Bàn giải pháp khai thác và xuất khẩu cá ngừ đại dương
Hiện, cả nước có khoảng 3.600 tàu khai thác cá ngừ đại dương, chủ yếu tập trung tại Bình Định, Phú Yên và Khánh Hòa.
Sáng nay (13.9), tại TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát chủ trì Hội nghị bàn giải pháp khai thác và xuất khẩu cá ngừ đại dương.
Tham dự Hội nghị có đại diện UBND, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và ngư dân 3 tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Hiệp hội cá ngừ Việt Nam cùng các doanh nghiệp thu mua chế biến cá ngừ.
Hiện, cả nước có khoảng 3.600 tàu khai thác cá ngừ đại dương, chủ yếu tập trung tại 3 tỉnh Bình Định, Phú Yên và Khánh Hòa; sản lượng khai thác ổn định trong vài năm trở lại đây là 16.000 tấn/năm. Sản phẩm cá ngừ đại dương của Việt Nam đã xuất khẩu đến 99 nước trên thế giới, thị trường chủ yếu là EU, Mỹ và Nhật Bản; giá trị kim ngạch xuất khẩu cá ngừ tăng nhanh, từ 188 triệu USD năm 2008 lên gần 530 triệu USD vào năm 2013.
Sau hơn 1 tháng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành “Đề án thí điểm khai thác, thu mua và chế biến cá ngừ theo chuỗi giá trị”, tại 3 tỉnh duyên hải Nam Trung bộ bước đầu đã hình thành một số mô hình ứng dụng, chuyển giao tiến bộ trong khai thác, bảo quản sản phẩm dưới sự hỗ trợ của các đối tác Nhật Bản, mở ra triển vọng tăng giá trị cá ngừ xuất khẩu. Tuy nhiên, cá ngừ đại dương xuất sang thị trường Nhật Bản có con bán được 400.000 đồng/kg, nhưng có con chỉ bán được 50.000 đồng/kg.
Thực tế, việc ứng dụng các kỹ thuật khai thác, bảo quản sản phẩm nghề câu cá ngừ đại dương vẫn bộc lộ bất cập do tập quán sản xuất của ngư dân, tàu nhỏ khó lắp đặt các thiết bị cơ giới hóa, thiếu tàu dịch vụ hậu cần nghề cá và doanh nghiệp đủ mạnh làm nòng cốt.
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát cho rằng cần tiếp tục tập trung vào 5 nhóm giải pháp để hoạt động khai thác và xuất khẩu cá ngừ đạt hiểu quả là đào tạo, lựa chọn công nghệ, doanh nghiệp nòng cốt hiện đại hóa đội tàu và đánh giá đúng chất lượng cá ngừ trong cuối sản phẩm.
Bộ trưởng Cao Đức Phát nói: “Chúng ta đã thống nhất rất nhiều những biện pháp. Các địa phương cũng đã tích cực triển khai và có kết quả bước đầu. Hiện có rất nhiều công việc đang còn dở dang, chúng tôi muốn triển khai nhanh hơn. Vì vậy, chúng ta cùng đánh giá lại những chủ trương đã thống nhất, đặc biệt là những giải pháp có thể làm ngay để tiếp tục nâng cao hiệu quả khai thác cá ngừ đại dương. Đây là một khâu chúng ta đã lựa chọn trong toàn bộ chương trình tái cơ cấu ngành thủy sản”.
Theo Hải Sơn (VOV)
Muốn phát triển ngành thủy sản đánh bắt xa bờ thì phải phát triển đội tàu cá vỏ thép. Muốn phát triển đội tàu cá vỏ thép thì phải có Nhà máy đóng mới và sửa chữa tàu cá vỏ thép tại địa bàn tỉnh để bà con ngư dân thuận tiện, hiệu quả trong việc giám sát đóng mới, giám sát sửa chữa, bảo dưỡng định kỳ. Các xưởng đóng tàu gỗ không đủ điều kiện để đảm nhận nhiệm vụ này. Khi bà con ngư dân cảm thấy thuận tiện, an tâm, hiệu quả thì sẽ mạnh dạn đầu tư tàu vỏ thép.