lực lượng CA tuyên truyền về những lợi ích của TCC cho trẻ dưới 14 tuổi, anh đã đưa con đi làm ngay từ ngày 1.7.
“Chúng tôi được hướng dẫn chu đáo, hỗ trợ thực hiện thủ tục nhanh chóng. Chỉ sau 1 tuần, con gái tôi đã có TCC. Từ nay, khi con đi học hay sử dụng các tiện ích khác đều sẽ thuận tiện hơn trước”, anh Hùng phấn khởi.
Theo thượng tá Nguyễn Hòa Bình, Phó trưởng Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, quá trình thu nhận hồ sơ, cấp TCC cho công dân đảm bảo đúng quy trình, quy định của pháp luật, tạo thuận lợi cho người dân. Việc tiếp nhận, thu thập thông tin, xử lý cấp thẻ cho trẻ từ 6 tuổi đến dưới 14 tuổi tương tự công dân đủ 14 tuổi.
“Riêng với trẻ dưới 6 tuổi không thực hiện thu nhận thông tin nhân dạng, thông tin sinh trắc học ảnh khuôn mặt, vân tay, mống mắt. Do đó, cha mẹ hoặc người đại diện hợp pháp đến trụ sở cơ quan CA đề nghị hoặc đề nghị trực tuyến qua Cổng dịch vụ công, ứng dụng VneID, không cần đưa trẻ đến nơi thu nhận hồ sơ cấp TCC”, thượng tá Bình cho biết thêm.
Đảm bảo an toàn tuyệt đối
Thời gian qua, lực lượng cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội toàn tỉnh đã chủ động triển khai công tác làm sạch dữ liệu, đảm bảo “đúng, đủ, sạch, sống”, phục vụ thu nhận 100% hồ sơ cấp TCC cho công dân đủ điều kiện.
Từ ngày 1.7 đến nay, lực lượng đã thu nhận hơn 3.300 hồ sơ TCC theo 4 nhóm. Trong đó, trẻ em dưới 6 tuổi có 66 hồ sơ, trẻ em từ 6 tuổi đến dưới 14 tuổi có 221 hồ sơ, công dân từ đủ 14 tuổi trở lên có hơn 3.000 hồ sơ, người gốc Việt chưa xác định được quốc tịch có 1 hồ sơ.
Các công dân đầu tiên của tỉnh được nhận thẻ căn cước. Ảnh: K.A
Một trong những điểm mới đáng chú ý của Luật Căn cước là bắt buộc thu nhận thông tin sinh trắc học mống mắt đối với công dân từ đủ 6 tuổi trở lên khi thực hiện thủ tục cấp TCC. Chỉ khi người dân có nhu cầu đổi CCCD sang TCC thì mới bắt buộc phải thu thập mống mắt. Đối với CCCD đã được cấp trước ngày 1.7 có giá trị sử dụng đến hết thời hạn được in trên thẻ, người dân vẫn sử dụng bình thường, không bắt buộc phải thu thập mống mắt để bổ sung.
“Nếu công dân đã được cấp thẻ CCCD trước ngày 1.7 vẫn muốn bổ sung thông tin sinh trắc học mống mắt thì có thể đến cơ quan CA làm thủ tục cấp TCC để đăng ký. Các thông tin sinh trắc học về ADN và giọng nói được thu thập khi người dân tự nguyện cung cấp trong quá trình thực hiện thủ tục cấp TCC”, thượng tá Bình lưu ý.
TCC được chế tạo bằng công nghệ tiên tiến, có khả năng bảo mật cao, bảo đảm chống lại việc làm giả. Trong chip điện tử trên thẻ có công nghệ xác thực thông tin qua đối sánh vân tay hoặc khuôn mặt nhằm xác thực chính xác chủ thẻ. Theo đó, khi một người sử dụng thiết bị đọc thông tin lưu trữ trong chip điện tử phải được sự đồng ý của chủ thẻ thông qua phương thức xác thực vân tay, khuôn mặt để được quyền truy cập vào ứng dụng đọc, truy xuất dữ liệu, nếu không có thao tác này thì không ai có thể truy cập để lấy thông tin.
Ngoài ra, để khai thác được các thông tin trong chip điện tử trên TCC phải sử dụng các thiết bị chuyên dụng được Bộ CA cung cấp mã bảo mật để xác thực, bảo đảm an ninh, an toàn bảo mật thông tin. Trường hợp các cơ quan Nhà nước khác cung cấp thiết bị chuyên dụng để đọc thông tin trong thẻ, các thiết bị này đều phải được cơ quan chuyên môn của Bộ CA kiểm tra và cung cấp mã bảo mật.
KIỀU ANH